Hà Nội

Cấp cứu bằng xe 2 bánh - mô hình hay từ yêu cầu thực tiễn

24-05-2019 07:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau 6 tháng triển khai mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức triển khai loại hình cấp cứu này với 4 trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện quận 2, quận 4, quận Thủ Đức triển khai hình thức này.

Đây là mô hình được đánh giá đầy tính sáng tạo giúp người bệnh đảm bảo được thời gian vàng trong điều trị, từ đó khả năng cứu giữ mạng sống được cao hơn.

Chính thức đưa mô hình cấp cứu xe hai bánh vào phục vụ cộng đồng từ đầu tháng 11/2018 tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, sau quá trình triển khai, Sở Y tế TP. HCM đã có nhận xét đánh giá về mặt chuyên môn, bước đầu cho thấy đây là mô hình rất cần thiết. Từ thực tế ngay quận trung tâm thành phố, xuất phát từ tình hình giao thông tắc nghẽn vào những giờ cao điểm khiến xe cứu thương rất khó di chuyển, mất thời gian dài để đến điểm cần tiếp cận. Thứ hai nếu bệnh nhân ở trong những hẻm nhỏ thì xe cứu thương khó vào được, trong khi đó nếu người nhà trực tiếp đưa bệnh nhân thì những tư thế sai lệch lúc di chuyển vô tình có thể gây hại cho người bệnh. Với ưu điểm gọn, nhẹ, di chuyển nhanh, có nhân viên y tế trực tiếp hướng dẫn nên mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh đã phát huy lợi thế và chứng tỏ được tính khả thi, được vận dụng linh hoạt tùy từng trường hợp bên cạnh phương tiện chủ lực là xe cứu thương

Về mô hình cấp cứu bằng xe cứu thương 2 bánh, PGS. Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Mô hình này trên thế giới đã áp dụng từ lâu do vậy khi ngành y tế thành phố cho triển khai thí điểm và đánh giá lại đã ghi nhận tính hiệu quả của nó.

Theo PGS. Tăng Chí Thượng, nói đến cấp cứu, chúng ta thường nghĩ tới xe cứu thương 4 bánh. Tuy nhiên, với các nước phát triển ngoài xe cứu thương còn dùng nhiều phương tiện khác như xe đạp cứu thương, xe honda cứu thương hoặc trên vùng sông nước thì ca nô cứu thương. Tất cả khi triển khai đều hướng đến làm sao cấp cứu cho người dân một cách tốt nhất, nhanh chóng đưa đến bệnh viện đảm bảo công tác cứu chữa kịp thời.

Khi  triển khai tại quận 1 cụ thể là tại trạm cấp cứu vệ tinh Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, bước đầu ghi nhận phần đông người dân đều hài lòng với loại hình xe cấp cứu 2 bánh. Thống kê từ phía bệnh viện thì bác sĩ đến rất nhanh so với trước đây, mất thời gian trung bình từ 3 - 5 phút là đã tiếp cận người bệnh, số lượt cấp cứu ngoại viện của bệnh viện cũng đã tăng 30% so với giai đoạn trước.

Cho đến nay, đã có 4 trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện quận 2, quận 4, quận Thủ Đức triển khai cấp cứu bằng xe 2 bánh. Ghi nhận tại các bệnh viện triển khai sau này cũng cho thấy, việc cấp cứu được thực hiện nhanh hơn cụ thể khi cấp cứu người dân phát tín hiệu trong những hẻm nhỏ ngoằn ngoèo mà xe cứu thương không thể đến nơi. Tại Bệnh viện Thủ Đức sau khi triển khai, BS.Nguyễn Minh Quân - Giám đốc bệnh viện cho biết, khi đưa phương tiện này vào cấp cứu, tỷ lệ cấp cứu ngoại viện cũng tăng hơn so với trước và người dân cảm thấy hài lòng, an tâm hơn khi trên địa bàn dân cư có phương tiện cấp cứu chỉ cần điện thoại là đến nhanh, đến ngay điểm có bệnh nhân cần cấp cứu

Những lợi thế của cấp cứu bằng xe 2 bánh đã được ngành y tế linh hoạt trong ứng dụng thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh. Sau 6 tháng triển khai với sự kết nối chặt chẽ, chỉ đạo từ mạng lưới điều phối Trung tâm Cấp cứu 115 và Sở Y tế TP.HCM, kể từ tháng 5/2019, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức triển khai loại hình xe cấp cứu 2 bánh vào phục vụ nhu cầu cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố. Mô hình này được xem là “đặc sản” của ngành y tế thành phố, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và quan trọng hơn tính hiệu quả đã được chứng minh.


Minh Huy
Ý kiến của bạn