Di tích tháp Chăm Khương Mỹ (là di tích được xếp hạng quốc gia vào năm 1989) thuộc thôn 4, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam: gồm ba cụm tháp được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10. Nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì mà công trình kiến trúc cổ này đang được đơn vị trùng tu là Trung tâm Quản lý di tích Quảng Nam cải tạo... làm mới lại không gian và mặt nền của di tích tháp Chăm. Việc trùng tu cải tạo lại không gian mới của di tích như biến thành vườn hoa công viên, không những thế di tích đã bị băm nát, làm biến dạng không gian của di tích đi và làm mất đi cái vẻ cổ từ bao đời mà ông cha ta tạo ra nó.
Một số gạch Chăm trong không gian di tích được công nhân đào bới vứt vương vãi, không được tu bảo đàng hoàng. |
Nhưng nay tháp Chăm này được tu bảo. Trong việc tu bảo ấy, đặc biệt nghiêm trọng nhất là ngoài việc lắp đặt các bóng đèn trang trí cho “không gian của di tích đẹp hơn”, họ còn đào bới sát cạnh chân tháp để đặt dây điện ngầm, làm lộ ra cả mảng dài chân tháp và gạch Chăm đào lên vương vãi bị vứt khắp nơi.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc phát hiện các chạm khắc về thần Vishnu, con khỉ ở chân đế tháp, so sánh với bản vẽ trước đây của người Pháp thì phong phú hơn; các minh văn lâu nay vốn được khắc trên các bia đá, trụ áp cửa, bàn thờ Linga-Yoni... nhưng ở Khương Mỹ còn xuất hiện cả trên gờ diềm ở bức chạm trên đế tháp.
Nhưng khu vực này đến nay vẫn chưa có cuộc khai quật khảo cổ học để nghiên cứu các vết tích còn nằm trong lòng đất. Nhưng đơn vị thi công lại chở đất đỏ về lấp lại mặt bằng để tăng nền di tích và đổ bê tông trang trí di tích cổ thành di tích hiện đại?!.
Công nhân đang thi công cải tạo lại không gian của di tích tháp Chăm Khương Mỹ, thay đổi cái “không gian của người Chăm xưa thành không gian người Chăm hiện đại” theo bê tông cốt thép và vườn hoa. |
Ngoài phần tường rào xây dựng bằng sắt thép sát cạnh tháp, không phù hợp không gian và cảnh quan di tích, đơn vị thi công còn xây dựng các mương thoát nước cũng bằng bê tông đậy nắp vốn không phù hợp, vì người Chăm xưa xây dựng các tháp trên vùng gò đồi, nước sẽ tự nhiên chảy xuống xung quanh.
Tường rào bảo vệ được xây trong quá trình tu bổ cũng không đúng với vị trí, bản đồ khoanh vùng di tích, làm diện tích khu vực I của di tích bị thu hẹp lại, có chỗ bị méo mó. Số diện tích đất của di tích, trước đây có trường mẫu giáo và sinh hoạt thôn, đã bị xuống cấp hoàn toàn, địa phương đã xây dựng tại địa điểm mới. Tuy nhiên phần đất này gần 5.000m2 lại không được sử dụng để mở rộng khu vực di tích.
Việc tu bảo nâng cấp bằng bê tông cốt thép được các công nhân đào sát cạnh bên móng của di tích tháp Chăm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tháp. |
Với những giá trị vốn có của tháp Chăm Khương Mỹ, việc tu bổ di tích không thể tùy tiện làm biến dạng không gian và yếu nguồn gốc di tích như Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.
Đề nghị các cơ quan Quảng Nam cần xem xét để bảo vệ di tích Chăm khỏi nguy cơ bị biến và mất đi không gian cổ của người Chăm xưa.
Bài và ảnh: Trương Hồng Phong