Theo đó, vào khoảng 20h25 ngày 21/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân S.M.L (SN 1966), bệnh nhân P.V.P (SN 2003), bệnh nhân P.V.P (SN 2015), bệnh nhân P.T.T (SN 2016) và bệnh nhân P.V.Q (SN 2019) cùng trú tại tiểu khu 295, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Các bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt nhiều, đau đầu, nôn ói, sốt, co giật với chẩn đoán ngộ độc cà độc dược.
Theo lời kể của các bệnh nhân, trước đó, khoảng 11h đến 13h cùng ngày, các bệnh nhân lần lượt ăn cà độc dược và khoảng 30 phút sau thì xuất hiện các triệu chứng bất thường nên được người nhà đưa đi nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu và điều trị. Hiện nay sức khỏe của các bệnh nhân đã dần cải thiện.
Sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị vì ngộ độc do ăn cà độc dược, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và chính quyền địa phương tiến hành điều tra điều tra dịch tễ và nhận định đây là một vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên (cà độc dược).
Bác sĩ Lê Thị Châu - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm từ tự nhiên như nấm, cà độc dược…, không nên sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc để tránh các vụ ngộ độc gây ảnh hưởng sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng. Thành phần hóa học của cây cà độc dược là alkaloid, chất có khả năng gây ngộ độc nếu chế biến không đúng cách. Do đó, người dân cần hết sức thận trọng khi lựa chọn thực phẩm này để sử dụng.