Hà Nội

Cấp cứu người bị sét đánh

02-08-2014 07:27 | Y học 360
google news

SKĐS - Từ đầu tháng 5 đến nay, rải rác ở các địa phương như Quảng Ngãi, Điện Biên, Kon Tum, Nghệ An, Đồng Nai... đã xảy ra nhiều vụ sét đánh làm tử vong 11 người và trên 30 người bị thương.

Từ đầu tháng 5 đến nay, rải rác ở các địa phương như Quảng Ngãi, Điện Biên, Kon Tum, Nghệ An, Đồng Nai... đã xảy ra nhiều vụ sét đánh làm tử vong 11 người và trên 30 người bị thương. Hầu hết số người bị sét đánh đều đang ở ngoài trời, làm việc trên đồng ruộng hay hành quân trên đường. Để giúp bạn đọc biết cách cấp cứu người bị nạn cũng như phòng tránh sét, báo Sức khỏe&Đời sống xin giới thiệu bài viết dưới đây.

Các dạng sét đánh gây tổn thương nạn nhân

Tổn thương do sét đánh gồm: sét đánh thẳng vào nạn nhân; nạn nhân đang tiếp xúc với một đối tượng (cây xanh hoặc cột điện cao lớn giữa đồng) bị sét đánh; tia sét nhảy từ vật bị sét đánh trực tiếp để tới mặt đất thì gây tổn thương cho nạn nhân ở kế cận; tia sét đánh xuống mặt đất và dòng điện lan tỏa ra xung quanh gây tổn thương cho nạn nhân ở bán kính gần; nạn nhân bị áp suất do sét đánh gần hất văng mạnh ra xa; sét đánh vào đường dây dẫn điện, vào dây cáp internet, cáp truyền hình gây chấn thương cho người ở gần các thiết bị điện này...

Các thiết bị điện trong nhà dễ bị sét đánh khi trời mưa nên cần phải tắt điện, rút cáp khi mưa giông.

Các thiết bị điện trong nhà dễ bị sét đánh khi trời mưa nên cần phải tắt điện, rút cáp khi mưa giông.

Triệu chứng đột ngột do sét đánh

Nạn nhân bị sét đánh có thể đột ngột bị các triệu chứng: ngừng tim ngay lập tức; mất ý thức trong thời gian ngắn; lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra; tia sét có thể văng ra khỏi một người, xả vào quần áo của họ và để lại một vài dấu hiệu rõ của tổn thương; khoảng 2/3 số người bị sét đánh bị liệt - kiểu liệt tạm thời đặc trưng bởi sét đánh. Nạn nhân có thể bị bỏng da; bị gãy xương và trật khớp; bị vỡ xương sọ và các tổn thương cột sống. Nạn nhân bị khó thở. Tổn thương mắt gây ra nhìn mờ ngay lập tức hoặc bị đục thủy tinh thể muộn. Thủng màng nhĩ gây đau, điếc và chóng mặt. Nạn nhân bị sét đánh chết cháy đen...

Cấp cứu người bị sét đánh

Xử lý cấp cứu tại nhà hoặc hiện trường nạn nhân bị sét đánh với các tình huống như sau:

Một là, người cấp cứu biết cách hồi sức tim mạch: nếu nạn nhân ngừng thở, phải hà hơi thổi ngạt ngay. Cách làm: khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng, mũi; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu nạn nhân bị ngừng tim (sờ mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 bàn tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng từ 80 - 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2- 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu.

Hai là, gọi điện thoại đến cấp cứu 115 và tiến hành hồi sức tim phổi theo hướng dẫn từ trung tâm cấp cứu 115 qua điện thoại.

Ba là, gọi xe cứu thương vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu ngay khi thấy một trong các biểu hiện sau đây: nạn nhân bất tỉnh; liệt; đau ngực; khó thở; đau lưng hoặc cổ; biến dạng chi như gãy tay hoặc chân; bỏng nhiều nơi, diện tích bỏng rộng...

Bệnh nhân bị sét đánh có tổn thương nặng đều cần được điều trị tại bệnh viện, theo dõi tại khoa cấp cứu như: tổn thương sọ não với biểu hiện mất ý thức hoặc lú lẫn; tổn thương tim biểu hiện trên điện tâm đồ bất thường hoặc nồng độ men tim trong máu; tổn thương tai và mắt; liệt do sét đánh; tổn thương cột sống cần theo dõi và phẫu thuật; gãy xương tay, chân, cổ, cột sống; tổn thương thần kinh (tê, ngứa)...

Sau thời gian theo dõi cần thiết, nếu bệnh nhân không có triệu chứng và điện tâm đồ bình thường, có thể về nhà với lời dặn dò hướng dẫn của bác sĩ, để theo dõi tại nhà.

Phòng tránh sét đánh

Sét thường xảy ra trước hoặc sau một cơn mưa, giông, bão. Để phòng tránh sét đánh, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Tránh ở ngoài trời nơi đồng không mông quạnh trong cơn giông bão. Không trú mưa dưới ốc cây to, tránh đứng dưới gốc cột điện, chòi lán cao nhất so với xung quanh khi mưa, giông, bão. Không mang các dụng cụ bằng kim loại như cuốc, dao, búa... trong cơn mưa giông. Các vật bằng kim loại này cần đặt xuống đất khi mưa giông. Nếu sét đã đánh xuống một mục tiêu, hãy nhớ rằng sét có đánh vào mục tiêu đó lần thứ 2, thứ 3... Vì vậy phải tránh xa nơi đã bị sét đánh 1 lần. Nếu đang ở giữa đồng không mông quạnh, không kịp vào nơi trú ẩn, hãy cúi mình trong tư thế bắt bóng, đặt hai tay lên đầu gối hoặc bịt tai để bảo vệ tai khỏi tiếng sấm sét. Mỗi người nên cách nhau 4-5m. Nếu ở trong ôtô là nơi trú ẩn tốt, nên đóng tất cả các cửa xe và không chạm vào bất cứ kim loại nào được kết nối với xe. Khi ở trong một tòa nhà, đóng kín tất cả các cửa sổ và đứng tránh xa cửa sổ. Không sử dụng điện thoại bàn, điện thoại di động và các thiết bị điện như máy tính, tivi... vì sét có thể đánh vào đường dây ngoài trời và lan truyền vào trong nhà gây nguy hiểm. Khi muốn ra khỏi nơi đang trú ẩn, hãy đợi ít nhất 30 phút sau tiếng sấm hoặc sét đánh lần cuối cùng.

BS. Kiều Như Quỳnh

 


Ý kiến của bạn