Nhiều lần, ngồi vào bàn, tôi lại nhớ đến câu đầu bài thơ Nghĩa địa bên biển cả (Le Cimetière Marin) của Valéry:
Mái nhà yên tĩnh này, - mấy con chim câu đi lại,
Phập phồng sau rặng thông, giữa những nấm mồ.
Nhà thơ, triết gia, nhà văn Pháp Valéry (Va-lê-ry, 1871-1945) ví mặt biển lặng với mái nhà, ví những cánh buồm trắng với những con chim câu.
Tôi đã học bài thơ bất hủ này từ hồi ở Trường Bưởi.
Đây là bài thơ “tình cảm” nhất, “tự truyện” nhất, “hé mở” nhất của một nhà thơ nổi tiếng là “trí tuệ” và “khép kín”.
Nhà thơ đồng nhất mình với biển. Lúc đó vào đúng giữa trưa. Buổi trưa, biểu tượng cho sự bất động và vĩnh cửu, nó cũng biểu tượng cho vận động và ý thức. Biển gợi cho tác giả tư duy về cái chết và kêu gọi ông hành động. Cũng như biển phá vỡ sự im lìm đờ đẫn của mình, nhà thơ cuối cùng không chịu im lìm như những người chết ở dưới mồ, mà trở lại với vận động của cuộc sống.
Gió đã nổi lên! phải cố thử sống...
Valéry viết Nghĩa địa bên biển cả ở thành phố quê hương Sète (Xe-tơ), một thành phố cảng và chài lưới bên bờ Địa Trung Hải; nghĩa địa nhìn xuống biển, cũng là nơi ông yên nghỉ cùng những người thân.
Trong một chuyến đi miền Nam nước Pháp, tôi bị ám ảnh bởi bài thơ, nên quyết tâm tìm mọi cách đi thăm “Nghĩa địa bên biển cả”. Thời gian tuy gấp quá, anh bạn Perrot (Pê-rô) cũng chiều tôi, lái xe đưa tôi từ một làng gần Arles (Ac-lơ) xuống Sète, tới nơi đã 7 giờ tối. Cô bạn Nadia (Na-đi-a), em nữ phóng viên Barbara (Bac-ba-ra) của báo L’Humanité ở Hà Nội, đã đợi tôi trước cửa ga. Sau khi ăn cơm tối ở nhà mẹ cô, tôi đề nghị cô đưa đi xem “Nghĩa địa bên biển cả”. Gió biển thổi mạnh, hơi mưa. Tôi chỉ trông thấy thấp thoáng bóng đen của những cây thập tự in trên nền trời xám lạnh lẽo, chứ không phải là bầu trời xanh Địa Trung Hải dưới ánh trưa hè như trong bài thơ. Nhưng dù sao, tôi cũng lấy làm thỏa mãn để hôm sau dậy sớm rời Sète về Paris. Khi chia tay, cô bạn không quên tặng tôi một bộ tác phẩm của nhà thơ lớn quê hương cô.
Một hôm tôi hỏi Nguyễn Xuân Sanh, xem anh thích nhất bài thơ nào mà anh đã dịch. Anh gửi cho tôi bài Vuốt ve của Valéry. Tôi xin ghi lại sau đây:
Hãy nắm bàn tay anh
Trong bàn tay em ấm…
Khôn nguôi tình dịu thắm
Như quyện gió chao cành.
Chiếc nhẫn nạm ngọc hoa
Anh từng quen biết mấy
Nó tan trong run rẩy
Mắt liền nhắm thiết tha
Dài sao nỗi cảm thương
Như nền hoa bóng loáng
Tay vuốt ve thanh thản
Tìm gặp buồn yêu đương.
Hậu thế không tôn sùng Valéry như khi ông còn sống. Ông là “thi bá”, nhà trí thức cao siêu của nước Pháp và cả phương Tây trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Được coi là một “ngôi sao của trí tuệ”, ông được mời đi nói chuyện ở Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Úc, Thụy Điển; ông được các vua chúa, tổng thống, các nhà bác học, các nhà trí thức lỗi lạc đón chào nồng nhiệt. Thời Đức Quốc xã chiếm đóng Pháp, ông có thái độ rất đường hoàng. Ngay năm 1941, bài điếu văn của ông đọc trong tang lễ của nhà triết học gốc Do Thái Bergson là một hành động kháng chiến tinh thần đầu tiên ở Pháp. Khi chết, ông được quốc tang.
Ambroise-Paul-Toussaint-Jules Valéry (Paul Valéry) học luật, nhưng cũng đi sâu vào họa, toán, nhạc. Mới đầu, ông làm thơ tượng trưng. Nhưng rồi trong gần 20 năm (1898-1917), từ 27 đến 46 tuổi, ông nghỉ viết hoàn toàn để suy nghĩ. Năm 1894, ông làm biên tập viên ở Bộ Chiến tranh. Sau đó, ông làm cho Hãng Thông tấn Havas (Ha-vax). Năm 1917, ông lại hoạt động văn học và nổi tiếng. Năm 1927, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
Valéry đại diện cho trí thức tháp ngà, duy mỹ, đề cao trí tuệ, lý trí. Không tán thành nghệ thuật phi lý tính, ông theo đuổi lý tưởng cổ điển. Cắt liên hệ với hiện thực, ông đề cao thơ thuần túy. Mục đích thơ ông là dùng ngôn ngữ, không phải để trực tiếp phản ánh những tình cảm và cảm xúc, mà để diễn tả tổng hợp những cái đó và trọn vẹn tâm hồn, trí tuệ. Qua những bước đi của tư duy, ông phân tích diễn biến của tư duy sáng tạo.
Thơ ông súc tích đến khó hiểu, sử dụng tất cả những vần điệu, thể thơ, thủ pháp khó nhất, mài dũa từng chữ, tìm âm điệu rất công phu, hình thức cổ điển. Thơ ông có tác dụng phù phép người đọc. Tác phẩm chính của ông gồm có: Buổi tối với ông Teste (La Soirée avec M.Teste, 1896-1926), luận văn, Ông Teste tu luyện khắc kỉ tinh thần để tìm quy luật của trí tuệ; Nàng Pac-cơ (La Jeune Parque, 1917), bài thơ tả ba nàng Parque, là ba nữ thần biểu tượng những giai đoạn ý thức dần dần thức tỉnh; Ơ-pa-li-nôx hay Kiến trúc sư (Eupalinos ou l’Architecte, 1923), luận văn đề cao sáng tạo nghệ thuật có ý thức.
Sau đây là một số suy nghĩ của Valéry:
Những nền văn minh của chúng ta ngày nay biết là chúng ta không bất tử.
Chúng ta hãy làm cho chúng ta phong phú hơn bằng những cái chúng ta khác nhau.
Châu Âu sẽ có trở thành thực chất của nó hay không? Hoặc là vẫn giữ nguyên dáng dấp như ngày nay, nghĩa là: phần quý giá của vũ trụ địa cầu, viên ngọc của quả đất, bộ óc của một thân hình rộng lớn?
Lịch sử chứng minh tất cả cái gì người ta muốn. Lịch sử quyết chẳng dậy được gì hết, vì nó chứa đựng tất cả mọi thứ và cho những thí dụ về đủ mọi thứ. Lịch sử là sản phẩm nguy hiểm nhất mà hóa học của trí tuệ có thể chế ra được.
Ở mỗi thời đại kinh khủng của nhân loại, bao giờ cũng thấy có một vị ngồi ở một góc, cầm bút viết nắn nót và xâu chuỗi những viên ngọc.
Sự tồn tại của những nước láng giềng là yếu tố đề phòng duy nhất của các quốc gia, chống lại một cuộc nội chiến thường xuyên.
Kiên nhẫn, kiên nhẫn
Kiên nhẫn trong trời xanh
Mỗi phân tử của yên lặng
Là cơ hội của một quả chín!
Tình yêu - Yêu - Là bắt chước.
Người ta khác nhau bởi cái họ phơi bày ra và giống nhau bởi cái họ giấu đi.
Thơ phải là thiên đường của ngôn ngữ.
Pascal đã tìm thấy, chắc hẳn vì ông không tìm nữa.
Mọi hệ thống đều là một công cuộc của trí tuệ chống lại bản thân.