Cảo thơm lần giở: Tư Mã Thiên nghĩ gì?

10-09-2017 15:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tư Mã Thiên (Si-Ma-Qian hay Ssu-Ma-Chiên, 145 hoặc 135-86 trước Công nguyên) là sử gia xuất sắc, người mở đường cho phương pháp sử học Trung Quốc, đã để lại pho sử ký đồ sộ gồm 526.500 chữ, chia làm 130 chương.

Nhà sử học Tư Mã Thiên

Nhà sử học Tư Mã Thiên

Pho sử đó không những là lịch sử, chính trị, xã hội Trung Quốc từ khởi đầu đến thời Tư Mã Thiên, mà còn là lịch sử đầy đủ và tường tận về học thuật, văn hóa, văn học, cho đến truyện ký các nhân vật tiêu biểu nhiều tầng lớp, ngành nghề, như chính trị gia, triết gia, văn học gia, thương gia, hiệp khách... của mọi thời đã qua. Sử ký là pho chính sử đầu tiên của Trung Quốc, sau đó, trong hơn 2.000 năm, nhiều sử gia Trung Quốc khác đã theo phương pháp và phương hướng của Tư Mã Thiên xây dựng từng thời kỳ thành bộ Nhị thập tứ sử (24 bộ Chính sử), mà tập Sử ký của Tư Mã Thiên mang số một. Sử ký là một kiệt tác về lịch sử, đồng thời, nhiều chương cũng là một kiệt tác về văn học cổ điển Trung Quốc. Riêng về mặt này, những người nối gót Tư Mã Thiên trong Nhị thập tứ sử không ai theo kịp.

Tư Mã Thiên là người đất Long Môn (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây). Ông xuất thân từ một gia đình quan lại nhỏ. Cha là Tư Mã Đàm, làm chức Thái sử lệnh, chuyên cai quản việc chép sử ở triều đình, người rất uyên bác. Thuở nhỏ, Tư Mã Thiên học với cha, thông minh và chăm học. Lên 10 tuổi, ông đã thông cổ văn, 20 tuổi bắt đầu đi du ngoạn khắp miền Đông và miền Bắc, từ 23 đến 38 tuổi, nhân làm một số chức quan thường phải đi tuần du, ông đã đi gần khắp các miền đất nước; đến đâu có danh địa, danh nhân kim cổ, ông cũng điều tra, thăm hỏi tại chỗ và ghi chép kỹ lưỡng. 38 tuổi cha chết, để lại cho ông một di sản tư liệu ghi chép đồ sộ, tích lũy hơn 30 năm và một ý chí xây dựng một bộ sử cho dân tộc; đó cũng là lý tưởng của Tư Mã Thiên.

Sau 3 năm chịu tang cha, năm 41 tuổi, Tư Mã Thiên kế chức Thái sử lệnh của cha, do đó ông còn có tên là Thái Tứ Công. Năm sau, ông bắt đầu viết bộ Sử ký. Được 5 năm, vì mắc vụ “Lý Lăng”, ông bị nhục hình tuyệt đường sinh dục (Lý Lăng là một dũng tướng có nhiều công trạng với dân tộc và triều đình, cuối đời phải ra biên cương chống quân Hung nô xâm lược. Em vợ vua nhận lệnh đem viện binh tiếp trợ nhưng quá trì trệ. Lý Lăng thế cô lực kiệt, bị bắt rồi đầu hàng; triều đình bỏ qua tội thất ước của viện binh mà xử tội thậm tệ đối với Lý Lăng. Vì công lý, Tư Mã Thiên hết sức bênh vực Lý Lăng, do đó nhà vua nổi giận và Tư Mã Thiên mắc vạ). Sau khi bị nhục hình, rất uất hận, nhiều lần ông đã nghĩ đến tự vẫn; nhưng chí lớn chưa thành, ông chịu nhẫn nhục để hoàn thành pho sử trong hơn 10 năm. Tư Mã Thiên mất hồi nào, ở đâu, cũng không ai rõ.

Sau đây là một số đoạn trích trong Sử ký Tư Mã Thiên:

Muốn làm chính trị thì phải lo tiết kiệm trong tiêu dùng.

Khổng Tử nói: “Tôi nghe nói trong nước có làm việc văn thì thế nào cũng phải lo việc vũ, có việc vũ thì thế nào cũng phải lo chuẩn bị việc văn”.

Vui vì ở địa vị cao quý mà khiêm tốn với mọi người.

Ta chưa hề thấy có người nào yêu đức như yêu sắc đẹp.

Nếu ta làm sai thì trời bỏ ta! Trời bỏ ta!

Người học trò của Khổng Tử nói: Tôi nghe thầy nói “Người quân tử khi tai họa đến thì không sợ, khi phúc đến thì không mừng”.

Cái mà thật cứng, thì mài cũng không mòn; cái mà thật trắng thì nhuộm cũng không đen.

Ta không phải vỏ quả bầu, sao chỉ có thể treo lên mà không ăn.

Làm chính cốt ở chỗ làm cho người ở xa đến và người ở gần đi theo mình.

Khổng Tử đến Chu, muốn hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử nói: Những người ông nói đều tan xương nát thịt cả rồi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghênh ngang; không gặp thời thì như cỏ bông xoay chuyển. Tôi nghe nói: “Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta dường như không có hàng, người quân tử có đức tốt thì diện mạo gần như ngu si”.

Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hăm hở cùng cái chí tham lam đi. Những cái ấy đều không có ích gì cho ông. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi.

Lời của Trang Tử mông lung, phóng túng để thỏa ý mình, cho nên từ bậc vương công, đạt nhân trở xuống đều không ai biết quý trọng tài năng của ông. My Vương nước Sở nghe Trang Chu là người hiền, sai sứ mang hậu lễ đón ông để cho ông làm tể tướng. Trang Chu cười bảo sứ giả nước Sở:

“Nghìn vàng là lợi to, khanh tướng là ngôi quý đấy. Nhưng ông không thấy con bò lúc tế giao hay sao? Nó được ăn mấy năm, được cho mặc đồ vóc thêu để đưa vào nhà Thái miếu. Lúc bấy giờ, muốn làm con lợn nhỏ có được không? Ông đi ngay cho, đừng làm bẩn đến ta. Ta chỉ vui đùa trong nơi ngòi vũng để tự vui, không để cho kẻ có nước trói buộc, trọn đời không ra làm quan để thỏa chí ta”.

Khuất Nguyên. Sau khi bị thất sủng thì: “Khuất Nguyên đến bờ sông, xõa tóc đi, ngâm nga trên bờ đầm, sắc mặt tiều tụy, hình dung khô héo. Một ông cụ đánh cá, thấy hỏi ông ta:

- Ông là quan tam lư đại phu đấy phải không? Vì sao đến nông nỗi này?

Khuất Nguyên nói:

- Tất cả đời đều nhơ đục, chỉ một mình ta trong, tất cả mọi người đều say, riêng một mình ta tỉnh, cho nên bị đuổi.

Cụ đánh cá nói:

- Người thánh nhân không khư khư ở một vật, mà biết thay đổi theo đời. Tất cả đều nhơ đục sao ông không xuôi theo dòng làm cho sóng lên cao? Tất cả mọi người đều say, sao ông không nhai bã rượu và húp rượu? Vì cớ gì lại ôm ngọc cẩn, giữ ngọc du trong người đến nỗi bị đuổi?

Khuất Nguyên nói:

Tôi nghe nói, khi vua gội đầu xong thì người ta phủ mũ, khi vua tắm xong thì người ta giữ áo, lẽ nào để cái thân trong trắng bị vật làm cho nhơ bẩn đi. Ta thà gieo mình xuống sông Tương, chôn mình trong bụng cá, lẽ nào để cái bản chất trắng ngần của ta chịu bậm của đời.

Bèn làm bài phú Hoài Sa, đoạn ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà chết”.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn