Cấp cứu thành công bé 4 tuổi bị vỡ dị dạng mạch máu não

18-07-2023 14:09 | Y tế
google news

SKĐS - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai mới đây đã tiếp nhận bệnh nhi tên V.A.D (4 tuổi, dân tộc Mông, địa chỉ thôn Nà San - xã La Pán Tẩn - huyện Mường Khương) bị vỡ dị dạng mạch máu não.

Được biết trước đó, bệnh nhi đã điều trị tại bệnh viện tuyến huyện 7 ngày với chẩn đoán viêm amydal cấp. Đến chiều ngày 16/7, bệnh nhi bất ngờ có biểu hiện nôn, li bì, mạch chậm, sau đó được chuyển tuyến. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, đau đầu, tỉnh chậm, gọi hỏi có đáp ứng.

Qua thăm khám và chụp cắt lớp, bệnh nhi V.A.D có hình ảnh tụ máu lớn bán cầu não phải. Sau xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai nhanh chóng triển khai hội chẩn liên viện với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai và kết luận bệnh nhi bị tụ máu trong não vùng bán cầu não phải do vỡ dị dạng mạch máu não.

Cấp cứu thành công bệnh nhi 56 tháng tuổi vỡ dị dạng mạch máu não - Ảnh 1.

Bệnh nhi V.A.D hiện đang được điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu, lấy khối máu tụ, cầm máu. Ca phẫu thuật bao gồm các bác sĩ Khoa Ngoại Nhi - Liên chuyên khoa - BV Sản Nhi Lào Cai, các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương - BV Đa khoa tỉnh Lào Cai cùng ê-kíp gây mê hồi sức đã làm việc hết sức khẩn trương, chính xác.

Ths.BS CKII Phạm Ngọc Sâm - BV Sản Nhi, chuyên gia trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: "Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong khoảng 3 giờ, khối máu tụ được lấy ra, vị trí chảy máu đã được cầm, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định. Sau phẫu thuật bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị. Các chỉ số ổn định, hiện tại bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục điều trị hồi sức tích cực".

Qua trường hợp của bệnh nhi V.A.D, bác sĩ Phạm Ngọc Sâm khuyến cáo: "Dị dạng mạch máu não là một bất thường mạch máu não, diễn biến âm thầm, khó dự đoán trước, chỉ được phát hiện khi chụp mạch máu não. Khi có dấu hiệu lâm sàng thì bệnh đã tiến triển nặng. Vì vậy, khi thấy người nhà xuất hiện một số dấu hiệu như đau đầu thường xuyên (kể cả người lớn lẫn trẻ em) thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, tầm soát kịp thời".

Nguy cơ dịch tay chân miệng 'chồng' dịch sốt xuất huyết ở TP.HCMNguy cơ dịch tay chân miệng "chồng" dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM

SKĐS - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Sở Y tế TP.HCM cũng dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ dịch "chồng" dịch.


Hạnh Chi
Ý kiến của bạn