Cấp cứu ngoại viện sẵn sàng ứng cứu mọi tình huống

06-06-2018 17:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Năm 2017, ước tính cứ mỗi 40 phút, một bệnh nhân trên địa bàn TP.HCM cần bác sĩ cấp cứu ngoại viện. Hiện trường có thể là giữa bãi xe, trên một căn gác nhỏ, giữa lòng đường vắng trong đêm...

Nạn nhân có thể mắc kẹt giữa những đống đổ nát khi công trình xây dựng bị sập, tòa nhà phát cháy nổ... Nhiều lúc các bác sĩ ngoại viện tay không, may mắn lắm trên đầu có thêm chiếc mũ bảo hộ, đi vào tận hiện trường để cấp cứu nạn nhân; thậm chí... đánh cược cả tính mạng của mình.

Cấp cứu bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào

Các bác sĩ cấp cứu ngoại viện từng tác nghiệp tại hiện trường của một vụ tai nạn lao động. Đó là một công trình đang xây dựng, nạn nhân rớt xuống một bãi xe, nên các bác sĩ cấp cứu ngoại viện phải leo qua từng chiếc xe để tiếp cận nạn nhân và tiến hành sơ cấp cứu.

Các bác sĩ cấp cứu ngoại viện có thể tiếp nhận một cuộc gọi vào ban đêm, thông báo có một người đàn ông té từ lầu 4 xuống. Thật sự đây là một trường hợp rất may mắn vì các bác sĩ đã cấp cứu hồi sinh thành công ngay tại lòng đường giữa đêm tối.

Thậm chí, bác sĩ ngoại viện còn phải là một “lực sĩ” để có thể ứng phó như trong trường hợp cấp cứu cho một bà cụ bị hôn mê. Bệnh nhân nằm trên căn gác có cầu thang rất nhỏ hẹp, nên các bác sĩ và nhân viên y tế phải nâng cáng, gồng người cố gắng vận chuyển bệnh nhân xuống đất một cách nhẹ nhàng và an toàn.

Cấp cứu ngoại viện sẵn sàng ứng cứu mọi tình huốngCấp cứu ngoại viện bất cứ thời điểm nào...

BS.CKI. Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi cũng có một số dụng cụ phục vụ cho công tác vận chuyển bệnh nhân, nhưng cấp cứu ngoài hiện trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là những khó khăn rất khách quan, bắt nguồn từ các hiện trường cấp cứu ngoại viện muôn hình vạn trạng, chứ không hẳn là do trang thiết bị hay vấn đề chuyên môn. Không ít trường hợp chúng tôi cần sự phối hợp của 114 và 113 khi tới hiện trường để thực hiện chức năng cứu chữa của mình”.

Thông thường, trong phối hợp 114 hay 113, các lực lượng cảnh sát hay cứu hộ đến trước cả cấp cứu, nhưng hy hữu trong trường hợp nạn nhân bị kẹp đầu vào thang máy, các bác sĩ 115 đã đến trước nhất.

“Các bác sĩ của chúng tôi cho bệnh nhân thở oxy trong khi đầu vẫn bị kẹp, không thể gỡ cửa thang máy ra được. Sau đó, cảnh sát 114 tới, sử dụng dụng cụ chuyên dụng tách cửa thang máy ra, cứu nạn nhân ra ngoài”, BS. Long kể.

Khó biết đâu là người không mang bệnh truyền nhiễm

Đặc thù của Trung tâm Cấp cứu 115 so với mức độ khó khăn vừa khá tương tự cũng vừa khác những nơi khám chữa bệnh đặc thù khác như BV. Phong Bến Sắn hay BV. Nhân Ái. Các BS 115 cũng không có điều kiện làm chuyện gì khác để kiếm thêm thu nhập ngoài công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 vì không có chứng chỉ hành nghề để có thể mở phòng mạch hoặc làm thêm ngoài giờ tại một số cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó, môi trường độc hại như Phong Bến Sắn hoặc BV. Nhân Ái sẽ được định hướng cụ thể trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân phong hay bệnh nhân HIV/AIDS. Còn các bác sĩ cấp cứu ngoại viện cũng thường tiếp cận với nhiều hiện trường căng thẳng và nguy hiểm và không hình dung được bệnh nhân mình sắp tiếp cận sẽ như thế nào.

BS. CKII. Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, Trung tâm Cấp cứu 115, chia sẻ cấp cứu ngoài hiện trường rất nguy hiểm vì các nạn nhân thường có những vết thương chảy nhiều máu, mà bác sĩ cấp cứu ngoại viện lại không có phương tiện nào để biết được bệnh nhân cần cấp cứu có mắc bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan B/C hay không để trang bị bảo hộ và điều trị phơi nhiễm.

“Có lần trong lúc tiến hành cấp cứu một nạn nhân tai nạn giao thông, khi tôi vừa đặt nội khí quản người này “khò” máu văng đầy mình trong khi tôi không biết bệnh nhân có mắc bệnh nhiễm nào không? Nguy cơ lây nhiễm lao rất cao, hoặc bệnh nhân nghiện ma túy… đủ mọi thứ”, BS. Tuệ chia sẻ. Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi, vừa tác nghiệp vừa cầu nguyện cho bệnh nhân vừa được cấp cứu đó không mắc phải bệnh truyền nhiễm gì hết! Sau khi đã chuyển viện cho bệnh nhân, đôi khi chúng tôi cũng không theo dõi được bệnh nhân có bị bệnh truyền nhiễm hay không”.

Cấp cứu ngoại viện đòi hỏi các nhân viên y tế phải phán đoán nhanh, xử lý nhanh. Lực lượng cấp cứu ngoại viện phải luôn sẵn sàng. Nếu bệnh nhân tại nhà không được cấp cứu kịp thời bởi các bác sĩ cấp cứu ngoại viện đừng nói đến chuyện có thể giữ được tính mạng của bệnh nhân và được chuyển viện an toàn để được chăm sóc, điều trị. Cấp cứu ngoại viện là một trong những khâu quan trọng nhất để giữ được mạng sống của người bị nạn trước nhất, sau đó mới nghĩ đến việc điều trị, rồi kéo dài sự sống trong bao lâu, như thế nào.

Cấp cứu ngoại viện sẵn sàng ứng cứu mọi tình huống... Và bất cứ lúc nào

“Cấp cứu ngoại viện khác rất nhiều so với chuyên môn cấp cứu trong bệnh viện. Khác về điều kiện tiếp cận hiện trường, khác về thời gian bác sĩ phải phán đoán, ra y lệnh, khi mà gần như không có xét nghiệm, thiếu hội chẩn”, BS. Long nói.

Trong những năm qua, số lượng bệnh nhân gọi 115 năm sau tăng gấp đôi năm trước. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong cấp cứu ngoại viện, cuối năm 2015 đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai được 24 trạm vệ tinh, xa nhất là Cần Giờ và Củ Chi.

Theo BS.CKII. Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 chỉ có 11 xe cấp cứu. Hoạt động 24 trạm vệ tinh, ngoại trừ 1 trạm của Trung tâm Cấp cứu 115, gồm 4 bệnh viện tư nhân, 17 trạm vệ tinh là của các bệnh viện quận huyện và 2 bệnh viện thành phố (BV. Đa khoa Sài Gòn và BV. Phục hồi Chức năng). Trong 17 bệnh viện quận huyện đó, mỗi bệnh viện vốn có 2 chiếc xe cấp cứu, khi tham gia trạm cấp cứu vệ tinh, các bệnh viện chưa hình dung được công việc cấp cứu ngoại viện nhưng với 2 xe cấp cứu không đủ tham gia mạng lưới cấp cứu.

Năm 2017 có 20.857 cuộc gọi tới số 115, so với 2015 tăng 237%. Quý I/2018, 115 nhận được hơn 5.300 cuộc điện thoại cấp cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, cấp cứu ngoại viện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân TP.HCM. Mặc dù cuộc gọi nhiều như vậy, nhưng việc xuất xe cấp cứu vẫn chỉ bao trùm khoảng 50 - 60%. Thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115 cho thấy, khoảng 30% trường hợp khi xe cứu thương đến, người bệnh đã được đi bệnh viện.

Giải thích về số liệu này, BS. Long chia sẻ, mỗi phút đối với người cần cấp cứu và người gọi điện báo đều rất lâu, rất sốt ruột; một phần nữa, do không có công nghệ thông tin, hay thông báo, nên người dân không biết còn bao lâu hay xe cứu thương có đến được không. Điều này gây nên rất nhiều lãng phí, kể cả một êkíp cấp cứu.

Cần đội ngũ bác sĩ cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp
Giải pháp căn cơ cho hệ thống cấp cứu ngoại viện có thể tự làm nghề độc lập vừa thêm thu nhập mà lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM xác định, theo BS.CKI Nguyễn Duy Long, đội ngũ cấp cứu ngoại viện phải chuyên nghiệp. Trong quá trình phát triển hệ thống cũng như rất nhiều lần đi tìm hiểu, học hỏi mô hình các nước; đồng thời đây cũng là chủ trương lớn của Bộ Y tế đối với chuyên viên cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp – paramedic. Đây là một mô hình hiệu quả ở nhiều nơi. Tuy nhiên, chưa có tỉnh thành nào trong nước thực hiện mô hình này. Việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho ra một mã ngành đào tạo bác sĩ paramedic hoàn chỉnh. Từ đây, paramedic mới hoạt động hết chức năng, nhiệm vụ ra hiện trường khám, xử trí cấp cứu phối hợp với mạng lưới bệnh viện để chuyển bệnh nhân đồng thời có thể đến khám và điều trị bệnh tại nhà.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn