Cảo thơm lần giở: Tagore nghĩ gì?

06-02-2017 16:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cuối thế kỷ 19, nhà văn Anh Kipling than là “Đông và Tây không bao giờ gặp nhau” và cho là người da trắng chịu “gánh nặng” khai hóa các dân thuộc địa da màu.

Cuối thế kỷ 19, nhà văn Anh Kipling than là “Đông và Tây không bao giờ gặp nhau” và cho là người da trắng chịu “gánh nặng” khai hóa các dân thuộc địa da màu. Bước vào thế kỷ 20, châu Á đã khởi sắc với việc Nhật đánh bại Nga, một cường quốc châu Âu, cách mạng Tân Hợi Trung Quốc … Năm 1913, nhà thơ Ấn Độ R. Tagore (Ta-go-rơ, 1861-1941) đã vinh danh châu Á với giải Nobel. Quan điểm của ông khác Kipling: trong Bản thông điệp của Ấn Độ gửi cho Nhật Bản (1915), ông đề cao những giá trị tinh thần truyền thống của châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản) để đối lại chủ nghĩa vật chất châu Âu. Ông kêu gọi hãy kết hợp tinh túy văn hóa Á-Âu. Nhưng lời kêu gọi cũng như những cuộc du hành của ông ở châu Á để vận động thực hiện tư tưởng ấy đều ít hồi âm vì đó là thời kỳ các nước đua nhau công nghiệp hóa và sùng bái chủ nghĩa dân tộc.

Tagore Rabindranath hay Thakur (Tha-kur) là nhà thơ, triết gia, nhà giáo dục, nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn, nhà văn xứ Bengal (Ben-gơl’). Ông lớn lên trong một gia đình địa chủ giàu có theo đạo Bà La Môn có văn hóa, thích nghệ thuật và ưa cải cách xã hội. Ông sớm say mê văn hóa cổ. Sau khi học ở nhà trường một cách thất thường và du học ở Anh một thời gian ngắn, ông về quản lý một số đồn điền của cha mẹ, do đó biết rõ đời sống thiếu thốn của nhân dân. Tập thơ đầu xuất bản năm ông 29 tuổi. Sau đó, ông viết đủ thể loại. Ông mở trường Santiniketan (Xan-ti-ni-kê-tan = nơi ở thanh bình); năm 1921, trường này trở thành một trường đại học quốc tế để truyền bá và thực hiện những ý tưởng truyền thống của Ấn Độ về văn hóa và đức độ. Ông luôn luôn chú ý đến những vấn đề chính trị và xã hội, tham gia hoạt động chống chủ nghĩa thực dân (trái với Gandhi, ông chủ trương thực hiện tự do cá nhân ngay cả trước khi tự do dân tộc được thực hiện), và chống sự bóc lột, đặc biệt đối với nông dân. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông đi nhiều nước trên thế giới (phương Tây, Mỹ, Đông Á, có qua Sài Gòn) để truyền bá lý tưởng hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc. Năm 1930, ông thăm Liên Xô: tập Thư từ nước Nga (Rachijar Tshithi, 1930) phản ánh sự phấn khởi của ông khi thấy nhiều lý tưởng của mình được thực hiện ở đây, do đó có thêm sức mạnh để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát-xít. Mấy tháng trước khi chết, ông lên án chủ nghĩa đế quốc trong tập luận văn Cuộc khủng hoảng của nền văn minh (Sabhjatar Sankat, 1941). Ông là nhà văn viết bằng tiếng Bengali (Ben-ga-li) lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn học Ấn Độ và Băng-la-đét. Nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Anh, nhưng đa số viết bằng tiếng Bengali, rồi ông tự dịch hoặc người khác dịch sang tiếng Anh. Ông để lại 1000 bài thơ, 24 vở kịch, 8 tiểu thuyết, 8 tập truyện ngắn, trên 2000 bài hát, rất nhiều tiểu luận. Tác phẩm chính của ông là Go-ra (Gora, 1910), tiểu thuyết miêu tả những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình tư sản ở Calcuta (các khuynh hướng tôn giáo truyền thống, thân Anh..) và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân; - Hoàng hôn của thế kỷ (Shatabdir Surdsha, 1899), tập thơ về bản chất dã man của chủ nghĩa đế quốc; - Khi tinh thần ta được giải phóng (Dshedin Tshaitanja Mor, 1937), thơ lên án bọn phát-xít trong nội chiến Tây Ban Nha. Thơ trữ tình của ông diễn tả sự thông cảm thần bí với thiên nhiên và những cảm xúc đơn giản. Tiểu thuyết mang ý thức xã hội sâu sắc. Luận văn có tư tưởng rõ ràng, minh bạch. Ông có tài sử dụng châm biếm. Nội dung sáng tác mang tính chất nhân đạo yêu nước, có tính quốc tế; ông tin vào sự tiến bộ của con người. Ông đại diện cho văn học tư sản tiếng Bengali hiện đại tiến bộ. Thi phẩm hay nhất của ông là tập Thơ trữ tình để dâng cúng (Gitanjali, 1910) gồm 103 bài; năm 54 tuổi, ông tự dịch sang tiếng Anh.

Sau đây là một số suy nghĩ của Tagore:

Kìa, tôi nhìn thấy ở trên trời một bông hoa hồng rực rỡ nở, các cánh như bay.

Tôi nghe thấy vang lên trong tôi một bài ca - từ xa vẳng lại rồi dần dần tới gần.

Hãy để cho tôi nghĩ là trong số các ngôi sao, có một ngôi hướng dẫn cuộc đời tôi qua những bóng tối của u mê.

Sớm mai, thế giới đã mở trái tim ta ánh sáng rực rỡ. Hỡi trái tim của ta, hãy đến đón chào đi với tất cả tấm lòng yêu thương.

Đừng đón chào buổi sớm mai với một cái tên dè bỉu là “sáng mùa đông”. Hãy nhìn rạng ngày như mới được thấy lần đầu tiên, coi nó như một trẻ sơ sinh chưa hề có tên.

Tôi phải chết đi chết lại để thấy được cuộc đời không bao giờ cạn.

Chân lý tự nó gây ra bão táp, bão táp sẽ vỗ cánh bay.

Dù bông hoa này màu sắc không rực rỡ và hương thơm còn thoang thoảng, nhưng hãy hái hoa đi trong khi chưa quá muộn.

Nếu ta đóng cửa không cho các lỗi lầm lọt vào thì chân lý cũng sẽ đứng ở ngoài.

Chúng ta tiến tới chỗ ăn thịt loài vật chỉ vì chúng ta không nghĩ tới khía cạnh độc ác và có tội ác của hành động ấy.

Một hạt bụi không thể làm bẩn một bông hoa được.

Chấp nhận không có nghĩa là công nhận.

Hãy tin vào tình yêu, mặc dù đó là nguồn đau khổ. Đừng đóng trái tim lại – Hoa sen thích được nở dưới ánh mặt trời rồi tàn úa hơn là sống mãi mãi chỉ là một cái búp.

Hãy tươi cười mà đón lấy cái dễ dàng giản dị, ngay bên mình.

Làm thế nào để cuộc đời của mình giản dị và thẳng thắn như một cây sáo làm bằng sậy có thể phát ra những nhạc điệu du dương.

Tại sao đèn lại tắt? Tôi lấy áo khoác để che gió cho đèn; vì thế nên đèn tắt.

Tại sao hoa lại héo? Tôi đã ép hoa vào ngực với tình cảm yêu thương và lo âu; do đó mà hoa đã héo.

Tình yêu không nói ra thật là thiêng liêng. Nó óng ánh như một viên ngọc trong bóng âm thầm của trái tim.

Ôi thế giới! Ta đã hái bông hoa của ngươi, áp nó trên trái tim của ta và gai của hoa đã đâm vào ta.

Không có nơi nào để trú ẩn, không có giường nào để nghỉ ngơi… Chỉ có đôi cánh của chim và bầu trời vô tận. Chim ơi, chim hỡi, hãy lắng nghe ta: chớ khép đôi cánh của ngươi.

Hỡi người anh em, không ai sống mãi và không có gì tồn tại mãi. Hỡi người anh em, hãy giữ điều này trong trái tim của mình và cảm thấy vui vẻ.

Hỡi bạn, người giầu có, của cải của bạn chẳng liên quan gì đến cái huy hoàng yên tĩnh của mặt trời và sự hân hoan của bạn, cũng không liên quan gì đến ánh sáng êm dịu của chị Hằng mơ màng. Sự ban phước của trời bao trùm mọi vật, không đến với bạn.

Thượng đế thở dài và buồn rầu nói: tại sao đệ tử của ta lại tưởng là đi tìm ta trong khi y xa lánh ta.

Con sông cuồn cuộn vừa chảy vừa hát ca và đập tan tất cả những vật cản ở phía trước. Còn trái núi đứng sừng sững âu yếm nhìn theo và giữ lại ký ức của dĩ vãng.

Nếu ta ăn không ngon, chớ đổ lỗi tại thức ăn.

Kẻ bất công không chịu chấp nhận bất cứ sự thất bại nào; người công bằng ứng xử ngược lại.

Chớ có trù trừ để hái hoa: ngươi cứ tiếp tục đi đi, hoa sẽ vì ngươi mà nở suốt đường ngươi đi.

Đêm tối như mực. Chớ để thời gian trôi đi trong bóng tối. Hãy thắp sáng đời ngươi bằng ngọn đèn yêu thương.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn