Ngày 3-10 bé Lê Phạm Hoàng T, 14 tuổi, nhà ở thị trấn Cái Bè, Tiền Giang, được gia đình đưa vào bệnh viện vì sốt cao liên tục 4 ngày, ói nhiều. Bác sĩ khám thấy em có thể trạng mập mạp, da xung huyết, nên chẩn đoán là sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo/ rất béo phì.
Trước khi xử trí truyền dịch chống sốc, bác sĩ đã kiểm tra cân nặng, chiều cao rồi tính ra BMI của bé D. Em cân nặng 130kg, cao 1,72m, nên BMI là 43,9, chỉ số này cho biết cháu đang bị rất béo phì, do đó các bác sĩ đã quyết định truyền dịch theo trọng lượng của bé. Trong quá trình điều trị em T. có nhiều diễn biến phức tạp như khó thở, bứt rứt, rối loạn đông máu…Tuy nhiên nhờ sự theo dõi sát, xử trí tình huống kịp thời, điều trị thận trọng nên sau ba ngày cấp cứu, cháu đã khỏe. Đây là trường hợp trẻ rất béo phì hiếm gặp trong nhóm tuổi được xếp loại trẻ em (dưới 15 tuổi) tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Nhi, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang.
Theo các báo cáo của các chuyên gia về sốt xuất huyết, tỷ lệ nặng và sốc do sốt xuất huyết ở trẻ béo phì gấp 3 lần (15%) so với trẻ có cân nặng bình thường (4,6%). Với những trẻ dư cân béo phì thì thời gian điều trị sốt xuất huyết sẽ lâu hơn, phức tạp hơn. Trên thực tế trẻ suy dinh dưỡng cũng có thể mắc sốt xuất huyết nặng. Nhưng khi trẻ dư cân, béo phì mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ dễ bị biến chứng hơn, gặp khó khăn hơn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với trẻ có cân nặng bình thường.