Cảo thơm lần giở: Washington nghĩ gì?

15-12-2016 4:54 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Washington (Oasintơn), (1732-1799) đi vào lịch sử Mỹ như một nhân vật huyền thoại; tên ông được dùng để đặt tên cho Thủ đô Hoa Kỳ ngay từ hồi ông còn sống, từ năm 1791.

Washington (Oasintơn), (1732-1799) đi vào lịch sử Mỹ như một nhân vật huyền thoại; tên ông được dùng để đặt tên cho Thủ đô Hoa Kỳ ngay từ hồi ông còn sống, từ năm 1791. Trong các bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, chỉ có mỗi một bang mang tên người sau thời kỳ thực dân, tên của Washington. Có tới 32 bang có tên quận là Washington. Có một ngọn núi mang tên Washington. Du khách đến Núi đen (Black Hills) ở bang South Dakota sẽ thấy chân dung Washington cao 18m tạc trên một ngọn núi cùng 3 vị tổng thống khác. Giữa thế kỷ XX, trong tất cả các bang của Hoa Kỳ, ngoài chúa Giesu, chỉ có nhân dịp sinh nhật một người, Washington, là toàn quốc được chính thức nghỉ một ngày (ngày 22 tháng Hai). Ngày ấy, bao giờ cũng có một bài diễn văn kỷ niệm, lời văn thường mỹ miều. Một trong những bài này trở thành cổ điển do E.Everett (Evơrit) soạn, nhan đề Nhân cách Washington... Nhân dịp quyên góp để mua nhà của Washington làm Bảo tàng cho ông, Everett đã đi khắp nước trong bốn năm (1856-1860) đọc bài diễn văn dài 2 tiếng đồng hồ ấy 129 lần, thu được tiền quyên là chín vạn đô-la.

Chắc chắn là trong số các danh nhân Hoa Kỳ được thần thoại hóa, Washington có một vị trí cao hơn hẳn.

Tổng thống George Washington

George Washington

George Washington, thời Pháp thuộc thường đọc theo âm Hán - Việt là Hoa Thịnh Đốn, là một chủ đồn điền, một kỹ sư đo đạc, một sĩ quan, một chính khách được coi là cha đẻ của nước Hoa Kỳ.

Chiến hữu của Washington là Trung tá Henry Lee (Henry Li), biệt danh là “Khinh Kỵ Harry”, đã tóm tắt cuộc đời của bạn mình trong một câu nổi tiếng: “Người đứng đầu trong chiến tranh, người đứng đầu trong hòa bình và người đứng đầu trong lòng nhân dân”.

Đứng đầu trong Chiến tranh Độc lập: Washington là Tổng chỉ huy quân đội các thuộc địa của Anh  nổi dậy chống lại mẫu quốc. Quân của ông ít hơn, kém kỷ luật hơn, trang bị tồi hơn quân Anh, bản thân ông cũng là một nhà chiến lược không giỏi. Nhưng nhờ có nghị lực phi thường, nhờ dũng cảm, ông đã vượt qua những thất bại; ông đã nâng cao được tinh thần chiến đấu, biết khai thác những thắng lợi. Cuối cùng, nhờ có sự giúp đỡ của viện quân Pháp do Rochambeau (Rôsăngbô) chỉ huy, ông đã buộc quân đội Anh, lúc đó là quân đội mạnh nhất thế giới, phải đầu hàng ở Yorktown năm 1781.

Đứng đầu trong hòa bình: sau khi thắng trận, tướng Washington muốn rút lui hẳn khỏi chính trường. Nhưng vì nước cộng hòa non trẻ khó khăn quá, ông lại được mời ra làm vị Tổng thống đầu tiên 1789-1797. Đã có lúc, có người có ý định tôn ông lên làm vua, nhưng ông từ chối. Ông phải đứng ra tổ chức Chính phủ đầu tiên và đặt ra những nếp làm việc: “Tôi đi tiên phong trên mảnh đất chưa có ai đặt chân”.

Đứng đầu trong lòng nhân dân: điều này chưa hẳn hoàn toàn đúng, nhất là vì trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, Washington có khá nhiều kẻ thù và người không đồng tình do cách ông giải quyết mấy vụ lôi thôi. Năm 1794, ông đã cho quân dẹp một cuộc nổi dậy chống thuế của nông dân vùng Pennsylvania. Cũng năm ấy, ông thỏa thuận ký với Anh một hòa ước mà có dư luận cho là quá ư nhượng bộ.

Trong 10 năm cuối đời, Washington bị những địch thủ chính trị chửi bới và vu cáo không ngừng, trong số đó có cả những người ủng hộ Jefferson. Báo Aurora cảnh cáo ông: “Thưa ông, ông nên biết là nhân dân Mỹ chỉ có thể xử tử một kẻ đã đóng vai thoán nghịch”. Năm 1797, khi ông hết nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai, có báo viết: “Tất cả mọi trái tim đều đập cùng điệu, nhân dân được tự do và sung sướng. Chúng ta vui sướng vì bắt đầu từ hôm nay, tên tuổi của Washington thôi không còn được dùng để đảm bảo cho sự bất công chính trị và sự tham nhũng được hợp pháp hóa”. Sau khi ông chết (14/12/1799), tên tuổi của Washington còn là đối tượng luận chiến sôi nổi, người ta nghi ngờ về sự sáng suốt chính trị của ông và còn đặt cả vấn đề về sự thanh liêm của ông.

Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những tiếng xấu ấy tan đi rất nhanh, quá nhanh. Đối với thế hệ đầu tiên sau khi ông chết, ông trở thành một vị thần minh đầu thai vào người Mỹ.

Tại sao có sự thay đổi nhanh chóng ấy? Nhà sử học Mỹ Daniel Boorstin (Đaniơ Boxtin) giải thích là Hoa Kỳ cần có một anh hùng quốc gia xứng đáng làm thần tượng. “Ở châu Âu, một sự thần thánh hóa như vậy đòi hỏi hàng thế kỷ lịch sử. Ở Mỹ chỉ cần vài thập kỷ”. Quá trình thần thánh hóa đi từ huyền thoại đến lịch sử: khi các dân tộc giác ngộ được bản sắc của mình thì họ cố tìm những nét lịch sử để khẳng định những nhân vật huyền thoại của mình là có thật. Thí dụ như Del Jeanne d’Arc (Gian Đa) của Pháp. Quá trình thần thánh hóa của một anh hùng dân tộc ở Mỹ lại ngược lại, đi từ lịch sử đến huyền thoại: Washington là một nhân vật lịch sử, phải tìm cho ông những nét huyền thoại.

Người có công đầu tạo ra huyền thoại Washington là Mục sư Weems (Uimz), người đầu tiên viết cuốn Cuộc đời Washington, xuất bản ít lâu sau khi Tổng thống chết. Weems là một mục sư huênh hoang, sau đi bán sách để kiếm sống, đồng thời đi các tỉnh miền Nam để thuyết giáo về chống rượu chè. Cộng tác cùng một nhà xuất bản, ông đã đi lang thang hàng chục năm đưa xe đến các phiên chợ quận hay vào các làng hẻo lánh để bán Kinh thánh và sách luân lý; thỉnh thoảng ông kéo vĩ cầm kèm thêm thuyết giáo hay dăm câu pha trò tục tĩu để khách hàng chú ý. Ông cũng sáng tác sách dạy luân lý rẻ tiền, sách tiểu sử các vĩ nhân đương thời.

Nhà sử học Barry Schwart (Bary Svacz) nghiên cứu về sự tôn sùng Washington trong thế kỷ XIX, cho là rất nhiều người Mỹ thích Washington không phải vì ông đạo đức cao xa, thánh thiện, mà chính vì ông biết nhận ra lỗi và sửa lỗi. Điều này có thể được minh họa trong chuyện Chú bé Washington chặt cây anh đào; một chuyện mà em bé học sinh Mỹ nào cũng biết và hiểu ý nghĩa. Chuyện kể là Washington khi còn nhỏ đã trót dại chặt cây anh đào ở nhà bằng chiếc rìu con. Bố hỏi: “Con có biết ai chặt cây anh đào của bố không?”, chú bé đáp: “Con ạ. Con không thể nói dối được”. Ông bố rất tự hào, ôm hôn con; ông đánh giá là một đứa trẻ thật thà còn quý hơn tất cả các lò nướng đầy bánh anh đào.

Weems đã bịa ra những chuyện tương tự như chặt cây anh đào, phù hợp với tâm lý nhân dân, trong cuốn Cuộc đời Washington vào khoảng 200 trang. Trong 10 năm sau khi xuất bản lần đầu (20 lần tái bản khi Weems còn sống), sách bán được năm vạn bản, trong khi cuốn tiểu sử chính thức của Nhà nước chỉ bán được có 5.000. Sau đó, nhiều bản tiểu sử khác về Washington và những trước tác của ông cũng được xuất bản.

Sau đây là một số suy nghĩ của Washington:

- Hãy cư xử có lễ độ với tất cả mọi người, nhưng chỉ nên thân mật với một số ít, và hãy lựa chọn kỹ càng con người mà ta đặt niềm tin vào họ.

- Tự do là một cây lớn nhanh, một khi nó đã bắt rễ.

- Ít người, dù có đức hạnh đến đâu, có thể cưỡng lại món lợi lớn hơn.

- Lương tâm là một tia nhỏ của ngọn lửa thần minh.

- Kỷ luật là linh hồn của quân đội, nó gây ấn tượng cho quân số ít, mang lại thắng lợi cho lực lượng yếu và làm cho mọi người phải thán phục.

- Bất cứ vị trí nào có thể phục vụ được đất nước, đều đáng tôn trọng.

- Một sự tự do xây dựng trên nền tảng hỗn loạn dễ dàng dẫn đến quyền lực độc đoán.

- Chính sách của chúng ta là không bao giờ đặt liên minh vĩnh cửu với bất cứ một cường quốc nào.

- Chuẩn bị chiến tranh là cách tốt nhất để giữ gìn hòa bình.

- Ngủ sớm và dậy sớm đem lại của cải, sức khỏe và sự minh triết.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH