Cảo thơm lần giở: Thomas Mann (1875 - 1955) nghĩ gì?

20-05-2016 08:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm 1938, vào tuổi 20, tôi học Ban tú tài Triết học Trường Bưởi. Năm ấy tình hình thế giới đã căng thẳng, chủ nghĩa phát-xít khởi sắc...

Năm 1938, vào tuổi 20, tôi học Ban tú tài Triết học Trường Bưởi. Năm ấy tình hình thế giới đã căng thẳng, chủ nghĩa phát-xít khởi sắc, báo hiệu chiến tranh thế giới thế nào cũng có cuộc chiến Pháp-Đức. Thầy Pháp Lucas dạy chúng tôi lịch sử hiện đại Pháp từ cách mạng 1789 (chương trình không có lịch sử Việt Nam) là người điềm đạm, dễ thương. Về quan hệ Pháp-Đức, ông phân tích sự đối đầu thù địch dai dẳng (còn nhớ thầy viết lên bảng tiếng Đức “thù địch” là FEIND). Thầy không ngờ là sau Thế chiến II thì sự thành lập EU (Liên minh châu Âu) mới chính thức xóa bỏ được mối hận thù truyền kiếp ấy. Ngay trước đó, đã có một số nhà tư tưởng và nhà văn Pháp cũng như Đức đấu tranh quyết liệt cho dân chủ, cho hòa bình thế giới, phản chiến, đòi hỏi hòa hợp các dân tộc. Nổi lên trong số đó hai văn hào lớn, phía Pháp có Romain. Rolland (Giải Nobel 1916), đặc biệt chống Thế chiến I, phía Đức có Thomas Mann (Giải Nobel 1929), chống Thế chiến II.

Thomas Mann (Man Thô-max) là nhà văn hào Đức nổi tiếng thế giới. Ông là con một nhà buôn lớn, em ruột nhà văn Heinrich Mann, theo chủ nghĩa xã hội. Năm 25 tuổi, ông viết một cuốn tiểu thuyết dày 800 trang: Gia đình (Buddenbrooks, 1901) sau này mang lại cho ông giải thưởng Nobel. Năm 1933, ông sang Mỹ, chống phát xít Đức. Sách của ông bị cấm và bị đốt dưới thời Hít-le. Năm 1949, ông dự lễ kỷ niệm Goethe ở Đông và Tây Đức. Năm 1952, ông sang ở Thụy Sĩ cho đến khi qua đời. Năm 1955, ông dự lễ kỷ niệm Schiller ở Đông và Tây Đức. Ông là một nhà viết tiểu thuyết, truyện và luận văn có tư tưởng nhân đạo, dân chủ, chống phát xít. Ông thông cảm với Chủ nghĩa Cộng sản và Cách mạng vô sản Nga. Ông đại diện cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc Đức. Ông miêu tả quá trình suy sụp của tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý, thích đi sâu vào các khía cạnh bệnh hoạn, cái phù du và cái chết. Khác với anh Heinrich, Thomas Mann không rời bỏ lập trường giai cấp tư sản mình. Quá trình trưởng thành chính trị của ông hạn chế: thời gian chiến tranh 1914-1918, ông có thái độ bảo thủ, bênh vực lập trường của Hoàng đế Đức. Sau đó, ông theo con đường dân chủ để bảo vệ những giá trị văn hóa tư sản tốt đẹp. Văn của ông đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ: chính xác, gọt giũa, dùng cả từ ngữ nước ngoài, sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học. Một số truyện trong giai đoạn đầu của ông viết về sự tha hóa và suy sụp của người nghệ sĩ trong xã hội tư sản: Tristan (1901), Tonio Kroeger (1903). Tiểu thuyết Gia đình (Buddenbrooks, 1901), có tính chất tự truyện, miêu tả sự suy sụp của một gia đình thương nghiệp qua bốn thế hệ trong bối cảnh cạnh tranh của tư sản đế quốc chủ nghĩa. Sự suy sụp thể hiện trên các mặt doanh nghiệp, đạo lý, văn hóa, qua một bức tranh tâm lý xã hội, có những nét của chủ nghĩa tự nhiên. Cuốn Núi kỳ diệu (Zauberberg, 1924), tiểu thuyết lấy khung cảnh một nơi dưỡng bệnh của thượng lưu tư sản quốc tế ở Thụy Sĩ, cắt đứt thực tế bên ngoài, từ 1907 đến 1914, khi chiến tranh bùng nổ, các nhân vật tranh luận về chính trị và tư tưởng và qua đó làm nổi bật sự suy sụp của giai cấp tư sản ăn bám và văn minh phương Tây. Ngay từ năm 1929, truyện Mario và tên phù thủy đã nêu họa phát-xít và tiên đoán sự kết thúc của nó. Bộ tiểu thuyết 4 tập Joseph và anh em (1933-1943), xuất bản trong thời kỳ ông sống lưu vong ở Thụy Sĩ và Mỹ, mượn một sự tích của Cựu ước để làm nổi bật vai trò và ý nghĩa lao động tạo ra hạnh phúc xã hội. Tiểu thuyết Lotte ở Weimar (1939) đưa ra một hình ảnh nước Đức tư sản tiến bộ khác với nước Đức Quốc xã: viết về Goethe và đưa ra quan niệm thế giới của Goethe. Bác sĩ Fautus (1947) viết về một nhạc sĩ bán linh hồn cho quỷ để đổi lấy một bản nhạc siêu phàm và Tâm sự nhà tư sản công nghiệp (1954) là những tiểu thuyết đánh dấu giai đoạn sáng tác cuối đời của ông.

Sau đây là một số tư duy của Thomas Mann:

Trẻ, có nghĩa là hồn nhiên, là gần với nguồn sống, đứng lên và phá tan xiềng xích của một nền văn minh lỗi thời, dám làm điều mà người khác không có gan làm. Nói tóm lại là đắm mình trong cái cốt yếu.

Cái chết của một người là việc của người sống hơn là của người chết.

Tất cả cái gì mà một người cha có thể làm cho con cái là làm gương.

Cái gì thích hợp với con người thì là cái thật.

Thói quen là sự ngái ngủ, hay ít nhất là sự suy yếu của ý thức về thời gian.

Độc ác là tinh thần của sự phê phán và sự phê phán là gốc rễ của sự tiến bộ và những ánh sáng của văn minh.

Sự tiếp xúc sớm và nhiều lần với cái chết dẫn tới một tình trạng tư tưởng khiến ta tế nhị hơn, nhạy bén hơn với những nỗi cay đắng, sự hèn hạ hay nói thẳng là sự trắng trợn của cuộc đời.

Ôi! Tình yêu chẳng là cái quái gì nếu không có sự điên rồ, một cái gì đó vô lý, bị cám dỗ vào một cuộc phiêu lưu trong cái xấu. Nếu không sẽ chỉ là một sự nhàm chán thú vị, có thể dùng làm đề tài cho những bài ca ngắn, bình thản trên những cánh đồng.

Viết tốt có nghĩa gần như là nghĩ tốt và từ đó gần đi tới chỗ hành động tốt.

Không có gì đau đớn bằng khi phần con vật trong ta, cái phần cơ thể của ta ngăn cản ta phục vụ lý trí của ta.

Nghệ thuật không phải là sức mạnh, nghệ thuật chỉ là một sự an ủi.

Một cái kim nhỏ đo thời gian của chúng ta, nó nhảy nhót hình như để đo từng giây trong khi nó chỉ ra cái gì, chỉ có trời mới biết được, một cách lạnh lùng và không ngừng nó vượt qua điểm cao nhất.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn