Giao lưu văn hóa Đông - Tây có những ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị. Xin lấy ví dụ sợi dây vô hình nối Hồ Chí Minh (1890-1969) - Gandhi (1869-1948) - Thoreau (1817-1862) qua không gian và thời gian (Việt - Ấn - Mỹ).
Chúng ta còn nhớ khi bắt đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp, áp dụng chiến lược chiến tranh nhân dân, Hồ Chủ tịch kêu gọi người dân không đóng thuế, không đi lính cho Pháp, bất hợp tác với chính quyền thực dân Pháp. Mặc dù ông không theo thuyết bất bạo động (Ahimsa) của lãnh tụ và triết gia Ấn Độ Gandhi mà ông ngưỡng mộ khi còn hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh hẳn đã rất gần với chiến thuật bất hợp tác với thực dân của Gandhi. Nếu ngược dòng lịch sử về điểm này, Gandhi đã chịu ảnh hưởng Thoreau, điều mà các nhà sử học đã khẳng định.
Thoreau là một tác giả Mỹ viết tiểu luận và làm thơ sống vào thế kỷ XIX. Sinh thời, tác phẩm của ông ít ai đọc, nhưng lại có rất nhiều độc giả sau khi ông chết và có ảnh hưởng mãi cho đến ngày nay. Là một triết gia bạn của thiên nhiên và yên tĩnh, ông là đồ đệ và bạn của triết gia Mỹ Emerson, người đẻ ra thuyết siêu việt (hoặc tiên nghiệm luận), một thuyết phiếm thuần chủ trương chiêm ngưỡng qua trực giác và xuất thần để thâm nhập bản chất sự việc.
Thoreau chủ trương tự do cá nhân tuyệt đối, mỗi công dân phải sống theo lương tâm của riêng mình, có quyền phản kháng lại đa số nếu đa số hành động vô nguyên tắc. Tư tưởng đó thể hiện rõ nhất trong bản luận văn nổi tiếng về thái độ bất hợp tác của công dân kháng lại chính quyền một cách ôn hòa (Civil Disobedience, 1849). Đi sâu hơn nữa, thì Thoreau chịu ảnh hưởng của tôn giáo: những người Thanh giáo Anh di cư đầu tiên sang Mỹ, đặc biệt giáo phái Quaker, đề cao lương tâm cá nhân, sống theo Kinh Thánh, nên nhiều tín đồ phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Kinh Thánh đã dạy: “Người không được giết người, mỗi người là một sinh linh của Thượng đế”.
Quá trình ảnh hưởng của văn hóa - chính trị Thoreau - Gandhi - Hồ Chí Minh đã phản hồi thành Việt Nam (Hồ Chí Minh) - Mỹ (Thoreau) do chiến tranh Mỹ ở Việt Nam (1965 - 1975). Cập nhật hóa lập luận của Thoreau về quyền công dân không tuân lệnh trên khi lệnh ấy sai trái, những người Mỹ phản chiến đã chống thuế và chống quân dịch. Người chống thuế (tax resister), chống quân dịch (draft dodger) rất đường hoàng theo tiếng gọi của lương tâm, chứ không phải trốn thuế, trốn đi lính vì thiếu tiền hay sợ hãi.
Sau đây là một số suy nghĩ của Thoreau:
Tôi đã giàu, không phải là tiền, ít nhất cũng là những giờ phút nắng rực rỡ những ngày hè mà tôi tha hồ tận hưởng.
Tôi tự hỏi không biết thế giới hiện nay đang làm gì. Thế là đã 3 tiếng đồng hồ rồi tôi không hề nghe thấy một con châu chấu nào trong đám dương xỉ.
Tôi cảm thấy lành mạnh khi chỉ có mình với mình trong đa số thời gian. Tôi thích ở một mình.
Chỉ có một thứ thuốc trị được tình yêu: đó là yêu nhiều hơn nữa.
Đối với những người chúng ta yêu đương thì chúng ta có thể ghét bỏ. Còn đối với những người khác thì chúng ta dửng dưng.
Kẻ đi áp bức không nhận thấy cái tai hại của sự áp bức chừng nào mà người áp bức chấp nhận sự áp bức.
Thế giới không kém vẻ đẹp khi được nhìn qua kẽ hở hay lỗ hổng của một tấm ván.
Là triết gia là phải giải quyết một vài vấn đề của cuộc sống không những về lý thuyết mà còn cả về thực hành.
Chưa bao giờ luật pháp đã khiến cho con người công minh thêm một mảy may, mà người ta chỉ công minh hơn khi tôn trọng luật pháp.
Điều mà mỗi người nghĩ về bản thân mình, đó là cái định hướng hay đúng hơn chỉ rõ thân phận của họ.
Không gì đáng sợ hơn là bản thân sự sợ hãi.
Ngươi phải sống trong hiện tại, xông lên đón mỗi ngọn sóng, tìm thấy sự vĩnh cửu của ngươi ở trong mỗi khoảnh khắc.
Nuôi dưỡng sự tôn trọng cái thiện còn hơn là sự tôn trọng luật pháp.
Kinh nghiệm ngự trị trong bàn tay và đầu óc. Còn trái tim thì không có kinh nghiệm.
Đa số con người thích có quần áo hợp thời trang, hay ít nhất sạch sẽ không bị vá víu hơn là thích có một lương tâm trong sạch.
Cái ta gọi là chịu đựng chẳng qua chỉ là sự thất vọng được khẳng định.
Chúng ta không thể nào tránh khỏi tội lỗi, vì đó là con đường lớn dẫn đến đức hạnh.
Hầu hết ai cũng biết kiếm tiền, nhưng trên một triệu người khó có một người biết tiêu tiền.