Bệnh nhi H.V.Q. (13 tuổi, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn) bị viêm cầu thận (Hội chứng thận hư). Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương cách đây 3 năm. Tuy nhiên sau đó gia đình tự ý cho cháu ngừng thuốc. Ba tháng trước, bệnh nhi phát hiện bệnh thận giai đoạn IV tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng không điều trị, gia đình cắt thuốc nam cho cháu uống.
Ngày 3/4/2019, bệnh nhi H.V.Q. được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Bắc Giang trong tình trạng rất nguy kịch, mệt mỏi hoa mắt chóng mặt nhiều do thiếu máu nặng, ý thức chậm chạp, buồn nôn nhiều do chất độc trong máu tăng quá cao, và có các biểu hiện lâm sàng như Kali máu tăng cao, tê bì mất cảm giác tay chân, rối loạn nhịp tim, trong trường hợp này nguy cơ ngừng tuần hoàn rất cao.
Bệnh nhi H.V.Q đang được các bác sĩ theo dõi và điều trị tại khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu.
Kíp trực 3/4/2019 do BS.Đồng Thị Lợi, Phó khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Trưởng tua trực đã nhanh chóng hội chẩn lãnh đạo trực viện thống nhất chẩn đoán, bệnh nhi tăng kali máu- hội chứng ure máu tăng cao/ Bệnh thận giai đoạn cuối, kết hợp giải thích kỹ tình trạng bệnh tật của cháu bé cho gia đình.
Dù bệnh nhi còn nhỏ tuổi, tình trạng bệnh rất nặng nguy cơ tử vong cao trong khi làm thủ thuật nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, kíp trực đã thực hiện kỹ thuật đặt catherter tĩnh mạch trung tâm và lọc máu cấp cứu, truyền 750 ml khối hồng cầu cho cháu bé an toàn và hiệu quả.
Sau 3 giờ lọc máu, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch đe doạ tính mạng. Bệnh nhi tỉnh táo hoàn toàn, không nôn, đỡ mệt mỏi chóng mặt, hết tê bì tay chân, tim nhịp đều rõ, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Hiện tại bệnh nhi vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Nội Thận - Tiết niệu - Lọc máu.
Theo các bác sĩ, để tình trạng bệnh nhi quá nặng gia đình mới đưa đến viện điều trị cũng là do sự thiếu hiểu biết của gia đình và không điều trị bệnh triệt để, không tái khám đặc biệt người nhà bệnh nhân mê tín, tin vào điều trị theo mách bảo.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân mắc bệnh thận mạn nên theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Khi đã bị STM tính, bệnh sẽ tiến triển dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này để duy trì cuộc sống của bệnh nhân phải điều trị thay thế thận bằng lọc máu hoặc ghép thận, đây là các kỹ thuật cao hết sức tốn kém. Các phương pháp điều trị bảo tồn STM chỉ có vai trò kéo dài thời gian ổn định chức năng thận và làm chậm tiến triển của suy thận đến giai đoạn cuối. Vì vậy vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em như vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, phòng và điều trị sớm các nhiễm khuẩn ở họng hoặc da và các nhiễm khuẩn khác, phát hiện sớm các bệnh thận bẩm sinh như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, trào ngược nước tiểu bàng quang lên niệu đạo, bệnh thận nang để có biện pháp điều trị sớm, có thể làm giảm được tỉ lệ trẻ em bị STM.
Việc điều trị sẽ giúp chậm sự phát triển của bệnh, nhiều bệnh nhân có thể sống trong rất nhiều năm. Điều quan trọng là cần chẩn đoán sớm, điều trị càng sớm sẽ giúp ngăn chặn sớm những tổn thương thận. Chất lượng cuộc sống của nhiều bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối rất tốt khu theo chỉ định của bác sĩ một cách chặt chẽ.