Hà Nội

Cấp cứu đường không góp phần to lớn vào công tác y tế biển đảo

24-09-2023 08:48 | Y tế
google news

SKĐS - PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, với những ưu thế vượt trội so với vận chuyển đường thuỷ và đường bộ, cấp cứu đường không thay đổi căn bản chất lượng chăm sóc sức khỏe và góp phần to lớn cho y tế biển đảo.

Tại Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân vừa diễn ra, PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, Bệnh viện Quân y 175 đã triển khai cấp cứu đường không từ năm 2014. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên của cả nước có sân bay cấp cứu đường không đạt tiêu chuẩn quốc gia...

Cấp cứu đường không góp phần to lớn vào công tác y tế biển đảo - Ảnh 1.

Ngư dân bị hội chứng giảm áp ở Trường Sa được trực thăng chở về đất liền cấp cứu kịp thời.

Những năm gần đây, tại Việt Nam, cấp cứu đường không đã được chú ý đến và có những bước phát triển đầu tiên (phục vụ vận chuyển ghép tạng, cứu hộ, cứu nạn…). Trong đó, nổi bật là chủ trương cấp cứu vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc về đất liền điều trị. 

Các chuyến bay cấp cứu bệnh nhân từ huyện đảo Trường Sa về hạ cánh tại sân đỗ của Bệnh viện Quân y 175 đã rút ngắn thời gian vận chuyển, tận dụng được khoảng thời gian vàng để điều trị bệnh nhân.

"Cấp cứu đường không với những ưu thế vượt trội so với vận chuyển đường thuỷ và đường bộ đã góp phần to lớn vào công tác y tế biển đảo", PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.

Cấp cứu đường không góp phần to lớn vào công tác y tế biển đảo - Ảnh 2.

PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn tâm sự, ông và đồng nghiệp rất tự hào là hơn 15 năm qua, Bệnh viện Quân y 175 chưa để bệnh nhân nào ở đảo Trường Sa tử vong.

Cũng theo PGS Nguyễn Hồng Sơn, kể từ tháng 1/2018 đến nay (tháng 9/năm 2023), đã có 37 bệnh nhân được cấp cứu và vận chuyển đường không từ các vùng biển đảo về Bệnh viện Quân y 175, trong đó 100% là nam giới và chủ yếu là ngư dân (54%), quân nhân chỉ chiếm 19%.

"Những ngư dân là con người bình thường, ở những làng quê bình thường nhưng một ngày nào đó ra biển gặp tai nạn. Các bác sĩ quân y ngày đêm thức, nỗ lực hết sức để cứu chữa họ. Khi bệnh nhân điều trị không tiến triển và không cứu chữa được nữa thì họ được trực thăng đưa về đất liền. Bên cạnh đó, tổ cấp cứu rất vất vả, sẵn sàng đánh đổi sinh mệnh của mình để cứu bệnh nhân. Điều này thể hiện chính sách của đảng và nhà nước quan tâm đến người dân", PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đến nay, trong tổng số 74 chuyến cả đi và về cấp cứu đường không thì 100% xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, có 6 chuyến về trực tiếp sân bay trực thăng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (thuộc Bệnh viện Quân y 175). Điểm khác biệt với các nghiên cứu quốc tế đó là khung giờ bay của đội cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 chủ yếu là bay đêm (66,2 %), tầm nhìn gặp rất khó khăn.

PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn tâm sự, niềm tự hào rất lớn của ông và các đồng nghiệp Bệnh viện Quân y 175 là hơn 15 năm qua, Bệnh viện Quân y 175 chưa để bệnh nhân nào ở đảo Trường Sa tử vong.

"Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ và tổ chức lại hệ thống y tế biển đảo. Rõ ràng trong thời gian qua, Trung tâm Y tế Trường Sa đã trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ cho chiến sĩ bộ đội, người dân sinh sống trên đảo mà còn cho bà con ngư dân. Chúng ta phục vụ lực lượng quân đội như thế nào thì cũng phải phục vụ người dân như vậy", PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn nói.

Từ ngày 19-22/9, Cục Quân y phối hợp với Bệnh viện Quân y 175, Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học hồi sức, cấp cứu, chống độc toàn quân năm 2023.

Tại Hội nghị có 4 báo cáo tại phiên toàn thể, 44 báo cáo tại 3 phiên chuyên đề (Chuyên đề 1: Hồi sức tim mạch, hô hấp, thần kinh, ngoại khoa. Chuyên đề 2: Nhiễm khuẩn, nhiễm độc, lọc máu. Chuyên đề 3: Điều dưỡng).

3 ngư dân Trường Sa nguy kịch được trực thăng đưa về đất liền điều trị3 ngư dân Trường Sa nguy kịch được trực thăng đưa về đất liền điều trị

SKĐS - Ngày 6/9, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, sớm nay bệnh viện đã tiếp nhận 3 bệnh nhân được trực thăng đưa từ Bệnh xá đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) về TPHCM cấp cứu.


Kim Vân
Ý kiến của bạn