Cấp cứu nhiều người say nắng, tăng huyết áp trong ngày đầu Đại lễ Vesak 2019

13-05-2019 10:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong ngày đầu khai mạc Đại lễ Vesak 2019, các Tổ Y tế đã khám và chăm sóc sức khỏe cho gần 300 đại biểu và khách tham quan. Đa số các trường hợp bị say nắng, cảm nắng, viêm đường hô hấp trên, tăng huyết áp… Không có trường hợp nào ngộ độc thực phẩm.

Ngày 12/5, đúng ngày khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak, Tổ công tác y tế phục vụ Đại lễ Vesak do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Tổ trưởng làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác y tế phục vụ các đại biểu và nhân dân đến tham quan, chiêm bái tại Trung tâm Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

Cùng đi với Đoàn còn có ThS. Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, đại diện Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nam cùng các cán bộ y tế thường trực của Tổ Y tế.

Kiểm tra công tác chăm sóc cấp cứu bệnh nhân tham dự Vesak 2019.

Tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế đã bố trí 5 tổ y tế phục vụ các đại biểu và khách tham quan tại Trung tâm Hội nghị, Điện Tam Thế, Quan Âm, Pháp Chủ và Chùa ngọc. Đặc biệt, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị, ngoài Tổ Y tế của BV Đa khoa Tỉnh Hà Nam còn có các chuyên gia đầu ngành về Tim mạch, Ngoại khoa, Hồi Sức tích cực của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức thường trực.

Cục An toàn thực phẩm do Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong làm trưởng đoàn đã phối hợp với Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam kiểm tra, giám sát: 35.800 suất gồm: Ăn sáng tại các Khách sạn và 03 chùa: 800 suất ăn chay buffet.

Tại tỉnh Ninh Bình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình đã cử cán bộ giám sát và thường trực tại 9 khách sạn, tổng số suất ăn đã giám sát là 1189 suất bao suất ăn sáng và suất ăn  trưa.

Tính đến thời điểm hiện tại cả Hà Nam và Ninh Bình chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm.

Tổ Y tế BVĐK Hà Nam cùng các chuyên gia BV Bạch Mai.

Trao đổi với các cán bộ Y tế phục vụ Đại lễ Phật Đản Vesak 2019, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Tổ trưởng Tổ Công tác y tế phục vụ Đại lễ Vesak khẳng định, Đại lễ Vesak là một trong các hoạt động văn hoá mang tính quốc tế, do đó các cán bộ y tế phải nỗ lực hết mình để phục vụ các đại biểu và khách tham quan.

Tất cả các cán bộ, nhân viên y tế được cử tham gia phục vụ Đại lễ có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành phân công nhiệm vụ của Tổ Công tác và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình phục vụ, luôn vui vẻ, hòa nhã, lịch sự.

Theo các bác sĩ, trước mọi trường hợp bị say nắng, say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, đó là đưa ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, nhanh chóng lấy nước đổ lên đầu, vẩy nước lên người nạn nhân hoặc lấy khăn thấm nước mát phủ lên người để giảm thân nhiệt. Nếu cơ thể nóng bừng và không thể đổ mồ hôi, lúc đó có thể nạn nhân đang bị mất nước, cần làm mát cơ thể bằng uống nước mát có pha muối là tốt nhất hoặc trực tiếp đổ nước lên người.

Nếu có điều kiện, nên chườm mát (bằng khăn sạch nhúng nước mát) ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như hai vùng nách, hai vùng bẹn, cổ nhằm nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân. Đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết bởi say nắng, say nóng nguyên nhân là do thân nhiệt tăng và mất nước. Lưu ý, không nên dùng nước đá để hạ nhiệt bởi vì làm như vậy nhiệt không hạ nhưng có thể làm cho tim đập nhanh, thậm chí đột qụy.

Nếu nạn nhân không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở hoặc bất tỉnh, cần nhanh chóng kêu gọi mọi người hỗ trợ gọi xe để nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Người dân cần chú ý, không làm việc quá lâu hoặc đi lại hay chơi thể thao (người lớn chơi golf, trẻ em chơi đá bóng hoặc đùa nghịch) trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau mỗi 1 giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, nên nghỉ giải lao khoảng 10 - 15 phút. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính... (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).

Cần mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng, cần hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời nắng.



D.Hải
Ý kiến của bạn