Khi bị điện giật, toàn bộ các cơ co lại đột ngột khiến nạn nhân bắn ra xa hoặc bị hút chặt vào nguồn điện. Điện gây ngừng tim, ngừng thở và bỏng ở các độ sâu khác nhau, có thể dẫn đến tử vong sau 4-5 phút. Điều cấp bách nhất lúc này là tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt cầu dao, rút cầu chì...
Nếu không biết nơi đặt cầu giao hoặc cầu chì, phải lập tức đẩy nạn nhân ra khỏi nguồn điện.
Người cấp cứu đứng trên tấm gỗ khô, tay đi găng cao su khô để kéo nạn nhân, hoặc dùng sào tre (hoặc gỗ) khô để đẩy dây điện ra khỏi cơ thể.
Tuyệt đối không trực tiếp kéo nạn nhân bằng tay không. Khi cắt điện, nạn nhân nếu ở trên cao sẽ bị rơi xuống; vì vậy cần đề phòng chấn thương thêm sau điện giật.
Gọi thêm người để cùng sơ cứu và gọi nhân viên y tế (hoặc chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất).
Các bước sơ cứu:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng (nền nhà, phản...), cổ ưỡn tối đa.
- Xác định tim còn đập hay không bằng cách sờ mạch cổ, mạch bẹn (tối đa trong vòng 30 giây). Nếu ngừng tim, ngừng thở, cần vỗ mạnh vào ngực nạn nhân 5-10 cái nhằm kích thích tim đập trở lại. Nếu không có kết quả, lập tức tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt.
Cách làm: Hai bàn tay xếp chéo nhau, đặt ở giữa xương ức nạn nhân, ép mạnh xuống 4-5 cm, tần số 90-100 lần/phút. Cứ 5 lần ép tim thì thổi ngạt 1 lần. Kiểm tra kết quả của ép tim bằng cách sờ mạch cổ, mạch bẹn, nếu mạch đập theo nhịp ép là đạt yêu cầu.
Cần kiên trì làm cấp cứu liên tục cho đến khi nhân viên y tế đến, hoặc suốt trên đường chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Tại cơ sở y tế, các bác sĩ tiếp tục hồi sức tích cực (hô hấp điều khiển, kích thích tim đập trở lại, chống rối loạn điện giải, thăng bằng kiềm toan) và xử lý tổn thương bỏng điện.
Theo VNe