Cảo thơm lần giở: Tôn Dật Tiên nghĩ gì?

11-01-2019 12:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cách mạng Pháp 1789 là một sự kiện quan trọng đánh dấu thời hiện đại của nhân loại: 1789 đã phát đi trên thế giới một thông điệp có giá trị phổ biến về nhân quyền và quyền công dân.

Từ đó, tất cả các cuộc cách mạng trên thế giới đều dựa theo tinh thần tự do, bình đẳng và bác ái của cách mạng Pháp. Cách mạng Trung Quốc Tân Hợi (1912) do Tôn Dật Tiên khởi xướng cũng theo tinh thần 1789 với chủ nghĩa tam dân: dân tộc (độc lập), dân quyền (dân chủ), dân sinh (nâng cao đời sống của dân).

Tôn Dật Tiên (Tôn Văn; Tôn Trung Sơn, 1866-1925)

Tôn Dật Tiên (Tôn Văn; Tôn Trung Sơn, 1866-1925)

Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen; Tôn Văn; Tôn Trung Sơn, 1866-1925) là nhà chính trị, nhà tư tưởng Trung Quốc. Ông lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp tư sản. Sau nhiều năm lưu vong, ông trở về nước năm 1911 và lãnh đạo cách mạng. Trở thành tổng thống lâm thời nước Cộng hòa Trung Quốc. Khi Viên Thế Khải nắm quyền, ông rút lui và thành lập Quốc Dân Đảng, lãnh đạo Chính phủ quân sự ở Quảng Đông (1917-1918). Ông là tổng thống Chính phủ Cộng hòa năm 1921. Ông chủ trương liên minh với Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc, có xu hướng chủ nghĩa xã hội không tưởng. Về tư tưởng, ông dựa vào thuyết tiến hóa của Darwin, do có tư tưởng duy vật chủ nghĩa, cho tinh thần chỉ là hiệu quả của vật chất, nhưng đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng của “giáo dục tinh thần” đối với cách mạng. Ông chống luận điểm “tri hành hợp nhất” của Vương Dương Minh, chủ trương “làm trước biết sau”, “không biết cũng có thể làm”, cho hoạt động thực tiễn là con đường tất yếu.

Ông chia quá trình nhận thức làm 3 thời kỳ: 1) Không biết mà làm; 2) Làm rồi mới biết; 3) Biết rồi mới làm.

Sau đây là một số suy nghĩ của Tôn Dật Tiên:

- Của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân.

- Một cá nhân không nên có nhiều tự do, nhưng một dân tộc cần phải có tự do tuyệt đối.

- Trong cuộc xây dựng đất nước, không khó tìm người thực hành, nhưng khó tìm người có lý tưởng và người đề ra kế hoạch (chương trình).

- Cả thế giới là một gia đình.

- Nếu tư tưởng cách mạng muốn thắng được, nó phải thực hiện bằng khai sáng chính trị (enlightement), chứ không thể nào cố dùng vũ lực mà gò ép được.

- Dân tộc Trung Hoa chỉ biết có gia đình và sự đoàn kết của bộ tộc. Họ không có tinh thần dân tộc, họ chẳng qua chỉ là một đống rời rạc.

- Chỉ có nhân dân hùng mạnh mới có tự do.

- Chiến tranh giai cấp không phải là động lực của tiến bộ xã hội. Nó là một thứ tật bệnh phát triển trong quá trình phát triển xã hội.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn