Nhiệm vụ của chúng tôi là giới thiệu cho đoàn về văn hóa Việt Nam trước khi đoàn đi thăm các vùng ở đất nước ta.
Thành phần đoàn gồm những người lao động (giáo viên, y tá, nhân viên thư viện, linh mục). Có người phải để dành nhiều năm mới có đủ tiền một chuyến thăm Việt Nam. Trong đoàn có ông giám mục địa phận Verdun tên là Marcel Herriot. Verdun! Một cái tên lừng danh thế giới vì trong Thế chiến I, Tướng Pétin đã chặn đứng được cuộc tấn công ồ ạt của Đức từ 21/2 đến 15 tháng Chạp năm 1916. Trận này khiến gần 70 vạn người chết (360.000 Pháp, 335.000 Đức). Thành phố Verdun có trên 2 vạn dân, là một thành phố cổ, do các giám mục cai quản trong thời Trung cổ, mãi đến thế kỷ 16 mới sáp nhập vào lãnh thổ Pháp. Lúc này, địa phận Verdun có 20 vạn dân, 98% là giáo dân.
Nhà thờ Lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc đậm chất châu Âu và là một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội.
Trên canô đi thăm vịnh, tôi ngồi bên giám mục Marcel Herriot, ông khoảng 55 - 56 tuổi, tầm thước, lanh lẹn, cởi mở.
Tôi hỏi ông về tình hình Công giáo ở Pháp:
- Thưa ngài giám mục, trước khi được giới thiệu, tôi cứ ngỡ ngài là giáo sư hay bác sĩ gì đấy. Trong trí tưởng tượng của tôi, đức giám mục đi đâu cũng mặc áo lễ màu tím, đội mũ cao nhọn, đeo nhẫn thạch anh tím, cầm quyền trượng. Thấy ngài mặc thường phục thế này tôi thật ngạc nhiên.
Giám mục (GM): Có gì đáng ngạc nhiên đâu! Trong đoàn này, có mấy linh mục trẻ, ông thấy họ cũng đều mặc quần áo thường dân cả. Dĩ nhiên các vật biểu tượng vẫn có giá trị về ý nghĩa: cây quyền trượng nhắc nhở chiếc gậy của người chăn chiên, chiếc nhẫn tượng trưng cho cuộc hôn nhân suốt đời với lý tưởng của Chúa; cũng không nhất thiết là thạch anh tím cầu kỳ... Ông xem tôi đeo chiếc nhẫn bạc bình thường đây. Bản thân tôi chỉ có hai lần mặc y phục đại lễ, một lần khi tôi được phong giám mục, lần thứ hai là nhân tiếp đại sứ mấy nước Trung Quốc, Liên Xô, Anh...
- Ngài có thể cho biết, thói quen các linh mục, tu sĩ không mặc áo tu sĩ trong sinh hoạt xã hội đã phổ biến từ bao giờ và ngụ ý gì?
GM: Vào khoảng giữa những năm 1960 trở đi, vấn đề quần áo đối với người tu hành không còn là vấn đề chủ yếu nữa.
- Tức là trái với câu tục ngữ “Quần áo tạo ra tu sĩ” (L’habit fait le moine)?
GM: Đúng vậy! Tôi thấy có hai quan niệm về tôn giáo, về cái “thiêng liêng” (sacré). Tôi rất tâm đắc với nhà triết học Đức đầu thế kỷ 20, Rudolf Otto, ông đã đi sâu phân tích hiện tượng tôn giáo và đặt trọng tâm tình cảm về cái “thiêng liêng”. Ông phân biệt cái “thiêng liêng” dựa vào khiếp sợ, dọa nạt (tremedum) và cái “thiêng liêng” có tính hấp dẫn (fascinas). Cựu Ước có yếu tố thứ nhất, Tân Ước dựa vào yếu tố thứ hai.
- Có lẽ nhà triết học Bergson cũng đi theo hướng ấy khi ông phân biệt hai nguồn của luân lý và tôn giáo: “Luân lý khép kín” với tôn giáo tĩnh, “Luân lý mở” với tôn giáo năng động.
GM: Về mặt này, Bergson đi cùng hướng với Otto.
- Ngài thấy vai trò của đạo Thiên Chúa trong xã hội Pháp hiện đại thế nào trong khi các ý thức hệ, không cứ tôn giáo, đều ở tình trạng khủng hoảng hoặc cáo chung?
GM: Hằng năm, tôi nhận được ba bốn trăm thư, trung bình mỗi ngày một lá của thanh niên trong địa phận tôi. Những thư ấy nói lên sự mất đức tin, tình trạng hoang mang của họ, nhưng đồng thời vẫn có lòng ngưỡng mộ đối với Chúa Giê-su. Tôi nghĩ Phúc Âm mới phải có bộ mặt “fascinas” (hấp dẫn), nhập vào đời, không thể đứng trên đời, thực hiện bản thông điệp về tình anh em giữa tất cả mọi người trên thế giới, bất kể tôn giáo, chính kiến, màu da. Hiện nay, số con chiên đi nhà thờ bớt đi, số linh mục cũng hạ xuống, nhưng số người công giáo ngoài đời tình nguyện và được ủy nhiệm làm một số nghi lễ của linh mục, rửa tội, cầu kinh, tang lễ... tăng lên nhiều. Do đó, đạo vẫn có sinh khí!
- Ngài nghĩ gì về chế độ linh mục không lấy vợ?
GM: Trong lịch sử đạo Thiên Chúa, mới đầu linh mục có thể lập gia đình hoặc không. Nhưng rồi sau để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ Chúa, các linh mục tự nguyện không lấy vợ, điều này trở thành truyền thống, một biểu tượng hy sinh. Hiện nay, tòa thánh vẫn giữ nguyên hiện trạng như vậy. Nhưng sau này, nếu tòa thánh cho phép linh mục lấy vợ, tôi tán thành.
- Ngài sang Việt Nam mới được 3 ngày, hỏi cảm tưởng ngài e hơi sớm?
GM: Cũng đủ để tôi có những ấn tượng đẹp, mỗi ngày một khám phá. Thiên nhiên đẹp, con người dễ thương, phụ nữ đẹp mà dịu dàng, trẻ con thật đáng yêu, đó là nguồn vui của tôi. Hầu như mỗi nước, mỗi nền văn hóa đều mang dấu vết của Thượng đế.