Thế mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926), người theo giáo lý diệt dục, ngang nhiên ca ngợi Truyện Kiều trong cuốn Thả một bè lau. Vì ông đọc Kiều và thưởng thức Kiều theo nhãn quan Thiền tông, một giáo phái không coi trọng hình thức và không giáo điều, chỉ tìm cái cốt lõi. Theo Thích Nhất Hạnh, nếu có “chánh niệm”, đem những khổ đau, luân lạc và gian truân của mình ra đọc Truyện Kiều, chúng ta cũng có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy, đọc Truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu... Ta có thể học được bài học của khổ đau và kinh nghiệm. Nếu biết cách đọc, ta có thể học được rất nhiều từ Truyện Kiều như học từ một cuốn kinh. Và Truyện Kiều sẽ không phải là một dâm thư, mà là kinh điển.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Thả một bè lau tuy không phải là tác phẩm quan trọng nhất của Thích Nhất Hạnh nhưng cũng phản ảnh tính cách của ông về những điều sau đây:
1. Ông không tách đạo và đời, không tu như một ẩn sĩ mà tu trong đời. Trong cuốn tiếng Việt Hoa sen trong biển lửa (Lotus in the fire sea), ông đã nói rõ lập trường “phật giáo dấn thân” (engaged Buddhism).
2. Muốn giúp đời, ông không ngại đề cập đến những vấn đề kiêng kỵ nhưng phổ biến.
3. Ông có tinh thần dân tộc rất cao và đúng đắn. Ông dùng chữ “Bụt” nhiều hơn là chữ “Phật”, vì bụt là tiếng dân gian mà gần chữ “Buddha” hơn là Phật, phiên âm theo tiếng Trung Quốc. Ông quan tâm đến các vấn đề xã hội và văn hóa Việt Nam.
4. Ông muốn phổ biến những phương pháp giản dị, dễ làm, thí dụ: về hơi thở, về cách làm tan cơn giận để mọi người có thể sống tốt hơn. Lập luận của ông cụ thể, dựa vào thể nghiệm cuộc sống hằng ngày của mọi người nên tính thuyết phục cao. Ở phương Tây, thuyết giảng của ông thu hút rất nhiều công chúng. Ông đưa ra cách thực hành “chánh niệm” - sự lưu tâm đúng đắn (tiếng Anh: mindfulness) được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác và tâm lý người phương Tây.
5. Theo truyền thống thiền sư Lý - Trần, ông còn làm thơ, có tâm hồn nghệ sĩ và dạy văn chương ở đại học. Ông vận động cho hòa bình để chấm dứt nhiều cuộc chiến trên thế giới.
6. Ông là một thiền sư hiện đại, uyên thâm, biết nhiều ngoại ngữ, hoạt động trong nước và quốc tế. Ông viết sách, thuyết giảng tại nhiều nước bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông làm phong phú giáo lý Phật giáo bằng áp dụng nhiều tư tưởng và khoa học tâm lý xã hội hiện đại, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh.
Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo) sinh ra ở Thừa Thiên Huế. Ông xuất gia năm 16 tuổi. Hiện nay, ông là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma (thứ 14 - Tây Tạng).
Xuất phát từ chùa Từ Hiếu, Thích Nhất Hạnh trở thành ông tổ của nhánh Từ Hiếu đời thứ tám.
Ông từng là Tổng biên tập của tờ “Phật giáo Việt Nam” năm 1956. Năm 1960, ông thành lập “Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội” ở Sài Gòn, với tôn chỉ mục đích là giúp đỡ các gia đình và làng mạc bị ảnh hưởng chiến tranh (xây trường học, trạm xá, nhà cửa cho nông dân...). Ông tham gia thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh và giảng dạy ở đó. Ông đã đến Mỹ nhiều lần, diễn thuyết tại các trường đại học Princeton, Columbia, Cornell. Ông kêu gọi Martin Luther King, (xem phần Martin Luther King) công khai chống chiến tranh Việt Nam do Mỹ tiến hành. Vào năm 1967, King đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình.
Thích Nhất Hạnh dẫn đầu phái đoàn Phật giáo đến Hội nghị đàm phán hòa bình Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (Mỹ - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện (“tiếp” có nghĩa là tiếp xúc, tiếp nhận, “hiện” có nghĩa thực hiện - tiếng Anh là “the Order of Interbeing” và tiếng Pháp là L’Ordre de l’Inter-être), xây dựng các trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Nơi cư ngụ của ông là tu viện Làng Mai ở miền Nam nước Pháp.
100 tác phẩm của ông được lưu hành trên thế giới bằng nhiều thứ tiếng.
Năm 1995, tại San Francisco (Mỹ), Gorbachev đã mời ông nói chuyện về “Chiều sâu tâm linh cho thế kỷ 21” cho các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học xã hội và kinh tế.
Năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mời ông đến diễn giảng về “hiểm họa Sida”. Ông cũng đã nói chuyện tại Thượng nghị viện Mỹ về hòa bình năm 2003.
Năm 2005 và 2007, ông có dịp trở về Việt Nam để thuyết giảng về đạo Phật và tham dự Hội nghị Quốc tế Phật giáo.
Trường đại học Long Island (New York - Mỹ) và Trường đại học Loyola (Chicago - Mỹ) đã tặng ông bằng Tiến sĩ Nhân văn.