Hà Nội

Cấp cứu thành công sản phụ sinh 3 có dấu hiệu tăng huyết áp, suy hô hấp

05-09-2019 07:17 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS -Thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết, các bác sĩ Khoa Sanh của bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu thành công sản phụ mang tam thai tự nhiên hiếm gặp.

Sản phụ là chị Nguyễn Thị Ngọc N, sinh năm 1997, trú tại xã Long Hưng, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Trước đó, ngày 1/9, chị N mang tam thai tự nhiên 34 tuần 5 ngày nhập viện tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang và có dấu hiệu tăng huyết áp, suy hô hấp.

Tại Khoa Sanh, các bác sĩ xác định thai phụ có yếu tố nguy cơ tiền sản giật, dọa sinh non nên nhanh chóng chỉ định cho chị N thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giảm gò, hỗ trợ hô hấp và tiến hành hội chẩn quyết định mổ cấp cứu.

Sau khi phẫu thuật cấp cứu, chị N sinh ba bé trai với cân nặng 2,1 kg, 1,9 kg và 1,6 kg. Các bé khóc to, thở tự nhiên không cần hỗ trợ oxy.

Việc phẫu thuật kịp thời cho sản phụ mang tam thai sinh non của các bác sĩ giúp 3 bé trai chào đời, thở tốt.

Do sinh non tháng, nhẹ cân nên sau sinh, ba bé trai được các bác sĩ chuyển đến Khoa Sơ sinh để nằm giường sưởi ấm để ổn định thân nhiệt, chăm sóc dinh dưỡng và theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ sinh non.

Hiện tại sản phụ N có thể xoay trở nhẹ, huyết áp dần ổn định. Ba con chị N bú tốt, thở đều, có tình trạng vàng da non tháng và đang được chiếu đèn điều trị, tiên lượng tốt.

Thông tin thêm về trường hợp này, TS Trần Quang Hiền - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho hay, mang thai tự nhiên sinh 2 đã hiếm, nhưng sản phụ này lại mang thai sinh 3 nên tỷ lệ này rất hiếm gặp và chiếm 1/8.000. Các trường hợp đa thai thường gặp nhiều nguy cơ tiềm ẩn như dọa sinh non, các bất thường nhau thai, thai chậm tăng trưởng và đặc biệt là tiền sản giật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé.

Khi mang tam thai thì công tác dưỡng thai rất khó khăn vì nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân, suy hô hấp rất cao. Vì vậy việc dưỡng thai cần rất cẩn thận, trong quá trình khám thai sẽ cần phải tiêm thuốc cho mẹ để kích thích trưởng thành phổi cho bé giúp giảm tỷ lệ suy hô hấp sau sinh.

Trong khi sinh thì cần dự phòng băng huyết sau sinh cũng như chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự và trang thiết bị để chào đón các bé chào đời.

Theo các nhà chuyên môn, tiền sản giật là cao huyết áp gây ra do thai kỳ với tần suất 2-5%. Cùng với xuất huyết và nhiễm trùng, tiền sản giật là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ. Không những gây nguy hiểm cho mẹ, tiền sản giật còn là một trong những nguyên nhân chính của tử vong sơ sinh vì những nguy cơ của non tháng do việc phải chấm dứt thai kỳ sớm trên nền tảng bào thai suy dinh dưỡng.

Một số yếu tố nguy cơ của tiền sản giật bao gồm:

  • Có tiền sử bị tiền sản giật
  • Tuổi thai phụ trên 40 tuổi
  • Tiền căn gia đình có tiền sản giật
  • Béo phì
  • Đa thai
  • Tiền sử: tăng huyết áp mãn tính, bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh hệ thống (ví dụ lupus ban đỏ)

Phòng ngừa tiền sản giật

Tiền sản giật và sản giật thường không bị phát hiện nếu không kiểm tra huyết áp hoặc xét nghiệm nước tiểu định kỳ khi mang thai. Nhiều sản phụ chủ quan không đi khám thai định kỳ để được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu… khi vào viện mới biết huyết áp cao, protein niệu mức độ cao ảnh hưởng tính mạng bà mẹ và đứa trẻ.

Đáng chú ý, tiền sản giật và sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Với người mẹ có thể gây phù não, xuất huyết não-màng não, phù võng mạc, xuất huyết vùng dưới bao gan, suy tim, suy thận, phù phổi cấp, rối loạn đông chảy máu trong lòng mạch, giảm tiểu cầu… Với thai nhi: làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, tử vong chu sinh cao… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Đối với trường hợp tiền sản giật nhẹ bà mẹ mang thai có thể điều trị bệnh bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhạt, khám thai định kỳ 01 lần/tuần để kiểm tra huyết áp, chức năng gan thận, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm và đo sức khỏe tim thai nhi (CTG-cardiotocography) để theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. Các bà mẹ có thể được hướng dẫn để tự đo huyết áp tại nhà, theo dõi cân nặng, tình trạng thai máy. Các bà mẹ nên được tư vấn nhập viện để theo dõi và điều trị khi tuổi thai đã bước sang tuần thứ 37.

Các bà mẹ được chẩn đoán tiền sản giật nặng phải bắt buộc nhập viện, theo dõi huyết áp 2 lần/ngày, cân nặng và protein niệu, xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ, đánh giá chức năng gan thận, tình trạng trưởng thành phổi thai nhi… và tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định điều trị của bác sĩ.

Phòng ngừa tiền sản giật – sản giật các bà mẹ mang thai nên đi khám thai định kỳ (ít nhất 3 tháng/ lần). Có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung canxi, vitamin D hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Ăn nhạt tốt cho tim mạch và giúp hạn chế triệu chứng phù khi mang thai. Đồng thời, bà mẹ mang thai nên giữ ấm khi thời tiết lạnh, ẩm ướt và được nghỉ ngơi, chăm sóc tích cực trong thời kỳ hậu sản.


 

 


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn