Sáng 8/11, điện thoại tiếp nhận cấp cứu BV. Đa khoa Sài Gòn, nơi thí điểm mô hình cấp cứu bằng xe máy vang lên. Ngay lập tức, hai nhân viên cấp cứu với đồng phục xanh, đội nón bảo hiểm và lên chiếc xe máy đã có sẵn trang thiết bị cần thiết. Họ nổ máy lao xuống con phố chật chội xe cộ vào giờ cao điểm.
Người cần được cấp cứu là một cụ bà 92 tuổi ở cách trạm cấp cứu bệnh viện khoảng 2km, hai chiếc xe máy cấp cứu vội vã luồn lách qua những con đường ngắn nhất, rồi phi nhanh vào con hẻm nhỏ nơi bệnh nhân sinh sống chỉ trong vài phút. Người bệnh làm mệt, khó thở do lên cơn đau tim bất ngờ đã được sơ cứu kịp thời.
Chuẩn bị và bổ sung thêm các thứ thuốc cần thiết trước khi lên đường đi cấp cứu
Vài giờ sau đó, tiếng chuông điện thoại cấp cứu lại vang lên, địa chỉ cần cấp cứu là một con hẻm sâu mà xe ôtô không thể vào được. Vẫn thao tác nhanh nhẹn, các nhân viên y tế vốn là “tay lái lụa” đã có mặt sau đó không lâu. Lần này bệnh nhân là một cụ bà ngoài 80 có biểu hiện tai biến. Vài phút sơ cứu, bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến trên. Theo tính toán của các nhân viên cấp cứu, nếu cấp cứu bằng ôtô, thời gian di chuyển có thể sẽ chậm hơn đến vài lần.
Hai túi chứa thuốc luôn sẵn sàng ở hai bên xe
Những ca cấp cứu nêu trên cũng là những bệnh nhân đầu tiên được cấp cứu nhờ mô hình thí điểm cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh mà Sở Y tế TP.HCM triển khai tại BV. Đa khoa Sài Gòn nằm giữa trung tâm thành phố.
Mô hình cấp cứu bằng xe máy là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của BV. Đa khoa Sài gòn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu người dân, trước tiên là tại Quận 1, địa bàn đông dân cư, nhiều khách du lịch và nhiều lễ hội. Trước đó, Hội đồng Khoa học Công nghệ Sở Y tế TPHCM đã thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai sản phẩm sáng tạo này.
Hội ý chuyên môn trước khi lên đường đến với bệnh nhân
Thay vì xe tay ga phân khối lớn hay được sử dụng tại các nước phát triển, Hội đồng nhất trí với đề xuất của BV. Đa khoa Sài Gòn là chọn loại xe tay ga có động cơ 100 - 125 phân khối vừa chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ.
BS.CKII. Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV. Đa khoa Sài Gòn cho biết, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và thuốc đã được bệnh viện chuẩn bị nhiều tháng nay. 2 xe máy được trang bị theo yêu cầu hội đồng khoa học kỹ thuật công nghệ của Sở Y tế TP.HCM và của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.
Tư thế sẵn sàng phục vụ bệnh nhân của các nhân viên y tế
Quy trình cấp cứu bằng xe máy cũng tương tự quy trình của cấp cứu ngoại viện và những quy định để thực hiện cấp cứu 115. Đối với cấp cứu ngoại viện, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định địa chỉ cần cấp cứu, sau đó đến tình trạng của người cần cấp cứu.
“Cấp cứu bằng xe hai bánh giúp nhân viên y tế đến với hiện trường nhanh nhất có thể nâng cao hiệu quả chữa trị, nhất là trong những giờ cao điểm thành phố bị kẹt xe và những trường hợp người cần cấp cứu ở trong các con hẻm nhỏ mà xe cấp cứu lớn có thể gặp trở ngại”, BS. Vui nói.
Hiện tại trạm cấp cứu vệ tinh 115 của BV. Đa khoa Sài Gòn là trạm cấp cứu vệ tinh đầu tiên tại TP.HCM được Sở Y tế TP.HCM cho phép thí điểm cấp cứu bằng xe máy. Người dân có thể gọi đến trung tâm cấp cứu 115 của thành phố, tại đây các cuộc điện thoại sẽ được chuyển nhanh đến trạm vệ tinh. Không có còi ưu tiên nhưng các xe gắn máy có logo cấp cứu và các trang thiết bị cần thiết trong cấp cứu như máy đo huyết áp, ống nghe, thuốc men, bông băng, dịch truyền, nẹp cố định…
Tìm những tuyến đường ngắn nhất, vắng nhất để nhanh chóng đến với bệnh nhân
Vận hành thí điểm sẽ thực hiện để rút kinh nghiệm và hoàn thiện, sau đó sẽ chính thức ban hành, trong đó Sở Y tế TP.HCM lưu ý luôn giữ mối liên lạc giữa nhân viên y tế đi cấp cứu và bệnh viện, và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh và nhóm thường trực xe cứu thương, khi có yêu cầu cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện thì xe cứu thương sẽ kịp thời đến để vận chuyển bệnh nhân sau khi đã được sơ, cấp cứu trước đó.
PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết mô hình này sau thời gian triển khai thí điểm nếu khả thi sẽ nhân rộng ở tất cả các trạm cấp cứu khác của thành phố. Theo ông Thượng, bệnh viện ở các nước, phương tiện cứu thương rất đa dạng như xe đạp, ca nô để tăng hiệu quả cấp cứu bệnh nhân. TP.HCM đang hướng đến đào tạo chuyên viên cứu thương paramedic (ngoại viện) và phát triển nhiều loại xe cấp cứu. Trong bối cảnh du lịch đường sông tại TP.HCM bắt đầu phát triển, mô hình cứu thương bằng đường sông sẽ được nghiên cứu triển khai trong tương lai.
Tại TP.HCM, trong những năm qua, số lượng bệnh nhân gọi 115 năm sau tăng gấp đôi năm trước. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong cấp cứu ngoại viện, cuối năm 2015 đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai 24 trạm vệ tinh, xa nhất là Cần Giờ và Củ Chi.
Tiếp cận bệnh nhân tại nhà. Sơ cứu nhanh chóng và chuyển viện nếu thấy cần thiết
Hiện Trung tâm Cấp cứu 115 tại TP.HCM chỉ có 11 xe cấp cứu. Hoạt động 24 trạm vệ tinh, ngoại trừ 1 trạm của Trung tâm Cấp cứu 115, gồm 4 bệnh viện tư nhân, 17 trạm vệ tinh là của các bệnh viện quận huyện và 2 bệnh viện thành phố (BV. Đa khoa Sài Gòn và BV. Phục hồi Chức năng). Trong 17 bệnh viện quận huyện đó, mỗi bệnh viện vốn có 2 chiếc xe cấp cứu. Khi tham gia trạm cấp cứu vệ tinh, các bệnh viện chưa hình dung được công việc cấp cứu ngoại viện, với 2 xe cấp cứu hiện không đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện.
Năm 2017 có 20.857 cuộc gọi tới số 115, so với 2015 tăng 237%. Quý I/2018, 115 nhận được hơn 5.300 cuộc điện thoại cấp cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, cấp cứu ngoại viện vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân TP.HCM. Cuộc gọi nhiều, nhưng xuất xe cấp cứu vẫn chỉ bao trùm khoảng 50 - 60%. Thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115, khoảng 30% trường hợp khi xe cứu thương đến, người bệnh đã được đi bệnh viện. Chính vì thế, việc phát triển thêm các mô hình cấp cứu mới, điển hình là cấp cứu bằng xe máy tại TP.HCM, được cho là rất cần thiết.