Hà Nội

Cấp cứu trước viện giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong

28-03-2016 14:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sơ cấp cứu hay cấp cứu trước bệnh viện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định sự sống còn của người bệnh nhất là đối với bệnh nhân nặng. Bên cạnh những khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, mặt bằng, cơ chế chính sách thì trên thực tế nhiều người dân chưa biết và hiểu rõ về hoạt động này. Do vậy số người bệnh cấp cứu được xử trí cấp cứu ban đầu và chuyển đến bệnh viện bởi hệ thống cấp cứu trước viện chỉ đạt dưới 30%. Đây là chia sẻ của PSG.TS. Nguyễn Đạt Anh – Chủ tịch Phân hội cấp cứu, Trưởng khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai tại Hội nghị quốc tế về Y học cấp cứu năm 2016 vừa được diễn ra tại Hà Nội.

Chạy đua với giờ vàng để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh

Công tác cấp cứu trước viện rất quan trọng và được các nhà chuyên môn rất quan tâm, bởi người bệnh có được cấp cứu kịp thời để sống được hay không, có để lại ít di chứng hoặc giảm chi phí điều trị, thậm chí góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác cấp cứu trước bệnh viện. Nếu một bệnh nhân nặng được xử trí cấp cứu trước viện tốt sẽ qua được cơn hiểm nghèo, để lại ít di chứng, thậm chí tránh được tử vong.

Đối với những nạn nhân bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông nếu được cấp cứu kịp thời ngay tại hiện trường hoặc tại nhà, tại nơi làm việc để ổn định tình trạng bệnh; được theo dõi, chăm sóc, được tiến hành các kỹ thuật cấp cứu trên đường vận chuyển tới bệnh viện thì bệnh nhân sẽ được an toàn hơn.

Theo Bác sĩ Đặng Thành Khẩn - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội: Sơ cấp cứu là những trợ giúp y tế ban đầu ngay tại nhà, tại hiện trường khi người bệnh bị chấn thương, bị bệnh đột ngột trước khi được tiến hành điều trị chuyên khoa. Sơ cấp cứu giữ vai trò rất quan trọng bởi điều này không chỉ giúp cứu sống bệnh nhân, ngăn không cho tình trạng bệnh xấu đi mà còn thúc đẩy quá trình hồi phục bệnh.

Các chuyên gia cho rằng nếu nạn nhân bị thương nặng, mất máu, sốc và trụy mạch,.. nếu không được sơ cứu kịp thời, tại chỗ như cầm máu, nâng huyết áp, ổn định tình trạng người bệnh, rồi chuyển đến bệnh viện bằng xe cứu thương có nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc mà lại được chuyển đến bệnh viện bằng các phương tiện khác như taxi, moto …. thì người bệnh rất dễ bị biến chứng nặng lên và khó tránh khỏi bị tử vong. Thậm chí, người không biết cách sơ cứu, chỉ cần bế bệnh nhân lên hoặc dìu bệnh nhân đứng dậy cũng có thể gây tử vong cho bệnh nhân.

PSG.TS. Nguyễn Đạt Anh – Chủ tịch Phân hội cấp cứu, Trưởng khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Y học cấp cứu năm 2016

Cần nâng cao hiểu biết về sơ cấp cứu

Thực tế trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp người bệnh hoặc nạn nhân bị chấn thương cần được cấp cứu. Trước khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến, cần phải duy trì sự sống cho họ bằng những biện pháp cấp cứu ban đầu. Vì thế, vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về sơ cấp cứu, việc cập nhật kiến thức về cấp cứu ngoại viện cho nhân viên y tế, việc mở các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người dân tại cộng đồng, cho học sinh, sinh viên vv… là tối cấn thiết, từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ không mong muốn đối với người bệnh, người bị nạn.

Chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Đạt Anh cho biết, nhiều người cho rằng cấp cứu càng nhanh càng tốt nên khi gặp tình huống cần cấp cứu nhất là có người thân thì tâm lý của người nhà rất lo lắng. Nên nạn nhân ngay lập tức thường được chuyển tới bệnh viện bằng các phương tiện không chuyên dụng và có sẵn như xe máy, taxi… Tuy nhiên, đối với rất nhiều bệnh thì đây không phải phương pháp an toàn. Ngoài ra, nhiều trường hợp, thay vì gọi trợ giúp của người có chuyên môn hoặc 115, không ít người tự tiến hành các thao tác sơ cứu không đúng kỹ thuật. Đây là sai lầm thường gặp trong cấp cứu mà các bác sĩ thường gặp. Những điều này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của người dân về cấp cứu ban đầu. Vì vậy, cần tuyên truyền  cho người dân hiểu được trường hợp nào cần chuyển đến bệnh viện ngay được, trường hợp nào cần phải gọi nhân viên y tế, cấp cứu 115 để người bệnh, người bị nạn được xử trí cấp cứu trước và trong quá trình chuyển đến bệnh viện.

Trong một số trường hợp, khi có tình huống gấp nếu không biết sơ cứu, người dân cần gọi ngay Cấp cứu 115, nhân viên điều hành sẽ tư vấn cho người dân những bước sơ cứu ban đầu đơn giản nhất có thể làm được cho người bệnh trong khoảng thời gian chờ kíp 115 đến, đơn cử như trường hợp bị ngừng tim, nhân viên tiếp nhận điện thoại 115 sẽ nhanh chóng điều kíp cấp cứu đến hiện trường, đồng thời hướng dẫn người gọi cấp cứu tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt cho bệnh nhân trong khi chờ xe cấp cứu.

Về thực trạng cấp cứu tại hiện trường, theo nghiên cứu của Viện Quân y 103, 91,9% nạn nhân được cấp cứu do người đi đường, 3,2% được tự cấp cứu, và 4,9% được nhân viên y tế cấp cứu. Trong khi đó, đánh giá về thực trạng chất lượng sơ cấp cứu, tại Bệnh viện Việt Đức, 5,52% cố định xương và 7,16% cầm máu xử trí cấp cứu ban đầu chưa đúng kỹ thuật. Vì vậy, việc sơ, cấp cứu  ban đầu nếu được triển khai nhanh chóng, đúng kỹ thuật sẽ giúp nạn nhân các vụ tai nạn tránh được biến chứng nguy hiểm trước khi chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên ngoài những khó khăn về phương tiện thì hiện nay ở thành phố lớn như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh nhiều chuyến cấp cứu ngoại viện  bị tắc đường, đến nơi đã quá trễ không thể làm được gì. Trong khi giai đoạn hiện tại thì mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi, các cấp cứu tim mạch, chuyển hóa, các tai nạn thương tích… là vấn đề đặt ra cho chuyên ngành cấp cứu với nhiều thách thức mới.

Mỗi người đều cần nắm vững những kỹ năng sơ cứu



Theo báo cáo tại Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu năm 2016 cho thấy, hiện nay nước ta nhiều địa phương chưa có Trung tâm cấp cứu 115. Ngay tại địa phương có Trung tâm cấp cứu 115 thì hệ thống các Trạm cấp cứu vệ tinh rất mỏng, số kíp cấp cứu 115 cũng rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của người bệnh. Bên cạnh những khó khăn về nhân lực, mặt bằng, chế độ chính sách, thì khó khăn về phương tiện để cấp cứu cũng là vấn đề đặt ra, chỉ có số ít tỉnh, thành phố (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) có khoảng trên 10 kíp xe cứu thương thường trực; các địa phương khác chỉ có 1 - 8 kíp xe cứu thương thường trực, trong khi đó theo tiêu chuẩn của WHO là 15 kíp xe/1 triệu dân.

Khánh Mai
Ý kiến của bạn