Cấp cứu nam thanh niên bị vỡ tinh hoàn khi chơi đá bóng

17-03-2024 07:30 | Bệnh nam giới

SKĐS - Các bác sĩ khoa Nam học và Y học Giới tính- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân bị vỡ tinh hoàn khi đá bóng.

Theo Ths.Bs. Nguyễn Cao Thắng- khoa Nam học và Y học Giới tính, bệnh nhân nam 39 tuổi, vào viện trong tình trạng đau dữ dội vùng bìu. Qua kiểm tra sơ bộ thấy vùng bìu trái bầm tím và sưng nề nhiều.

"Sau khi khác thác bệnh sử, ban đầu chúng tôi nhận định bệnh nhân có chấn thương vùng tinh hoàn trái do chơi thể thao đá bóng đập vào tinh hoàn"- BS Thắng chia sẻ.

Theo lời kể của bệnh nhân anh là công nhân xây dựng. Trước đó vào ngày 12/3/2024, khoảng 14h chiều trong quá trình chơi thể thao, anh T. bị bóng đập vào vùng bìu. Bệnh nhân đau tức âm ỉ vùng bìu trái nhưng không đi khám bệnh mà chỉ theo dõi ở nhà.

Sáng 13/3/2024 bệnh nhân đau tăng dần vùng bìu trái, đau dữ dội, lan lên vùng bẹn cùng bên. Khoảng 15h ngày 13/3 bệnh nhân được đưa vào  cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cấp cứu nam thanh niên bị vỡ tinh hoàn khi chơi đá bóng- Ảnh 1.

Một ca cấp cứu tại khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Sau khi đánh giá tình lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương, vỡ tinh hoàn trái sau tai nạn sinh hoạt.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Nam học và Y học Giới tính đã tiến hành hội chẩn cùng ekip gây mê và chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Ekip đã thực hiệp phẫu thuật lấy máu tụ, dẫn lưu, cắt lọc tổ chức hoại tử, bảo tồn tinh hoàn trái. Do thời gian từ khi có chấn thương tới khi phẫu thuật gần 24 tiếng nên phần lớn tổ chức tinh hoàn dính nhiều gây khó khăn cho cuộc mổ.

"Sau gần 1 giờ đồng hồ phẫu thuật, tinh hoàn của bệnh nhân đã được bảo tồn thành công. Quá trình hồi sức sau mổ ổn định, bệnh nhân được chuyển về buồng bệnh khoa Nam học và Y học giới tính để theo dõi và điều trị tiếp"- BS Thắng chia sẻ thêm.

Theo BS Thắng, thương tích của bìu và tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở lứa tuổi lao động 15-40 tuổi, trong đó chấn thương chiếm phần lớn. Chỉ định bảo tồn tinh hoàn được đưa ra trong đa số các trường hợp, cắt bỏ tinh hoàn được đặt ra khi tinh hoàn vỡ nát hoàn toàn không khâu lại được.

Theo nhiều nghiên cứu, nhóm bệnh nhân chấn thương tinh hoàn được điều trị phẫu thuật bảo tồn tinh hoàn không có sự thay đổi đáng kể về mặt sinh tinh và nội tiết, ngược lại nhóm bệnh nhân phẫu thuật cắt tinh hoàn có sự giảm số lượng đáng kể tinh trùng và tăng rõ rệt LH và FSH.

Chấn thương tinh hoàn cần được nghĩ đến trong hoàn cảnh bệnh nhân có chấn thương vùng bẹn bìu. Chỉ điều trị theo dõi trong trường hợp cơ chế chấn thương năng lượng thấp, tụ máu chỉ khu trú ở nông không lan rộng, đau giảm dần.

"Việc phát hiện sớm và đánh giá toàn diện thương tổn và xử trí kịp thời trong chấn thương tinh hoàn đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng phải cắt bỏ tinh hoàn, nhanh chóng hồi phục lại cuộc sống bình thường", BS Thắng khuyến cáo.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chấn thương tinh hoàn thường hiếm gặp, chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ trong các chấn thương niệu dục do tinh hoàn di động và được bảo vệ giữa 2 đùi.

Theo nghiên cứu, chấn thương tinh hoàn chiếm 85%, là chấn thương thường gặp, nhất là chấn thương trong thể thao (đặc biệt là các môn thể thao đối kháng), tai nạn giao thông (xe đạp, xe máy), tự bóp tinh hoàn ở bệnh nhân tâm thần …

Chấn thương tinh hoàn cần được phát hiện và xử lý sớm để tránh những hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phái mạnh trong tương lai.

Cũng theo BS Bắc, hiện Khoa Nam học và Y học Giới tính- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện miễn phí "Đặt thể hang nhân tạo cho người bệnh chấn thương cột sống có hoàn cảnh khó khăn". Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ người bệnh chấn thương có hoàn cảnh khó khăn đồng thời hoạt động này giúp người bệnh chấn thương cột sống cải thiện chất lượng cuộc sống và giải quyết các vấn đề sinh sản mà người bệnh mắc phải.

Nam giới mắc đái tháo đường bị rối loạn cương, bác sĩ chỉ ra lý do và cách xử tríNam giới mắc đái tháo đường bị rối loạn cương, bác sĩ chỉ ra lý do và cách xử trí

SKĐS - Ông N.V.D (56 tuổi) bị mắc tiểu đường 10 năm, rối loạn cương 7 năm đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện. Chính vì trục trặc chuyện chăn gối vì "trên bảo dưới không nghe" khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.

Khánh Mai ( thực hiện)
Ý kiến của bạn