Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Whitman nghĩ gì?

11-02-2019 07:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Whitman (Uýt-man, 1819-1892) là nhà thơ Mỹ vô định hiện thân giấc mơ cuồng nhiệt của đất mới.

Năm 1855, khi tập thơ Lá cỏ (ngày nay trở thành Kinh thánh của thi ca Mỹ) ra đời, nó bị phê phán kịch liệt. Tác giả tự trình bày sách, tự xếp chữ, xuất bản, phát hành. Một nghìn bản in ra bán chưa được ba chục. Mấy trăm bản gửi biếu hầu hết bị trả lại. Thơ phá hết các niêm luật, không vần, không điệu. Tác giả tự giới thiệu trong Bài ca cái tôi (Song of Myself) ngang phè:

“Walt Whitman, một vũ trụ, con của đảo Manhattan

Ngỗ ngược, đẫy đà, yêu khoái lạc, ăn nhậu và sinh con đẻ cái,

Không đa sầu đa cảm, không đứng trên kẻ khác, dù đàn ông hay đàn bà, không tách khỏi mọi người

Chẳng nhũn nhặn, cũng chẳng không nhũn nhặn”

Ông bị giới phê bình dạy đạo đức đánh tơi bời vì trở về với bản năng vũ trụ, ông dám công khai ca ngợi tình dục, phần thể xác mà ông coi là cũng thiêng liêng như phần linh hồn.

Bài ca cái tôi, trục của tập thơ, nói lên lòng tự tin, kêu gọi mọi người hãy tự đo sức mình để dặt mình vào trong ngọn trào vũ trụ của tự nhiên. Nhà thơ Whittier đã ném tập thơ vào lửa sau khi đọc bài ca ấy. Emerson, triết gia đầu tiên của Mỹ, người đứng ra kêu gọi trí thức Mỹ hãy độc lập với châu Âu, đã can đảm đứng ra bênh Whitman: “Người Mỹ ở nước ngoài có thể trở về được. Một nghệ sĩ đã ra đời ở nước chúng ta”.

Nhà thơ Whitman (1819-1892).

Nhà thơ Whitman (1819-1892).

Tập Lá cỏ là tác phẩm duy nhất của Whitman. Xuất bản lần đầu với 12 bài thơ chưa được trăm trang khi tác giả 36 tuổi, cuối cùng nó lên tới 411 bài, trước khi tác giả mất vào năm 73 tuổi. Nhà thơ tự khẳng định tính chất Mỹ (phong cảnh, nhân dân, chính thể tự do) và tính chất vũ trụ (nhịp sống hừng hực) của mình với những quan niệm huyền bí về con người bình thường và hiện đại, về thế giới của tình yêu và dân chủ.

Ông tự nhận cho mình sứ mệnh làm tiếng nói của những gì không có tiếng nói, mà lại rất phổ biến mà hùng hồn như cỏ.

Tiếng thơ của ông xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ 19, đúng vào thời điểm mà văn chương Hoa Kỳ tự khẳng định và nở rộ với ông, Hawthorne và Melville, cả ba đều bắt đầu từ siêu việt luận của Emerson. Triết lý này tin vào khả năng thần thánh của cá nhân con người tự do.

Cũng như nhiều nhà văn thuộc thế hệ ông, Walt Whitman phải kiếm sống một cách vất vả. Con một ông bố làm thợ mộc người Anh và một bà mẹ gốc Hà Lan, ông làm đủ nghề: thợ mộc, chạy giấy, dạy học, thợ in xếp chữ, đánh cá... Ông là một người chịu khó tự học. Dần dần tài năng của ông được công nhận và được ngưỡng mộ không những ở Mỹ mà ở cả châu Âu. Thơ của ông ảnh hưởng đến thơ văn hiện đại về hai mặt: phong cách phóng túng không câu nệ, giải phóng tình dục và bản năng.

Dưới đây xin trích vài đoạn trong bài thơ Ra đi từ Paumanok (trong tập Lá cỏ), do Vũ Cận dịch:

1

“Ra đi từ Paumanok, hòn đảo hình cá, nơi chôn rau cắt rốn của tôi,

Được nuôi dưỡng và lớn khôn nhờ một bà mẹ vô song.

Sau khi đã qua đi rất nhiều xứ sở, làm anh tình nhân của rất nhiều hè phố đông người

Đã ở Manhattan, thành phố của tôi, hay trên những đồng cỏ phương Nam,

Đã từng làm lính ở doanh trại, hoặc cầm súng, mang balô, hay làm anh thợ mỏ ở Caliphornia,

Hay hoang dã trong ngôi nhà ở vùng rừng rú Dakota, uống nước suối, ăn thịt rừng,

Hoặc rút lui vào một nơi hẻo lánh xa xôi, để tha hồ trầm tư, suy nghĩ,

Xa những tiếng ồn ào của đám người đông đúc, giờ phút trôi qua nhẹ nhàng thoải mái,

Nhìn thấy dòng sông Miduri tự do mát mẻ,

Nhìn thấy ngọn thác Mai-ê-gơ-rơ hùng dũng,

Nhìn thấy những đàn bò tót gặm cỏ trên đồng, con đực lông xù, ngực rộng,

Nhìn thấy đất thấy đá, thấy những đóa hoa của tháng thứ năm.

Kinh ngạc trước các vì sao, trước mưa và tuyết.

Nghiên cứu tiếng hát của con sáo sậu và đường bay của con diều núi,

Và mỗi sáng tinh sương, được nghe giọng hát vô song của con sơn ca trên cành bách bên đầm,

Lẻ loi, tôi hát ở miền Tây, tôi bắt giọng để ngợi ca một Thế Giới mới.

2

Thắng lợi, đoàn kết, tin tưởng, đồng nhất, thời gian,

Những bản hợp đồng không bao giờ tan rữa,

Những của cải và sự huyền bí,

Sự tiến bộ không ngừng, các thiên thể và tình hình mới nhất.

Sau đây là một số suy nghĩ của Whitman:

- Tồn tại, không cần gì khác nữa, thế là đủ!

Được thở, thế là đủ!

Vui, vui! Niềm vui ở khắp mọi nơi.

- Hãy ra sức cưỡng lại, hãy ít vâng lời.

Ngay từ khi ta ngừng phản kháng sự lệ thuộc thì ta sẽ hoàn toàn bị phục tùng.

Và một khi đã hoàn toàn phục tùng, không một dân tộc nào, không một quốc gia nào, không một thành thị nào, sau đó sẽ không bao giờ lấy lại được tự do.

- Là triết gia, không phải chỉ là có tư tưởng tinh tế, cũng chẳng phải là lập ra một trường phái, mà là yêu sự minh triết đến mức sống theo những đòi hỏi của minh triết: một cuộc sống giản dị, độc lập, bao dung, tin tưởng.

- Tất cả những cái đẹp đều xuất phát từ dòng máu đẹp và bộ óc đẹp.

- Tại sao lại có những ước muốn? Tại sao lại có những ý nghĩ nảy ra vào ban đêm? Tại sao sự có mặt của một số người đàn ông và đàn bà cụ thể bên ta, lại khiến cho mặt trời trong dòng máu của ta bừng lên?


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn