Trước đây, cấp cứu bằng trực thăng chỉ là một giấc mơ đối với quân và dân trên đảo. Thì nay, giấc mơ đó đã thành hiện thực. Chiếc trực thăng không chỉ là một phương tiện để cứu người, mà lớn lao, cao cả hơn: nó đang chở cả niềm tin và sự yên bình của Tổ quốc!
Những ca cấp cứu tối khẩn
Ở nước ngoài, từ lâu, việc cứu hộ bằng trực thăng hay trực thăng chuyên dụng đã là vấn đề hết sức phổ biến. Nhưng ở Việt Nam, những năm gần đây phương tiện này mới được triển khai và đã giúp cứu chữa thành công rất nhiều bệnh nhân ở mọi vùng miền của Tổ quốc. Từ việc chở bác sĩ giỏi lên Lai Châu cấp cứu cho nạn nhân bị sập cầu treo, đến việc vận chuyển bệnh nhân ở khắp các hòn đảo từ Đà Nẵng đến mũi Cà Mau vào đất liền chữa bệnh. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có 14 chuyến trực thăng vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân Y 175 để điều trị. Và đó là những ca cấp cứu tối khẩn.
Thủy thủ tàu cá H.T.L (29 tuổi) đã thoát chết thần kỳ nhờ có trực thăng cấp cứu. Anh đang đánh bắt cá ở đảo Trường Sa Lớn thì bị áp-xe thành họng (có thể áp-xe amidan). Sau lan xuống gây áp-xe trung thất, tràn dịch màng phổi, viêm phổi dẫn đến suy đa tạng, nhiễm trùng huyết. Ngay sau khi được cấp cứu ban đầu tại Bệnh xá Đảo, H.T.L đã được chuyển cấp cứu bằng trực thăng vào Bệnh viện 175. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp-xe trung thất, tràn mủ màng phổi 2 bên, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, dẫn lưu trung thất kết hợp với thở máy và lọc máu. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục và đã xuất viện sau đó. Đại tá TS.BS. Trần Quốc Việt - Phó giám đốc Bệnh viện 175 cho biết, đây là một ca bệnh rất nặng, tiên lượng tử vong gần như chắc chắn. Thế nhưng, bệnh nhân đã được cứu sống kỳ diệu. Bên cạnh nhờ có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ thầy thuốc giỏi có kinh nghiệm thì việc bệnh nhân được chuyển cấp cứu bằng trực thăng là điều tối quan trọng.
Cũng nhờ được cấp cứu bằng trực thăng nên một kỹ sư hàng hải người nước ngoài đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Kỹ sư này đang làm việc tại cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, bị vỡ dị dạng mạch máu não dẫn đến bị hôn mê. Nguy hiểm hơn lại bị hôn mê trên nền xơ gan. Chính vì xơ gan nên người bệnh đã gặp phải tình trạng máu không đông. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện tình trạng viêm phổi, rất nguy kịch. Bộ Quốc phòng ngay lập tức đã điều động trực thăng chuyển bệnh nhân từ Khánh Hòa vào Bệnh viện 175 cấp cứu. Sau 3 tuần được điều trị tích cực đồng thời các bệnh gan, phổi, não, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Mùa xuân của một người và sự bình yên của triệu người
Với sĩ quan T.Đ.D (30 tuổi, công tác tại đảo Thổ Chu), sẽ mãi mãi không còn mùa xuân nếu không có chuyến cấp cứu trực thăng tối khẩn đó. Anh bị nhiễm trùng huyết rất nặng. Nguy hiểm hơn, độc tố của vi khuẩn đã làm tổn thương cơ tim gây ra tình trạng suy tim nặng, phải thở máy. Mặc dù đã nhận được sự hướng dẫn, chỉ đạo điều trị từ đất liền qua hệ thống truyền hình trực tuyến và điện thoại trực tiếp nhưng tình trạng lâm sàng của bệnh nhân không những không cải thiện mà còn rất nguy kịch. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển vào đất liền cấp cứu điều trị bằng trực thăng. Và chàng sĩ quan được cứu sống. Anh lại tiếp tục cống hiến cả tuổi xuân để mang lại sự bình yên cho Tổ quốc.
Mỗi một ca cấp cứu thành công, nó lại tạo ra một niềm tin lớn lao cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Mà đặc biệt là niềm tin đối với người dân đi biển. Thiếu tướng PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện 175 tâm sự, mỗi một chuyến cấp cứu trực thăng thành công, vấn đề không còn là sự sống và cái chết, mà lớn lao, cao cả hơn nữa là tạo cho ngư dân một niềm tin và lòng tin: họ yên tâm ra biển, nếu có vấn đề gì nguy kịch đã có người lo. Như vậy, họ sẽ thường xuyên bám biển để lao động sản xuất và khẳng định chủ quyền biển đảo. Sự xuất hiện của người dân ở biển nhiều cũng đồng nghĩa là biển yên. Mà biển yên thì bờ yên!
Ít người biết rằng, để tổ chức được một chuyến cấp cứu bằng trực thăng đòi hỏi khâu tổ chức, điều hành, tính cơ động và khả năng ứng phó tình huống phải rất tốt. Sự phối kết hợp giữa tổ cấp cứu, tổ bay, nơi chuyển bệnh nhân và nơi nhận bệnh phải rất chặt chẽ. Song song đó, lực lượng trực chiến, điều hành bay phải làm việc rất hiệu quả. Đặc biệt, đối với tổ cấp cứu, trang thiết bị hỗ trợ phải đầy đủ để giải quyết vấn đề cấp cứu cơ động. Y bác sĩ phải có khả năng thực hiện những kỹ thuật của những ca phẫu thuật tối khẩn. Trình độ chuyên môn của bác sĩ phải có kiến thức tổng quát về nội và ngoại khoa…Và đặc biệt, tâm lý phải hết sức vững vàng, vì trực thăng bay trên biển khác hoàn toàn với các chuyến bay trên đất liền.
Để cấp cứu cứu sống rất nhiều bệnh nhân trong điều kiện khó cả về bệnh lý, địa lý, cả trang thiết bị và trình độ chuyên môn ở ngoài biển đảo bằng trực thăng, đó là sự tiến bộ của ngành quân y trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho người dân trong những điều kiện rất đặc biệt.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, trong thực tế, đòi hỏi phải có những trực thăng chuyên dụng, có đội ngũ cấp cứu chuyên nghiệp, có nhiều bệnh viện tham gia hơn nữa; để đáp ứng nhu cầu cấp cứu tối khẩn, hoặc khi có vấn đề về tai nạn hay thiên tai, thảm họa.
NGUYỄN HUYỀN