Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Tuân Tử nghĩ gì?

16-03-2018 21:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Câu hỏi luôn luôn đặt ra cho các nhà tư tưởng Đông và Tây là “Con người sinh ra thì bản năng tốt hay xấu”. Theo thuyết của Mạnh Tử và Roisseau (Pháp) thì người ta sinh ra là thiện.

Còn Sade (Pháp) cho là con người bẩm sinh chỉ tìm vui thú và vì thế sẵn sàng làm ác để hưởng lạc, còn theo Tuân Tử thì người ta sinh ra là ác. Nhà phân tâm học Áo Freud quan niệm là cái bản năng (vô thức và tiềm thức) gồm cả thiện lẫn ác.

Tranh vẽ Tuân Tử (312-230 Tr.CN)

Tranh vẽ Tuân Tử (312-230 Tr.CN)

Tuân Tử (Xun Zi, 312-230 trước Công nguyên) sinh vào cuối thời Chiến quốc, là một triết gia uyên thâm chủ trương tư tưởng “pháp trị”: chính trị lấy pháp luật và trừng phạt mà trị nước. Học thuyết này đối lập với “nhân trị” của Khổng - Mạnh, được phái pháp gia phát triển và thực hiện, đặc biệt dưới thời Tần Thủy Hoàng, do Tướng quốc Lý Tư áp dụng pháp luật một cách tàn khốc nên nhà Tần mất lòng dân mà mất nước. Sau đó, Nho học công kích pháp gia từ thời Hán cho đến cuối thế kỷ 19. Mãi đến đầu thế kỷ 20, một số học giả Trung Quốc chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ phương Tây mới đặt lại vấn đề và đề cao thuyết pháp trị của Tuân Tử để hiện đại hóa xã hội.

Tư tưởng Tuân Tử có nhiều yếu tố tiến bộ và khá hiện đại. Thuyết của ông đậm nét duy vật. Ông cho là trời không có ý thức, chỉ là một bộ phận của tự nhiên, tự nhiên phát triển theo quy luật khách quan, không do tác động của sự sáng suốt hay hèn mọn của người cầm quyền hay con người nói chung. Tự nhiên không quyết định vận mệnh, người có khả năng cải tạo bản thân và tự nhiên. Quỷ thần không chi phối được vận mệnh con người. “Khí” là vật chất cấu tạo vạn vật, người là sản vật cao nhất của vạn vật, tinh thần dựa vào thể xác. Về nhận thức luận: tri thức do kinh nghiệm cảm quan thông qua tư duy (tâm). Nhưng Tuân Tử quá đề cao lý tính, coi “tâm” và “vật” độc lập. Về logic học: khái niệm có gốc ở kinh nghiệm cảm quan, từ và khái niệm chỉ là phản ánh sự vật khách quan. Về luân lý: dục vọng sinh vật là bản năng con người, do đó sinh ra cướp bóc, tính người bẩm sinh là ác. Vì thế cần có lễ nghĩa, hình phạt. Tuân Tử tin là có thể giáo dục được con người, không cho rằng sự phân biệt giữa “quân tử” và “tiểu nhân” là do thiên tính. Theo ông, xã hội có tổ chức, mỗi người một trách nhiệm, tức là một “phận”, chế độ đẳng cấp, có vua tôi, sang, hèn là hợp lý (theo Từ điển Triết học Giản yếu - Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệt, Lê Hữu Tầng).

Sau đây là một số suy nghĩ của Tuân Tử, dịch theo bản tiếng Anh:

Tự kiêu và cực đoan gây tai họa cho con người.

Bản chất con người là ác và cái thiện chỉ được thể hiện trong những hành động có ý thức.

Mạnh Tử cho là người ta sinh ra đã có tính bản thiện. Tôi không đồng ý.

Tôi đã có lần kiễng chân để cố nhìn xa, nhưng tôi thấy là mình chỉ có thể nhìn thật xa khi trèo lên một chỗ cao.

Kẻ nào muốn đi hai con đường cùng một lúc thì sẽ chẳng đi đến đâu.

Người ta sinh ra đều có tính ghen tị và căm ghét. Nếu cứ buông thả theo chúng thì chúng sẽ dẫn đến bạo lực và tội ác và mọi ý thức về trung thực sẽ tiêu tan.

Khi ta thấy một cái gì mà ta thích, muốn ta phải mường tượng là với thời gian cái đó rất có thể bao gồm cả những điều đáng ghét. Khi ta thấy một cái gì dường như có lợi, ta phải mường tượng là sớm muộn cái đó cũng có thể dẫn đến tai hại.

Nếu người có đầu óc nhạy bén và ăn nói lưu loát thì nên giảm cho đúng mức sự sắc bén và cái lưu loát ấy trong hoạt động để nghỉ ngơi.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn