Cấp cứu ngoại viện hồi sinh nhiều sự sống

02-05-2016 08:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hình ảnh những người thầy thuốc kê chiếc bàn uống nước làm bàn mổ, lấy đèn pin, đèn bàn làm ánh sáng, dùng phòng khách làm phòng mổ, hai tay liên tục bóp bóng cho bệnh nhân…

Hình ảnh những người thầy thuốc kê chiếc bàn uống nước làm bàn mổ, lấy đèn pin, đèn bàn làm ánh sáng, dùng phòng khách làm phòng mổ, hai tay liên tục  bóp bóng cho bệnh nhân… đã để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ đối với bà con nhân dân tỉnh Thái Bình mà còn với người dân cả nước. Bằng trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc trước sinh mệnh con người, họ - những bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình, BV Phụ sản Thái Bình, BVÐK tỉnh Thái Bình đã lập nên kỳ tích khi 5 lần liên tiếp chi viện kịp thời cứu sống 5 sản phụ nguy kịch… Ðiều đặc biệt là những ca mổ họ đã làm không có trong giáo trình y khoa, chưa có trường lớp nào đào tạo… Kết quả này cho thấy, mô hình cấp cứu ngoại viện của y tế Thái Bình đã phát huy hết sức hiệu quả, nhiều người bệnh đã được tái sinh lần thứ 2.

Một ca cấp cứu tại nhà của kíp cấp cứu liên viện BV Phụ sản Thái Bình, Trung tâm cấp cứu 115. (ảnh BV cung cấp)

Những ca mổ như trong thời chiến

Mới đây, ngày 21/4, kíp cấp cứu ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115, BV Phụ sản Thái Bình, BVĐK tỉnh lại cứu sống sản phụ  Phạm Thị Nguyệt ở Phụng Công, Tiền Hải bị băng huyết sau sinh. Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115 đã phải huy động 3 kíp: kíp thứ nhất gồm 3 bác sĩ mang theo 1,5 lít máu nhóm A sau khi nhận được tín hiệu đã ngay lập tức lên đường, thực hiện việc truyền máu cho bệnh nhân. Ít phút sau, xe cấp cứu thứ hai gồm 2 bác sĩ và 1 điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình đã mang theo bộ phẫu thuật xuống tiến hành gây mê, hồi sức, mổ cắt tử cung bán phần, lau sạch ổ bụng và khâu phục hồi thành bụng cho sản phụ. Tuy nhiên, sau đó, sản phụ vẫn trong tình trạng mạch nhanh nhỏ, thiếu máu trầm trọng. Êkíp cấp cứu thứ 3 gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng của BV Đa khoa tỉnh Thái Bình đã mang thêm máu nhóm A và máy móc hỗ trợ có mặt kịp thời tiến hành truyền máu và phối hợp hồi sức cấp cứu. Đến gần 10 giờ cùng ngày, tình trạng sức khỏe của sản phụ tạm ổn định và được chuyển lên BVĐK tỉnh theo dõi, điều trị.

Trước đó, ngày 13/3, cũng kíp cấp cứu ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115, BV Phụ sản Thái Bình, Khoa Huyết học BVĐK tỉnh đã cứu sống sản phụ Lương Thị Vân (28 tuổi, ở xã Quyết Tiến, Kiến Xương, Thái Bình) cũng tại nhà riêng. Bệnh nhân được mổ trong phòng khách của gia đình, trên cáng xe cấp cứu của BV, do cáng cao hơn bàn mổ khiến 2 bác sĩ phải đứng lên hai cái ghế. Không có máy thở, 2 điều dưỡng luân phiên bóp bóng. Sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân qua được cửa tử và được chuyển về Bệnh viện Phụ sản Thái Bình…

Chia sẻ với phóng viên về những ca mổ “chưa có tiền lệ”, BS. Trần Văn Bội - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, các ca mổ đều do người bệnh ở trong tình trạng quá nặng, không thể di chuyển được, vì vậy buộc phải mổ cấp cứu ngay tại nhà. Khi đã xác định mổ tại nhà, các bác sĩ phải đối diện rất nhiều khó khăn và chấp nhận thiếu thốn phương tiện hỗ trợ cũng như điều kiện về ánh sáng, vô khuẩn... Bàn mổ được tận dụng là bàn học sinh và bàn uống nước, nguồn sáng được lấy từ đèn pin, điện thoại... Máy thở không có, các điều dưỡng phải dùng phương pháp bóp bóng thay cho máy thở, dùng gạc thấm máu trong ổ bụng BN vì không có máy hút… BS. Bội chia sẻ thêm, năm 2012, kíp bác sĩ cấp cứu ngoại viện đã mổ cho sản phụ ở Đông Phong, Vũ Thư, Thái Bình bị băng huyết tử cung rau và buộc phải mổ tại nhà, tuy nhiên, khi kíp mổ đến thì sản phụ lại nằm trên gác xép, cửa lên rất nhỏ không thể đưa chiếc bàn học lên đó, người nhà và bác sĩ đã phải dùng tời để kéo bàn lên gác xép và mổ cấp cứu người bệnh…

Một chuyến xe cấp cứu chở người bệnh từ Trạm cấp cứu vệ tinh, BVĐK Tiền Hải lên tuyến trên. Ảnh: Hà Dung

Mô hình cần nhân rộng

Trao đổi với phóng viên về mô hình cấp cứu ngoại viện, BS. Trần Văn Bội - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 cho biết, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở, Sở Y tế đã ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong tỉnh giữa Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình với các BV trong tỉnh như BVĐK tỉnh, BV Phụ Sản, BV Nhi... Có được quy chế này, sự phối hợp hoạt động giữa các đơn vị được thực hiện hiệu quả. Cũng theo BS. Bội, mô hình này được chúng tôi ví như đưa “bệnh viện” tới người bệnh và được phối hợp thực hiện rất nhuần nhuyễn. Sau khi nhận được tín hiệu xin chi viện y tế, trung tâm hướng dẫn nhân viên trạm y tế xử trí để chờ kíp cấp cứu xuống, đồng thời sẽ bố trí xe, bác sĩ của trung tâm và tùy vào tình trạng bệnh trung tâm sẽ liên hệ với kíp cấp cứu ngoại viện của các BV, đảm bảo trong thời gian nhất định êkíp phải có mặt tại nơi cấp cứu. Hiện tại BV Phụ sản tỉnh Thái Bình mỗi ngày bố trí 1 kíp cấp cứu ngoại viện (trong cả tuần) gồm 2 bác sĩ phẫu thuật, 1 bác sĩ gây mê, 2 kỹ thuật viên (trong đó có bác sĩ trực cọc 1 và bác sĩ trực thường trú. Trong trường hợp bác sĩ trực cọc 1 tham gia cấp cứu thì BS trực thường trú sẽ thay vào bác sĩ trực cọc 1 hoặc BS trực cọc 1 vì một lý do bất khả kháng như đang trong cuộc mổ cấp cứu một bệnh nhân khác thì bác sĩ thường trú sẽ về địa phương để cấp cứu bệnh nhân). Ngoài ra, phương tiện, dụng cụ luôn được chuẩn bị thường xuyên, mỗi kíp được bố trí trước một tuần để chủ động lên kế hoạch và sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới. Kíp trực là các bác sĩ đã qua sát hạch, chuyên môn vững vàng. Cũng theo BS. Bội, ngoài kịp thời cứu sống các trường hợp tai biến sản khoa nguy kịch, kíp cấp cứu ngoại viện đã xử lý kịp thời các trường hợp bị máy đúc gạch, máy tuốt lúa cán vào chân, tay. Nếu như trước kia chưa có mô hình cấp cứu ngoại viện như thế này người nhà phải di chuyển bệnh nhân cùng với “chướng ngại vật” đến tận viện, thậm chí vào phòng mổ rất phức tạp và bất lợi cho bệnh nhân. Nhưng nhờ có cấp cứu ngoại viện, nhiều trường hợp đã được xử trí ngay tại hiện trường. Các bác sĩ sẽ gây tê tủy sống, tiền mê và tiến hành cắt cụt chi giập nát, hồi sức và đưa bệnh nhân lên BV để cấp cứu và xử trí tiếp theo...

Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư khen kíp cấp cứu ngoại viện ở Thái Bình

Trước hành động quyết đoán hết lòng vì người bệnh, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115, BV Phụ sản Thái Bình, Khoa Huyết học truyền máu BVĐK tỉnh Thái Bình đã nỗ lực cứu sống người bệnh tại nhà, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi thư khen ngợi. Trong thư, Bộ trưởng biểu dương, khen ngợi tập thể y bác sĩ của kíp cấp cứu đã khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch. Kết quả thành công trong ca mổ không chỉ là nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu Sản - Nhi mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm hết lòng phục vụ người bệnh, là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật của người thầy thuốc Việt Nam. Bộ trưởng cũng mong rằng, các y bác sĩ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được tốt hơn…

Cấp cứu ngoại viện - Yêu cầu cao, chỉ đạo sát sao

Theo BSCKII Phạm Văn Dịu - Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, những năm qua, lĩnh vực cấp cứu ngoại viện được lãnh đạo ngành y tế Thái Bình đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các đơn vị triển khai tích cực với chất lượng, yêu cầu ngày càng cao. Theo đó, để thực hiện tốt hơn công tác vận chuyển và cấp cứu người bệnh, Sở Y tế đã giao cho các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị với nhau. Trong đó, nhấn mạnh phối hợp: Chia sẻ thông tin, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn; hỗ trợ xe, phương tiện cấp cứu… Chúng tôi xác định mỗi bệnh viện là một đơn nguyên cấp cứu ban đầu tốt nhất cho người bệnh, vì thế, tại các BV tuyến huyện, các trạm y tế tuyến xã ngoài sự phối hợp như trên, ngành y tế còn đặt ra yêu cầu đây là nơi xông pha tuyến đầu cấp cứu bệnh nhân trong lúc chờ đợi chi viện từ tuyến trên. Và để hỗ trợ tốt cho công tác cấp cứu, ngành y tế đã chỉ đạo đặt các trạm cấp cứu vệ tinh ở một số huyện xa trung tâm như Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thụy, Quỳnh Phụ. Các trạm này được đặt ở Trạm y tế xã hoặc ở BV xa nhất, sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, đội ngũ cán bộ tại trạm cấp cứu vệ tinh sẵn sàng tiếp cận người bệnh thực hiện các biện pháp sơ cứu cần thiết trong lúc chờ chi viện từ tuyến trên. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng nhiễu thông tin dẫn đến gọi chi viện sai chuyên môn, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế biết cách phân loại bệnh và biết cách xử lý ban đầu tốt.

Còn tại tuyến tỉnh, các BV Phụ sản, BVĐK tỉnh và Trung tâm Huyết học truyền máu trung tâm cấp cứu luôn có kíp cấp cứu ngoại viện thường trực, khi có yêu cầu chi viện kỹ thuật phải đảm bảo trong thời gian nhất định kíp cấp cứu phải có mặt tại hiện trường với đầy đủ nhân lực, vật lực đáp ứng tất cả các tình huống.

Tuệ Khanh (ghi)

Nguyễn Hồng
Ý kiến của bạn