Trong văn chương Đông Tây kim cổ, những chuyện tình hay nhất, cảm động nhất thường kết thúc bi thảm hay đượm nỗi buồn luyến tiếc. Ta hãy nhớ lại Romeo và Juliet, Tristan và Iseult, Thiên Thai, Nửa chừng xuân,...
Phản ánh quan niệm dân gian của ta “ở hiền gặp lành”, các truyện nôm của ta về tình duyên, kể cả Truyện Kiều, đều kết thúc có hậu.
Trong văn chương thế giới, không có chuyện tình nào đẹp hơn, nên thơ hơn là mối tình lãng mạn gắn bó hai nhà thơ Anh thế kỷ 19 Elizabeth và Robert Browning. Đây là chuyện có thật, không phải hư cấu. Mối tình của họ là một bài thơ. Mối tình ấy được thể hiện rất nên thơ trong phim Mỹ chiếu ở Hà Nội vào những năm 1930: tôi vẫn nhớ hình ảnh hai diễn viên Norma Shearer và Frederic March diễn hai vai chính rất thành công.
Vợ chồng Elizabeth và Robert Browning
Elizabeth Browning (I-li-dơ-bơth Brao-ninh) (1806-1861) là một nhà thơ nữ Anh, tên thời con gái là Miss Barrett. Bài thơ nổi tiếng của bà là: Tiếng khóc của những trẻ em, có tính chất xã hội và chính trị (phản đối việc bóc lột trẻ em trong các nhà máy). Bài này đã gây một tiếng vang lớn trong dư luận. Do sức khỏe kém, cha bà không muốn bà lấy chồng, bà đành bí mật tổ chức đám cưới với nhà thơ Robert Browning, kém bà 6 tuổi năm 1846. Ông này yêu thơ bà trước khi gặp bà. Cưới xong họ sang Ý ở, được 15 năm thì Elizabeth Browning mất. Mối tình say đắm, gần như thần bí ấy được thể hiện trong tập thơ Sonnetto của thiếu nữ Bồ Đào Nha (Sonnets from the Portuguese, 1850). Bà tự nhận là thiếu nữ Bồ Đào Nha vì chồng gọi mình như thế. O-ro-rơ Li (Aurora Leigh, 1856) là một truyện thơ không vần, gắn với cuộc đấu tranh tự do ở châu Âu, phần nào lý tưởng hóa thời ấy. Hai vợ chồng bà là hiện thân mối tình đẹp nhất trong giới văn học thế giới.
Robert Browning (Brao-ninh Ro-bớt) (1812-1889) sinh tại Camberwell thuộc London, mất tại Venezia, Ý. Ông là con một nhân viên nhân hàng. Ông làm thơ từ năm 12 tuổi. Sau tác phẩm đầu tiên Po-li-nơ (Pauline, 1833) có tính chất tự truyện, ông đã tự tạo một phong cách độc đáo. Thơ của ông tối nghĩa, sử dụng hình thức độc thoại, kịch tính được phản ánh qua nội tâm nhân vật. Nhà thơ lãng mạn, thấm nhuần tư tưởng lạc quan dễ dãi, lý tưởng hóa thời nữ hoàng Victoria, là thời tư sản Anh phồn thịnh. Pa-ra-xel-xơx (Paracelsus, 1835) là một tác phẩm thơ đối thoại triết lý về tình yêu và khoa học. Chuông và lựu (Bells and Pomegranates, 1842-1846) gồm nhiều bài thơ trữ tình. Tập thơ Đêm giáng sinh và ngày Phục sinh (Christmas Eve and Easter Day, 1850) thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với thế giới. Ông tả tình yêu vợ trong bài thơ Một lời nữa (One word more). Tác phẩm lớn nhất là Chiếc nhẫn và quyển sách (The ring and the book, 1868-1869) kể lại một câu chuyện giết người thời cổ La Mã).
Sau đây là vài ý nghĩ và tứ thư của cặp Browning:
l Nếu anh yêu em chẳng vì gì cả
Mà chỉ vì say đắm tình yêu
...
Thì hãy yêu em vì say đắm tình yêu, để cho vượt ra ngoài thời gian,
Mối tình ấy dài vô tận, không hề có báo động
l “Vâng!” Đêm qua em đã trả lời anh
“Không!” thưa ông, sáng nay em đã nói:
Những màu sắc lấp loáng dưới ánh sáng một ngọn nến
Không như hệt ánh sáng ban ngày.
l Mỗi niềm vui là một cái được,
Và cái được dù nhỏ đến đâu
cũng là một cái được.