Cảo thơm lần giở: Voltaire nghĩ gì?

19-01-2017 12:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời Pháp thuộc, khi còn nhỏ, tôi đã có dịp đọc vài chuyện của nhà văn Pháp Voltaire dịch sang tiếng Việt, - có lẽ do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch trong tủ sách rẻ tiền Âu Tây tư tưởng.

Độc giả Việt Nam thời đó thấy truyện hấp dẫn, lý thú, nhưng ít ai biết ý nghĩa tư tưởng và chính trị của tác phẩm ẩn dụ ấy.

Voltaire khi 24 tuổi do Catherine Lusurier vẽ.

Voltaire khi 24 tuổi do Catherine Lusurier vẽ.

Nhà văn triết gia Pháp Voltaire (Von-te-rơ, 1694-1778) là đỉnh cao của văn đàn Pháp và châu Âu thế kỷ 18, đến mức thế kỷ 18 còn gọi là thế kỷ của Voltaire. Ông thọ hơn tám mươi tuổi, suốt đời đấu tranh chống chế độ quân chủ chuyên chế áp bức và bất công. Ông đã vào huyền thoại ngay khi còn sống và là hiện thân của lý tưởng tôn sùng tính dân chủ và tự do.

Sau đây là một số tư tưởng của Voltaire:

Việc các tác giả cãi cọ với nhau là điều tốt cho văn học. Cũng như trong một chính phủ tự do, việc những vị quan lớn cãi cọ nhau và những tiếng kêu la của tiểu dân đều cần thiết cho tự do.

Hỡi các vị thần linh vĩ đại, hãy trừ diệt trên trái đất của chúng con những kẻ thích rẩy máu người.

Lao động đẩy lùi cho ta 3 nạn lớn: chán chường, tội lỗi và nhu cầu.

Nếu người ta sinh ra đã tự do, thì phải tự cai trị lấy; nếu có những bạo chúa thì phải truất ngôi chúng.

Nghĩ đến vũ trụ, tôi phân vân và không thể nghĩ là chiếc đồng hồ ấy tồn tại mà không có thợ đồng hồ.

Cần có sự cung kính đối với người sống; đối với người chết chỉ cần có sự thật.

Ai không thích thơ thì đầu óc khô khan và nặng nề.

Khi người ta đã mất hết, khi người ta không còn chút hy vọng nào, cuộc sống thành nhục nhã và cái chết là một nhiệm vụ.

Giờ phút ta ra đời là một bước tiến về cái chết.

Một cái tên sớm được nổi tiếng quả là một gánh nặng.

Giáo hoàng là một thần tượng mà người ta bị trói tay khi đến hôn chân ông.

Bạn ạ, thành kiến là những ông vua ngự trị kẻ tầm thường.

Ở bất cứ thời nào và nơi nào, công chúng đều thiếu sự công bằng. Horace đã từng than phiền về điều này vào thời hoàng đế La mã Auguste.

Tình bạn với một vĩ nhân là đặc ân của Thượng đế.

Nếu một tác giả làm tôi cảm động, thấy lý thú thì tôi sẽ không mè nheo, mà chỉ cảm thấy vui thích cái mà tác giả ấy đem lại cho tôi.

Cái khiến tôi tởm lợm nghề thầy cò là họ muốn nhét vào đầu óc tôi hàng mớ điều vô ích. Hãy đi thẳng vào sự việc! Đó là châm ngôn của tôi.

Một ông chúa tể thành Venice (xây trên mặt nước) có những nỗi buồn riêng, còn những bác chèo thuyền cũng có những nỗi buồn riêng của họ.

Chúng ta, sống trên một đống bùn nhỏ bé, chúng ta không thể quan niệm gì khác vượt quá những phong tục, tập quán của chúng ta.

Khổ thay cho những ai (cầm bút) mà không biết sức mình và sức sáng tác của mình. Phải biết sửa mình, dù là ở tuổi tám mươi. Tôi không thích những ông già tuyên bố: Ta đã thành nếp rồi...

Thà cứ liều cứu một kẻ nghi là tội phạm, còn hơn là kết án một người vô tội.

Không gì dễ bằng viết một quyển sách dở, có lẽ trừ việc viết một bài phê bình dở.

Đến một ngày kia, mọi việc sẽ tốt lành, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Ngày hôm nay mọi việc đều tốt lành, đó là ảo tưởng.

Thượng đế sinh ra đàn bà chỉ cốt để thuần dưỡng đàn ông.

Đàn ông nói chung giống như những con chó sủa ầm lên khi nghe thấy những con chó khác sủa ở đằng xa.

Chỉ có thể tha thứ một quyển sách dở khi nó cũng dạy được ta điều gì đó.

Người ta ai cũng bình đẳng. Khác nhau không phải do sinh đẻ mà chỉ là do đức hạnh. Chính đức hạnh khiến con người ngang hàng với các vị á thần và những ai phục vụ đất nước không cần tính đến tổ tông, đến dòng dõi tổ tiên.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn