Vào tuổi 20, thời Pháp thuộc, học trung học, tôi có dịp đọc Đỏ và Đen (Le rouge et le noir) của tác giả Pháp Stendhal (Stăng-đan) (1783-1842). Tác phẩm này rất hấp dẫn, tiêu biểu cho phong cách và tư tưởng của Stendhal. Câu chuyện như sau: Năm 1825, ông Thị trưởng M. de Rénal nhận Julien Sorel, con một thợ cưa làm gia sư. Dưới vẻ ngoài bẽn lẽn, Julien Sorel đầy tham vọng. Thời chinh chiến Napoléon đã hết, không thể lập nghiệp bằng quân sự (đồng phục đỏ), chàng quyết ngôi lên bằng cách nhập giới tu hành (áo đen). Chàng quyến rũ được vợ ông Rénal, con người đa cảm yêu chàng do thương hại. Sau đó chàng vào trường Dòng, được cha bề trên yêu thương như con, giới thiệu chàng làm thư ký riêng cho một vị hầu tước. Chàng gây được tín nhiệm của chủ và con gái ông là Mathilde đã đem lòng yêu chàng. Julien sẽ được cưới Mathilde. Bà Rénal vẫn yêu chàng nên đã tố cáo với hầu tước về tính tráo trở của Julien. Chàng trả thù, bắn chết tình nhân cũ. Khi bị kết án, Julien bình tĩnh lên máy chém. Mathilde chôn đầu Julien trong một cái động. Còn bà Rénal lặng lẽ chết sau khi ôm hôn các con.
Stendhal (1783-1842).
Tác phẩm lớn thứ hai của Stendhal là Tu viện Sar-tơ-rơ ở Par mơ (La chartreuse de Parme, 1839). Câu chuyện kể về Fabrice, một thanh niên quý tộc khao khát vinh quang và tình yêu, sau bỏ nghề binh, làm linh mục và gần gũi với người yêu. Khi đứa con và người yêu chết, chàng vào nhà tu kín. Nhân vật chính vẫn là một người đầy tham vọng và đam mê, quyết tâm “thực hiện cái tôi” theo tư tưởng “phi luân lý” (amoral).
Stendhal là nhà văn hiện thực phê phán Pháp, tên thật của ông là Henri Beyle (Ăng-ri Bây-lơ). Ông là con một luật sư, luôn luôn phản ứng với cha, có thời thơ ấu và tuổi trẻ rất buồn tẻ. Ông chuẩn bị thi vào Trường Bách khoa, nhưng bỏ thi, vào nghề binh để tiến thân. Năm 1800-1814, ông là sĩ quan quân đội Napoléon trong từng giai đoạn. Ông đã từng ở Đức, Áo, Nga và đặc biệt say mê nước Ý. Ở Milano, Ý, ông viết phê bình, nghiên cứu nghệ thuật. Năm 1821-1830, ông sống đời hào hoa ở Paris, tiếp tục sáng tác. Năm 1831-1842, ông làm ngoại giao ở Ý, nhưng có nhiều giai đoạn nghỉ, về sống ở Pháp, viết tiểu thuyết. Sáng tác của ông khi sinh thời rất ít. Từ 1880, tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến văn học Pháp và thế giới. Thời kỳ đầu, nổi nhất là tác phẩm nghiên cứu Về tình yêu (De l’amour, 1822). Cũng như Balzac, ông được coi là nhà viết tiểu thuyết hiện thực phê phán lớn của Pháp. Sống trong thời kỳ văn học lãng mạn, ông có những tình cảm mãnh liệt nhưng do chịu ảnh hưởng trào lưu Ánh sáng, Pháp, không buông trôi theo dục vọng và tìm cách tự kiềm chế, phân tích tâm lý mình và người khác (sáng tác thể hiện hiện thực, phân tích tâm lý một cách khoa học). Ông thường miêu tả số phận của những con người khác thường, không chấp nhận xã hội tư bản, tìm cách tự khẳng định bằng mọi cách dù cuộc đời phải đổ vỡ. Ông vượt qua đạo lý tầm thường, thờ phụng “cái tôi” (phát triển tột bậc trí tuệ và tình cảm, tình cảm khác lạ, tôn sùng cái đẹp, đề cao nghị lực, chinh phục cái mình muốn...).
Sau đây là một số suy nghĩ của Stendhal:
Ít khi ta biết được những tâm hồn cao cả. Những tâm hồn cao cả thường ẩn giấu, thường chỉ biểu hiện đôi chút độc đáo mà thôi. Vậy mà có nhiều tâm hồn cao cả hơn ta tưởng.
Đa số mọi người trong cuộc đời có một khoảnh khắc mà họ có thể làm những việc lớn. Ở khoảnh khắc đó, dường như đối với họ, không có gì mà không làm được.
Cái đẹp là một sự hứa hẹn của hạnh phúc.
Sự cô đơn có thể đem lại cho ta đủ mọi thứ, trừ tính cách.
Làm gì có luật tự nhiên: từ ngữ ấy chẳng qua chỉ là một khái niệm vớ vẩn, cũ rích. Trước khi có luật pháp, chỉ có sức mạnh của sư tử hay nhu cầu của sinh vật đói bụng, rét mướt. Nói tóm lại là chỉ có luật của nhu cầu.
Tôi ngày càng thích thú cái ngẫu nhiên khiến mình ham mê đọc sách... Nó là một cửa hàng bán hạnh phúc, luôn luôn được đảm bảo mà không ai có thể cướp đi của mình.
Tôi chỉ viết cho độ trăm độc giả và chỉ cho những người khổ sở, đáng yêu, duyên dáng, không thuộc loại đạo đức giả, dạy luân lý, mà tôi muốn làm cho họ vui lòng. Bản thân tôi được biết thì may ra chỉ có một, hai người như vậy.
Đại đa số đàn ông, nhất là ở bên Pháp, muốn được và đã có một bà vợ đúng thời trang, tự hào như có một con ngựa đẹp.
Về hiện tượng kết tinh của tình yêu, điều mà tôi gọi là kết tinh có nghĩa là của tri thức phát hiện ra, tất cả những gì của đối tượng mình yêu đều có những điểm hoàn hảo mới.