Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Thảo luận về “văn minh Trung Quốc”

03-09-2018 06:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một số nhà Hán học phản bác quan điểm của F.Jullien về văn minh Trung Quốc, vào hàng đầu là giáo sư Thụy Sĩ Jean Francois Billeter. Ông này không phủ nhận vai trò và giá trị văn minh Trung Quốc truyền thống, nhưng ông muốn tìm cái gốc lịch sử của nó để đánh giá cho đúng.

Theo ông “F.Jullien có ảnh hưởng rất lớn, vì vậy phải có trách  nhiệm. Tôi thấy dường như đa số ảnh hưởng ấy có hại”.

Cuộc luận chiến Jullien -Billeter diễn ra sôi nổi, hai bên đều được ủng hộ nhiệt liệt. Bài viết này không phản ánh nội dung thảo luận và không bình luận mà chỉ tóm lược luận điểm phản bác của Billeter, điều mà độc giả Việt Nam ít biết hơn.

Điều đầu tiên Billeter phê phán Jullien là: Jullien đã chấp nhận một huyền thoại về văn minh Trung Quốc, một Trung Quốc về bản chất cho là khác hẳn phương Tây (dĩ nhiên về văn hóa ứng xử thì phải khác rồi). Đó là hình ảnh lý tưởng hóa, tô vẽ ra một chính thể hài hòa minh triết (sage), khác xa những xung đột chính trị và tôn giáo đẫm máu của phương Tây. Hình ảnh một chủ nghĩa nhân văn gia trưởng này được xây dựng bởi các nhà truyền giáo dòng Tên (Jésuites) thế kỷ 17 (do họ muốn được truyền giáo ở Trung Quốc), nhân lên bởi các triết gia Ánh Sáng thế kỷ 18 (do họ muốn phê phán chuyên chế ở châu Âu), đi sâu mở rộng bởi đa số các nhà Hán học cho đến ngày nay. Hình ảnh này phi lịch sử. Thực tế lịch sử là chém giết, nỗi cơ cực của dân, quan lại đàn áp (xem Thủy Hử, Tam Quốc, thì thấy). Hiện nay, chính quyền Trung Quốc cũng đề cao hình ảnh huyền thoại về truyền thống, cơ sở lý thuyết nắm quyền hành, chuyên chế.

Nhận định cơ bản của Billeter là: “Cái mà ngày nay chúng ta cho là văn minh Trung Quốc gắn liền mật thiết với chuyên chế của đế chế”. Đầu óc thống trị đế chế ấy là huyền thoại văn minh Trung Quốc. Bị ám ảnh bởi huyền thoại ấy, Jullien đã theo một phương pháp luận sai: điểm xuất phát của ông là một tiền đề (axiome) về sự khác biệt hoàn toàn (altérité), đối lập giữa văn minh Trung Quốc và châu Âu - rồi từ đó suy diễn có hệ thống.

Trong tư duy Trung Quốc, Billeter đề cao cái chung của nhân tính (universalisme), còn Jullien lại nhấn mạnh cái riêng biệt (particularisme) Trung Quốc. Billeter chủ trương cái gốc phải là nhân vị (personne) mà ông định nghĩa là cá nhân tự do và có trách nhiệm, nó là giá trị cao nhất, cao hơn các giá trị khác (chính trị, kinh tế, tổ chức xã hội). Không gì có thể hơn, cao hơn việc “hai con người (nhân vị) hiểu nhau qua lời nói và lý trí”. Theo ông, Trang Tử là triết gia lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc do có tư tưởng theo hướng ấy. Văn minh Trung Quốc luôn phải chịu ách tư tưởng đế chế. “Tôi cho tư tưởng này đã được đề ra để ngăn chặn sự xuất hiện của nhân vị và chúng ta phải đánh giá nó trên điểm này... F.Jullien bỏ qua ý nghĩa chính trị của nó”.

Tại sao cốt lõi của huyền thoại về văn minh, tư tưởng Trung Quốc là sự chuyên chế mang tính đế chế? Billeter giải thích: “Muốn hiểu hiện tượng tư tưởng nào, cần đi ngược lên nguồn gốc, vào thời điểm hình thành của nó, vào thời điểm đế chế Trung Quốc đầu tiên ra đời”.

Tần Thủy Hoàng lập ra nhà Tần, là vị hoàng đế lập ra Đế chế Trung Quốc (221 tr.CN) sau nhiều cuộc chiến kinh khủng. Bạo lực mang lại quyền hành cũng phản lại ông, vì 15 năm sau, ông cũng chết do bạo lực. Sau đó, những người nổi dậy lật đổ ông đánh nhau bằng những đội hùng binh.

“Những người chiến thắng tiếp thu ý tưởng lập một đế chế vào năm 202 tr.CN, với các hoàng đế nhà Hán, triều đại đế chế thứ hai. Mối quan tâm của họ là tồn tại mà không cần bạo lực, không bị đổ ngay như đế chế thứ nhất (Tần). Họ thành công quá điều mong ước vì nhà Hán trị vì được 400 năm. Hơn cả Đế chế La Mã, các hoàng đế Trung Quốc và mưu sĩ các triều đại đã kéo đế chế dài 2.000 năm và nhờ các mưu sĩ, tránh được sự điên rồ và đầu óc hoang tưởng tự đại của Tần Thủy Hoàng.

Sự kiện cơ bản này đáng được suy nghĩ. Các sử gia cho lý do sự thành công phi thường này là trật tự quân sự, hành chính, tổ chức, nghi lễ đặt ra, kéo dài đến hết thời kỳ đế chế trong những nét cơ bản tận đầu thế kỷ 20. Thế nhưng bí quyết thực sự của thành công - điều mà các sử gia không thấy hoặc chưa thấy rõ - là các vị hoàng đế, bọn mưu sĩ và thừa hành (giới kẻ sĩ) đã nhào nặn văn hóa thành một công cụ cơ bản của trật tự mới. Để người ta quên đi cái bạo lực và độc đoán, họ đã tạo ra đế chế và để đế chế đứng vững, phải làm thế nào thiên hạ tưởng là trật tự đế chế nằm trong quy luật tự nhiên của trời đất. Tất cả phải tập trung vào tư tưởng là đế chế thuận với lẽ trời, từ xưa đến nay. Tất cả những lĩnh vực trí thức, tư tưởng, ngôn ngữ, biểu tượng đều phải tập trung để thuyết phục mọi người rằng đó là trật tự chủ yếu tự nhiên: đó là một phương tiện hiệu quả nhất để đảm bảo sự trường tồn của chế độ đế chế, các tôn ti trật tự, các hình thức đô hộ, sự phục tùng. Từ sự nhào nặn lại văn hóa ấy đã sản sinh ra cái mà chính người Trung Quốc từ đó coi là văn minh Trung Quốc... Người ta có thể khâm phục cái tổng hợp ấy, kéo dài 2.000 năm, mặc dù cuộc khủng hoảng của đế chế, những thách thức, những biến chuyển xã hội sâu sắc mà nó phải uốn theo. (Tất cả để xóa mờ cái gốc quyền lực đế chế, để bảo vệ nó). Ta phải ý thức được rằng tất cả những gì ngày nay coi là đặc điểm Trung Quốc là trong lĩnh vực tư duy, đều thuộc vào hệ thống này”.

Billeter trích dẫn bà Li Tong-tsun, giáo sư đại học ở Thiên Tân, nhà sử học phê phán tư duy truyền thống Trung Quốc. Bà cho là các mưu sĩ nhà Hán đã rất khôn khéo “phong Thánh cho Khổng Tử” để tạo ra một trụ cột tư tưởng bền vững cho sự thống trị của đế chế; đến mức “ngày nay đế chế đã sụp đổ, hệ thống tư tưởng ấy vẫn còn làm tê liệt đầu óc của những người đang sống”... “Các mưu sĩ ấy, để phục vụ các chúa công, đã tạo ra một thứ đạo thờ chữ Nhất (chỉ có Một), nguyên tắc chi phối vạn vật mà hoàng đế là người chủ quản trên trái đất. Sự thống nhất lớn ấy được thể hiện bằng một hệ thống quan hệ xã hội, tôn ti trật tự. Người nào cũng có ngôi thứ và vị trí của mình, có phận sự riêng, do đó cần có đức tính riêng để hoàn thành nhiệm vụ”. Như vậy, ai cũng phải khuất phục cấp trên và có quyền thống trị cấp dưới. Trong cấu trúc xã hội ấy, dân là cơ sở chỉ có nhiệm vụ khuất phục, hoàng đế ở nơi cao (Thượng) chỉ có quyền thống trị. “Ai cũng có nhiệm vụ, vai trò của mình, nhiệm vụ đối với sự hài hòa tổng thể. Do đó, thành nhiệm vụ nhất quán sẵn sàng hy sinh vì tổng thể (rút cuộc là cho hoàng đế). Cái Tôi là đáng ghét. Cá nhân nào chống đối hệ thống là bị trừng phạt, bị tống khứ, nhưng bạo lực phải rất kín đáo để khỏi phá sự hài hòa của toàn thể”. Hoàng đế là Con Trời (Thiên Tử) nên không có nhiệm vụ đạo đức gì cụ thể trừ chữ Hiếu với Trời rất lơ mơ và nhiệm vụ thực tế là bảo vệ cái tổng thể tức là trật tự đế chế. Các nhà Nho thu góp một mớ thư tịch cổ, gán cho là của Khổng Tử. Khổng Tử bị bóp méo, vì tư tưởng của ông thực là ở trong Luận ngữ (sách này lúc đầu chưa được đưa vào Tứ thư).

Theo Li Tong-tsun, tất cả lịch sử chính trị văn hóa của Trung Quốc trong thế kỷ 20 được đánh dấu bởi sự đấu tranh giữa thoát ly khỏi hay giữ lại hệ thống tư tưởng cũ. Đến nay vẫn còn 3 khuynh hướng. Phe bảo thủ chủ trương giữ nguyên truyền thống, đến như GS. Mou Tchong-tsien còn cho là đại đạo Trung Hoa phải thay thế văn minh tàn lụi của phương Tây. Phe so sánh Đông - Tây thì lừng khừng, có thể dễ chấp nhận hiện đại. Phe nghiên cứu truyền thống có phê phán, chủ trương cần có tự do chính trị, cái thiếu trong tư tưởng cũ. Li Tong-tsun cho là cuộc thảo luận vẫn chưa dứt: “Chúng ta tưởng là đã thoát được nó bằng cách đối lập nó với những hệ thống tư tưởng khác (từ Hồ Thích, Lỗ Tấn, Tôn Dật Tiên đến chủ nghĩa Mac…-ND). Nhưng chỉ có tiến bộ thực sự khi chúng ta ưu tiên cho “cá nhân”: 1) Cá nhân phải độc lập (không cần ai nghĩ hộ), 2) Tự quyết định bản thân, 3) Muốn vậy cần có tự do chính trị.

Tuy lập trường của bà mạnh dạn, tác phẩm Phong thánh Khổng Tử và Cách mạng Khổng Tử của bà vẫn được Đại học nhân dân Bắc Kinh xuất bản.

Billeter còn tranh luận với Julien về tính “nội tại” (immanence) mà Jullien coi là chìa khóa của văn minh Trung Quốc - ngược với tính “siêu việt” (transcendance) của phương Tây. Billeter công nhận điều này là đúng: văn minh và tư tưởng Trung Quốc là một hệ thống “nội tại”, khép kín, diễn biến theo quy tắc riêng của nó. Không cần, không thể “siêu việt” ra khỏi hệ thống đó như văn minh phương Tây với một Thượng đế tạo ra mọi thứ vật chất và tinh thần. Trung Quốc không thể nêu những câu hỏi siêu hình (métaphysique) như ở phương Tây (về bản chất? Từ đâu đến? Tại sao lại thế này? Mục đích là gì? Sẽ đi đến đâu?...). Tính nội tại ấy là đúng, nhưng Billeter trách Jullien không phê phán tính nội tại ấy, tìm ra gốc của nó, việc sử dụng nó để phục vụ tư tưởng thống trị đế chế, nuôi dưỡng tinh thần khuất phục tự nguyện (servitude volontaire).


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn