Trước đó, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức, đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ (sinh năm 1977) tại Xã Trường Xuân, Huyện Thới Lai, Cần Thơ trong tình trang đau đầu, đau ngực, đau lưng, khó thở. Đỉnh chẩm đầu bệnh nhân có vết thương phức tạp với kích thước hơn 20 cm.
Theo lời bệnh nhân kể, bệnh nhân làm ở công trường đã bị vật nặng rơi từ trên cao xuống trúng đầu và vùng lưng. Sau tai nạn bệnh nhân đã được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Quận Thủ Đức.
Tại Khoa cấp cứu, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị lõm sọ đỉnh, gãy mất vững cột sống ngực, gãy xương sườn 2 bên, tràn máu màng phổi 2 bên do tai nạn lao động. Cùng với sự phối hợp điều trị giữa các bác sĩ hai khoa Ngoại thần kinh và Lồng ngực mạch máu, bệnh nhân được xử trí cấp cứu dẫn lưu màng phổi hai bên, cắt lọc khâu vết thương phức tạp vùng đầu .
Sức khỏe bệnh nhân N.V.Đ. dần ổn định sau thời gian được điều trị tích cực tại Bệnh viện Quận Thủ Đức.
Sau 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn và được lên chương trình phẫu thuật bắt vít kèm kết hợp xương làm cứng cột sống ngực. Sau phẫu thuật, giảm đau lưng nhiều, tự đi lại được.
Qua trường hợp bệnh nhân bị chấn thương cột sống trên, BSCKI. Trương Long Vỹ khuyến cáo nguyên tắc sơ cấp cứu nạn nhân nghi ngờ hoặc xác định có chấn thương cột sống như sau:
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa thẳng
- Không xốc, vác, cõng, chuyên chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy, xích lô, taxi….
- Đặt bệnh nhân trên mặt phẳng (ván cứng, băng ca….), cột sống cổ có thể cố định bằng chêm hai túi cát 2 bên cổ, nẹp cổ vải mềm. Cố định bệnh nhân vào mặt phẳng cứng trán, đai vai, đai hông và hai chân.
- Khiêng bệnh nhân đúng cách và chuyển ngay đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, xe lam, xe tải nhỏ, thuyền ghe để bệnh nhân nằm thẳng.
Triệu chứng của chấn thương cột sống phụ thuộc mức độ và vị trí tổn thương. Nếu tổn thương chỉ ở phần các đốt sống chưa ảnh hưởng tới tủy sống, triệu chứng chủ yếu là đau tại chỗ vùng bị tổn thương. Nếu đã có chèn ép hoặc tổn thương dây sống, các triệu chứng sẽ phụ thuộc phân đoạn tủy bị tổn thương. Tổn thương các đốt sống cổ thường có khó thở do liệt cơ hô hấp (khám có thể thấy lồng ngực bệnh nhân di động rất kém hoặc có biểu hiện liệt cơ hoành), yếu hoặc liệt các cơ do phân đoạn tủy cổ chi phối (cơ hô hấp, chi trên, chi dưới), rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, mất phản xạ gân xương giai đoạn choáng tủy. Tổn thương các đốt sống ngực cũng có các triệu chứng chung như rối loạn cơ tròn; dị cảm, yếu, liệt chi; đau nhưng khu vực bị tổn thương phía dưới thấp hơn.
Tương tự như vậy, với tổn thương cột sống lưng, các biểu hiện chủ yếu là rối loạn cảm giác, yếu hoặc liệt hai chi dưới, rối loạn cơ tròn. Một triệu chứng tương đối hay gặp trong chấn thương cột sống đã có chèn ép, tổn thương tủy sống đó là tụt huyết áp (choáng tủy) nhưng mạch lại chậm. Đây có thể là dấu hiệu được chú ý phát hiện sớm tổn thương cột sống trên lâm sàng. Tuy nhiên, bản thân các dấu hiệu của chấn thương cột sốngcũng đã khó phát hiện trên lâm sàng và điều này càng khó hơn trong điều kiện bệnh nhân bị tai nạn có nhiều tổn thương phối hợp, điều kiện sơ cứu nghèo nàn, sự rối loạn khi tai nạn xảy ra và người sơ cứu không phải đội cấp cứu chuyên nghiệp.