Cảo thơm lần giở: Tanizaki nghĩ gì?

29-01-2019 16:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Junichiro Tanizaki (Ta-ni-da-ki, 1886-1965) đại diện tiêu biểu cho trường phái tân lãng mạn Nhật, xuất hiện ngay từ thập kỷ 1905-1915, là thời kỳ huy hoàng của văn chương Nhật cuối đời Minh Trị.

Ba chủ đề lớn trong sáng tác của ông là tình dục bệnh hoạn (rất chịu ảnh hưởng phương Tây), sự ngưỡng mộ văn hóa cổ điển Nhật (nhất là trong giai đoạn sáng tác sau), tôn sùng chủ nghĩa hình thức duy mỹ. Khuynh hướng duy mỹ suy đồi (chịu ảnh hưởng O.Wilde) và tự truyện (viết cái tôi), về sau chuyển sang thẩm mỹ dân tộc. Những tác phẩm lớn của ông gồm có: Mối tình anh ngốc, Nhật ký ông già điên, Chiếc chìa khóa, Tuyết mịn (có khi dịch là Bốn chị em), Ngợi ca bóng tối (bản dịch Ghengi).

Tác giả Junichiro Tanizaki.

Tác giả Junichiro Tanizaki.

Nhiều thức giả cho bộ tiểu thuyết Tuyết mịn (Sasameyuki) là kiệt tác tiêu biểu nhất của Tanizaki. Tác phẩm bắt đầu ra khi Nhật tham gia Thế chiến II. Nó được lệnh phải ngưng lại vì Chính phủ cho là nội dung không phù hợp thời chiến, mãi đến 1946-1948 cả 3 tập mới được xuất bản. Bộ tiểu thuyết miêu tả đời sống Nhật vào những năm 1936-1941. Tên “Tuyết mịn” gợi ý những bông tuyết mỏng manh bay, đối lập với những mảng tuyết dày nặng nề rơi.. Đó là hình ảnh cái đẹp mong manh của Yukikô, một trong bốn nhân vật là chị em.

Sau đây là một số suy nghĩ của Tanizaki về quan điểm thẩm mỹ của văn hóa Nhật truyền thống:

- Món ăn Nhật Bản không phải là loại nước chấm để ăn mà là để nhìn.

- Ẩm thực Nhật, nếu dọn ra ở một nơi quá sáng, với bát đĩa đa số màu trắng thì mất đi một nửa phần hấp dẫn.

- Ngay cả hình thức một công cụ dáng dấp tầm thường cũng có những âm vang vô tận.

- Khi người phương Tây nói đến những điều huyền bí của phương Đông, rất có thể là họ hiểu đó là cái yên tĩnh dờn dợn mà con người tỏa ra.

- Cái mà ta gọi là cái đẹp, thường thường chỉ là sự thăng hoa của những thực tế của cuộc sống mà thôi.

- Những người phương Đông chúng ta, hiện thực cái đẹp bằng cách tạo ra những bóng tối mờ ảo trong những nơi mà bản thân chúng chẳng có ý nghĩa gì.

- Cái đẹp phòng ở của người Nhật chỉ được tạo ra bởi sự biến chuyển mức đậm nhạt của bóng tối mà không cần thêm vật liệu phụ nào nữa.

- Khi tôi còn trẻ, thì mùa xuân là mùa tôi thích nhất, nhưng ngày nay thì mùa thu là mùa tôi mong mỏi hết sức. Khi con người dần dần cao tuổi thì con người cảm thấy sinh ra cho mình một thứ tình cảm của nhẫn nại. Một trạng thái tâm hồn vui vẻ tiếp đón một sự tan rã phù hợp với những quy luật của thiên nhiên.

- Ta có thể thấy cái đẹp trong một bộ mặt hoàn toàn được tô vẽ. Nhưng không bao giờ ta có thể thấy được tính chất thực của cái đẹp không son phấn.

- Đồng tiền nhất thiết không gắn với cái đẹp. Nhưng cái đẹp bao giờ cũng phải nhượng bộ đồng tiền.

- Thực ra thì sinh con đẻ cái là một đặc điểm của tình yêu loài vật, điều đó không có gì quan trọng đối với những ai hưởng tình yêu tinh thần.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn