Cảo thơm lần giở: Trang Tử nghĩ gì?

07-11-2016 09:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trang Tử (355-275 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại nổi tiếng không những ở Trung Quốc mà còn được khá phổ biến trên thế giới.

Trang Tử (355-275 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại nổi tiếng không những ở Trung Quốc mà còn được khá phổ biến trên thế giới. Tác phẩm của ông -  Nam Hoa Kinh - không những hấp dẫn về nội dung mà còn về bút pháp bay bổng, lập luận có thi vị, biện chứng và hoài nghi, vô chính phủ, phi lý tính, cá nhân chủ nghĩa khiến cho một số thanh niên, trí thức phương Tây tìm đọc.

Trang Tử là người đất Mông, làm quan nhỏ. Uy vương nước Sở biết ông là người có tài, cho mang nhiều lễ vật đến đón ông về làm Tướng quốc nhưng ông từ chối. Ông được coi là người kế thừa xuất sắc học thuyết của Lão Tử. Sách Trang Tử, còn gọi là Nam Hoa Kinh, gồm nhiều phần do chính tay ông viết, nhiều chương do học trò ông ghi lại. Trang Tử phát triển tư tưởng của Lão Tử theo nhiều hướng nên Lão học còn gọi là học thuật của Lão Trang. Ông bạn Tảo Trang tóm lược tư tưởng Trang Tử như sau:

“Đạo trời tự nhiên, không do Thượng đế chi phối, sống, chết là do khí tụ hay tan, không có quỷ thần sau khi chết. Khái niệm “đạo” của Trang Tử khác với Lão Tử: “đạo” là một thực thể thần bí, vật chất sinh ra từ chỗ hư vô không tồn tại, đạo sinh ra tinh thần ý thức, “khí” sinh ra “hình thể”. Về nhận thức luận, Trang Tử phát triển phép biện chứng của Lão Tử theo hướng tương đối luận, chủ nghĩa hoài nghi và bất khả tri. Theo Trang Tử, tri thức là chủ quan, không có chân lý khách quan, mọi vật luôn luôn biến hóa. Cuối cùng Trang Tử hoài nghi vật chất, phủ nhận tính chân thật của vận động, sự tồn tại của vạn vật chỉ là giả tưởng. Phải, trái, thiện, ác, lớn, nhỏ, sang, hèn, còn, mất, sống, chết rất tương đối và “như nhau”. Trang Tử khuyên người ta vứt bỏ phán đoán, thủ tiêu đấu tranh, đi tìm trong tinh thần một thế giới thần bí, không có sự phân biệt khác nhau. Về xã hội và luân lý, Trang Tử có quan điểm vô chính phủ, ông phát triển thuyết vô vi, chuyển sang xuất thế (thoát tục), bài bác luân lý, quan niệm “giải trí” về vũ trụ, chơi “tiêu dao”, sống, chết như nhau, trời đất cùng tồn tại, đời là cõi mộng, là cuộc giải trí, con người và vạn vật, khoáng vật, động vật, thực vật không khác nhau. Con người nên quên hết thân thể, cảm giác, tình cảm, lý tính, sự “hỗn độn” là cõi lý tưởng cao nhất của cuộc sống. Trang Tử tán dương chủ nghĩa mông muội, tiêu diệt đời sống loài người. Đối với tự nhiên, cứ thuận theo biến hóa khách quan, không dùng sức người để cải biến. Để giải thoát, tinh thần con người qua lại với tinh thần trời đất” (trích Từ điển triết học giản yếu - Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tầng).

Sau đây là một số tư duy của Trang Tử trong tập Nam Hoa Kinh - Nguyễn Văn Ba dịch (Nho văn giáo khoa toàn thư -1970):

Tiêu diêu du

Tiêu diêu hay tiêu dao có nghĩa là: dạo chơi, không bị bó buộc, đi đây đi đó. Tiêu diêu nói lên tâm hồn phóng khoáng, duệ trí gia nhập vũ trụ, siêu thoát khỏi những ý nghĩ tầm thường, nhỏ nhen.

Biển Bắc có con cá, tên nó là Côn. Côn lớn không biết mấy nghìn dặm. Cá này hóa làm chim, tên nó là Bằng, lưng của chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Vùng dậy mà bay thì cánh nó xòe ra như mây che rợp một phương trời. Con chim này, khi biển Bắc động thì bèn bay sang biển Nam, là ao trời.

Con ve và chim tu hú nhỏ cười mà rằng: “Ta quyết vù bay, đụng đến cây du, cây phượng, có lúc ắt không đến nơi mà rơi xuống đất thì thôi, chớ bay cao làm chi đến chín muôn dặm, sang qua Nam làm gì? Ta thích bay đến bãi cỏ gần nhà, ăn ba miếng trở về, bụng còn no phinh phính. (Còn ai kia) thích đi trăm dặm thì phải đem lương thực một đêm, thích đi ngàn dặm thì phải đem lương khô ba tháng.

Hai con vật ấy lại còn biết gì!

Tiểu trí sao bằng đại trí

Tuổi ít sao bằng tuổi nhiều

Lấy gì mà biết như thế?

Nấm buổi sáng làm gì biết được ngày cuối của tháng hay ngày đầu của tháng, ve sầu (sống có ba tháng) làm gì biết được xuân thu, đó thuộc về tuổi nhỏ. Phương Nam nước Sở có cây Minh Linh, lấy 500 năm làm xuân, lấy 500 năm làm thu, thưởng cổ có cây đại thung, lấy 8.000 năm làm xuân, 8.000 năm làm thu, đó thuộc về tuổi lớn. Còn ông Bành Tổ xưa nay đặc biệt nghe ông sống lâu, ai cũng đem ra mà so sánh, chẳng phải là bi thảm hay sao! (sống chỉ có 700 năm thôi).

Chân nhân

Thế nào là Chân nhân?

Bậc Chân nhân ngày xưa, không nghịch với kẻ yếu, không hùa với kẻ mạnh, không ham mộ kẻ sĩ. Người như thế, mất mà không tiếc, được mà không tự đắc. Người như thế, lên cao không sợ, xuống nước không ướt, vào lửa không cháy...

Bậc Chân nhân ngày xưa, ngủ không mộng, thức không lo, ăn không cần ngon, hơi thở thì thâm sâu... Người khuất phục người khác thì cổ nói như mửa, người hay tham dục tinh sâu thì máy trời càng nông cạn.

Bậc Chân nhân ngày xưa không biết vui sống, không biết ghét chết, lúc ra không hăm hở, lúc vào không tự do, thản nhiên mà đi, thản nhiên mà đến như thế thôi. Không quên lúc đầu, không cầu lúc chót, thụ đấy thì vui, mất đấy thì không buồn. Đó gọi là không lấy tâm mà tổn đạo, không lấy người mà giúp trời, đó là Chân nhân.

Nhờ được như thế, tâm họ vững vàng, cử chỉ điềm đạm, gương mặt bình thản, lạnh tựa mùa thu, ấm tựa mùa xuân, hỉ nộ thông với bốn mùa, hợp cùng sự vật không biết đến đâu là cùng. Bởi vậy, Thánh nhân dụng binh có thể làm mất nước người chứ không làm mất lòng người, làm lợi và ban bố ân trạch đến muôn đời mà không phải vì yêu người.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn