Bệnh nhân là Nguyễn Thị Thu T (28 tuổi) ngụ tại huyện Châu Đức bị tai nạn giao thông vào khoa Cấp Cứu Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng tụt huyết áp, khó thở, da niêm nhạt.
Sau khi thăm khám lâm sàng, siêu âm tại giường phát hiện có tràn dịch màng ngoài tim lượng nhiều, được chẩn đoán nhanh là một trường hợp bị chèn ép tim, nghi vỡ tim, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ cấp cứu kích hoạt chương trình báo động đỏ nội viện để báo ban giám đốc, trưởng khoa để xin ý kiến chỉ đạo phẫu thuật ngay lập tức.
Sau 2 giờ phẫu thuật, các dấu sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định.
BS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Bà Rịa cho biết: Vết thương tim ở người bệnh này vỡ tim ở tâm nhĩ phải gần chỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên, vị trí rất khó tiếp cận, bắt buộc bác sĩ phải sẻ toàn bộ màng tim để cho tim thoát vị ra ngoài trong lồng ngực và kéo hạ phần thất tim để có thể tiếp cận được vết thương.
Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Bà Rịa phẫu thuật thành công ca vỡ tim phức tạp. Ca phẫu thuật thành công được là do huy động toàn bộ nhân lực bệnh viện, từ các bác sĩ cấp cứu đến các bác sĩ các khoa cận lâm sàng, phòng mổ và ekip mổ cùng nhau cứu sống người bệnh. BS Hùng nói.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông
Theo TS.BS Dương Đình Toàn, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thực tế cho thấy, một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong là do không được sơ cứu, hoặc sơ cứu không đúng cách trước khi đưa tới các cơ sở y tế.
Vì vậy, đứng trước ca tai nạn, hãy gọi cấp cứu 115 nơi gần nhất, sau đó đánh giá nhanh chóng tình huống, xử lý mối đe dọa đến tính mạng nạn nhân, cụ thể làm theo Cần kiểm tra tình trạng tri giác; Kiểm tra đường thở sau đó tìm và băng bó, cầm máu các vết thương.
Chú ý, bằng mọi cách phải cầm máu cho nạn nhân. Dùng miếng vải sạch gấp thành nhiều lớp, đặt lên miệng vết thương. Nếu nạn nhân tỉnh, bảo họ dùng tay tự ép chặt vào miếng vải đó và bạn có thời gian sơ cứu cho những nạn nhân khác nặng hơn.
Khi miếng vải thấm nhiều máu, không nên bỏ ra để thay thế miếng vải khác mà đệm thêm lớp vải và quấn thêm nhiều vòng băng.
Cách di chuyển bệnh nhân: Nếu người bị nạn mắc kẹt trong ôtô, họ rất dễ bị gãy xương, chấn thương cột sống, đặc biệt là cột sống cổ. Trong trường hợp này, không nên di chuyển mà để nạn nhân bất động, vì nếu di chuyển, tổn thương của họ trở nên trầm trọng hơn, dễ gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi có tình huống nguy hiểm tại hiện trường (ví dụ nguy cơ chập điện, cháy nổ...), bắt buộc phải di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường. Trong khi di chuyển nạn nhân cố gắng tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người. Tốt nhất là có nhiều người hỗ trợ để giữ thẳng lưng, cổ và chân nạn nhân trong quá trình di chuyển. Nếu nạn nhân gãy xương chi gây biến dạng gập góc, cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển. Khi di chuyển nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong điều kiện nào đó (nền đất, bãi cỏ...) nên kéo hơn là bế. Cách tốt nhất để kéo nạn nhân là túm lấy cổ áo hoặc ống quần.
TS.BS Dương Đình Toàn cũng khuyến cáo không vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu bằng xe máy, xe đạp hay cõng trên lưng. Đặc biệt, không cố lấy những vật nhọn đã găm sâu vào cơ thể nạn nhân, đặc biệt là bụng, ngực, đầu. Các động tác hỗ trợ sơ cứu phải hết sức thận trọng để ngăn ngừa những tổn thương thứ phát, khiến cho tình trạng nạn nhân nặng hơn.