Steinbeck (Stain-bêck, 1902-1968) là nhà văn Mỹ tự nhiên chủ nghĩa, miêu tả nông dân vô sản Mỹ. Việt Nam có bản dịch The Grapes of Wrath, tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Steinbeck là Chùm nho nổi giận. Tôi e dịch như vậy thì khó hiểu vì người Việt Nam đọc sẽ băn khoăn, không hiểu tại sao chùm nho lại nổi giận. Tôi cũng chịu không tìm ra cách dịch nào vừa sát hình ảnh nghĩa đen mà lại đầy đủ nghĩa bóng. Tác giả ví sự phẫn nộ, sự vùng dậy như nho chín muồi đã lên men: Phẫn nộ chín muồi.
Nhà văn Steinbeck (1902-1968).
Phẫn nộ chín muồi (1939), được giải thưởng Pulitzer (Pulitzơ) năm 1940, vẽ lại cảnh cơ cực của nông dân Mỹ mất đất, bị áp bức bóc lột không kém gì nông dân vô sản Việt Nam bị đi phu đồn điền cao su ở xa quê hương. Xuất phát của cuốn tiểu thuyết là một phóng sự của Steinbeck viết năm 1936 về nông dân vô sản hóa vào thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế những năm 30.
Ở miền Trung Tây và Tây Nam, đất cằn đi, lại thêm các chủ tư bản cơ khí hóa nông nghiệp; vì vậy các tiểu nông lụn bại. Các ngân hàng là chủ nợ chiếm đất của họ để trực tiếp khai thác: chỉ cần một chiếc máy kéo và thuê một công nhân lái là có thể cày cấy một vùng đất đai mênh mông trước kia có thể nuôi sống hàng mấy chục gia đình. Bị tống khứ ra khỏi nhà, nông dân phải di cư đi nơi khác. Các giấy quảng cáo tuyên truyền cho họ biết xứ California là nơi đất đai trù phú, nhân công rất cao. Thế là hàng chục vạn người ra đi về phía Tây. Qua bao tháng ngày vất vả, họ tới nơi thì mới biết là bị lừa. Công việc duy nhất là hái quả và bông, mà cũng chỉ có mùa. Bọn điền chủ chờ người đến thật đông để thuê nhân công rẻ mạt. Bọn chúng cũng là chủ ngân hàng và chủ xưởng rau quả đóng hộp, do đó nên có thể quyết định giá cả. Chúng dìm giá, bóp chết các tiểu nông, khiến họ nhiều khi không dám bỏ tiền thuê gặt hái.
Một quang cảnh hãi hùng xuất hiện: Bọn chủ cho hủy hàng tấn rau quả để giữ giá, trong khi hàng nghìn gia đình không có gì ăn. Những người nghèo sợ mất việc, không ủng hộ những người di cư mới đến, lại vào hùa với cảnh sát và cả bộ máy chính quyền để đàn áp. Miền đất hứa của những người lang thang trở thành một nhà ngục lớn.
Câu chuyện Phẫn nộ chín muồi xảy ra trong khung cảnh thương tâm ấy. Steinbeck tập trung ống kính vào gia đình Joad (Giauađ) ở vùng Oklahoma (Âuklơhâumơ). Một người con trai là Tôm, trong một cuộc ẩu đả, đã giết chị kẻ định đâm anh. Sau bốn năm ngồi tù, anh được thả ra với lời hứa danh dự.
Tác phẩm bắt đầu khi Tôm trên đường trở về nhà. Anh gặp Jim (Gim), một bác quen với gia đình đã lâu, nguyên là mục sư Tin lành đã bỏ đạo vì mất lòng tin và còn bị xác thịt quyến rũ. Bác ta nói: “Trước kia tôi cho là làm mục sư có thể qua được cái đói. Từ trong đầu, tôi tưởng bóc ra một mảnh cầu nguyện, tất cả ưu tư đều dính vào đó như vào giấy bắt ruồi. Lời cầu nguyện bay theo gió, mang theo các ưu tư. Nhưng bây giờ thì không ổn nữa”. Tôm đi cùng Gim về trang trại của bố.
Tôm vô cùng ngạc nhiên khi thấy trang trại bỏ hoang, không còn ai nữa. Hàng xóm cho biết là nông dân cả vùng đã bị mất hết đất, bố mẹ anh đã đến ở nhờ ông cậu John (Gion) để chuẩn bị lên đường đi miền Tây. Gia đình mừng rỡ đón Tôm và chấp nhận cho bác Gim cùng đi.
Cả nhà Joad gồm ông bà, bố mẹ, ba con trai, hai con gái, một chàng rể, ông cậu John lên đường trong một chiếc xe tải thổ tả, với vài đô-la còn lại. Họ đi qua nhiều vùng, qua sa mạc, vượt núi California. Nhưng ông bà kiệt sức đã mất, con trai đầu đã bỏ đi một mình. Không có việc làm. Họ cốt sống để chờ trong một làng di cư tuyền lều và lán. Mãi mới có một cai đầu dài đi cùng một quận phó cảnh sát đến để tuyển mộ lao động; hai tên này không cho biết số lượng bằng giấy tờ. Có người phản đối liền bị bắt, cuộc ẩu đả xảy ra. Tôm đánh chết viên cảnh sát. Gim đứng ra nhận tội thay cho Tôm. Gia đình Joad phải dọn đi ngay để tránh lôi thôi. Vả lại đêm ấy, làng di cư cũng bị các lực lượng phòng vệ đốt trụi. Đường sá bị các người tiểu tư sản kiểm soát, đề phòng những người nghèo bị coi là “bọn đỏ”, nhiều khi thây của họ nằm co trong các hố bên đường.
Gia đình Joad tạm trú ở một trại của chính phủ, khá yên ổn. Nhưng họ không có việc, họ lại ra đi dưới sự canh gác của cảnh sát. Họ tới một đồn điền lớn, nơi công nhân đang đình công vì lương quá thấp: Tôm trốn đi và nhập bọn với họ; anh gặp lại Gim. Gim cho anh biết là ở trong tù ông đã nghĩ ra là chỉ còn một cách: những người bị bóc lột phải đoàn kết nhau lại. Trại những công nhân đình công bị tấn công. Gim bị coi là kẻ đầu têu nên bị giết. Tôm giết một kẻ tấn công nhưng cũng bị thương ở mặt.
Cả gia đình lại đi trong chiếc xe tải thổ tả. Họ đến làm việc ở một đồn điền bông, Tôm sống lẩn lút ở nông thôn ít lâu. Sợ bị lộ, anh lại ra đi sau khi bảo mẹ là anh quyết tâm theo gương Gim tổ chức lực lượng những người bị bóc lột áp bức.
Sau khi Tôm đi, mùa mưa bắt đầu. Họ phải ở trong một chiếc xe dột nát. Cô con gái lớn là Rose (Râuzơ) bị chồng bỏ, trở dạ, đẻ một đứa con chết trong khi nước sông lên ngập xe; họ phải khiêng Rose đến một nhà kho thóc cao ở gần đấy. Trong kho có một người đàn ông và một đứa bé con, người ấy gần ngất đi vì đói, anh ta nhịn ăn để nhường thức ăn cho con. Rose đưa bầu vú căng sữa vào mồm người đàn ông lạ mặt. Cuộc đấu tranh để sinh tồn của gia đình lớn vẫn tiếp tục.
Tác phẩm văn học là một “tiểu thuyết luận đề” nên có nhiều chỗ yếu: có những chỗ ngây ngô hoặc lẫn lộn về lý tưởng. Tác giả lên án cơ khí hóa nông nghiệp một cách cực đoan, muốn trở về chế độ nông nghiệp xưa, mà lại kêu gọi cách mạng xã hội. Nhiều luồng tư tưởng nhằm giải quyết bất công xã hội đan chéo nhau: chủ nghĩa “siêu việt” của Emerson, chủ nghĩa dân chủ gắn với đất đai kiểu Whitman, chủ nghĩa thực dụng của W. James, “Chính sách mới” của F. Roosevelt với sự can thiệp của chính phủ. Nhân vật và tư tưởng khá sơ lược. Nhưng giá trị của nó là cách kể chuyện lôi cuốn, cảm xúc mạnh và có sức truyền cảm dựa trên cơ sở tình thương những người bị áp bức bóc lột.
Ở Steinbeck có một tình thương đi đôi với sự khoan dung các tội lỗi và chấp nhận các rối loạn. Có những nhà phê bình cho ông là đã đi quá sâu vào con đường ấy nên đã có những lúc thích thú miêu tả bạo lực và sự suy thoái của con người. Và có lúc, ông muốn chứng minh là trật tự, đúng đắn, thành công thường đi kèm với sự bất nhẫn, tàn ác. Ông nhiều khi ghi lại những thái độ phi lý tính chỉ có thể giải thích được bằng đam mê.
Phải chăng vì thế mà về cuối đời, Steinbeck đã sang Việt Nam, ngồi máy bay lên thẳng của quân lực Mỹ để thích thú dự cuộc săn lùng du kích nông dân Việt Cộng.
*
* *
John Steinbeck sinh ra ở California, gốc Đức và Ailơnđ. Ông là nhà viết tiểu thuyết được Giải thưởng Nobel năm 1962. ông học về thực vật hải dương; học đại học luôn bị gián đoạn. Ông đã nếm nhiều công việc vất vả: chăn bò, nhân viên hóa học trong nhà máy đường, nhân viên nuôi cá giống, coi đồn điền, phụ nề, thủy thủ... Ông vào nghề báo và nghề văn rất vất vả. Hai vợ chồng nhiều lúc phải ăn cá tự đánh được.
Những tác phẩm đầu tay như truyện phiêu lưu Chén vàng (Cup of Gold, 1929) mang nhiều yếu tố lãng mạn và thần bí. Cuộc sống lao dộng vất vả của bản thân đã được thể hiện trong những truyện viết vào những năm 30. Đồng cỏ của trời (The Pastures of Heaven, 1932) là một tập truyện ngắn về những con người đơn giản cục mịch, sống trong một thung lũng mang tên ấy; Tortilla Flat (1935) kể về những người da đỏ, da trắng, Tây Ban Nha, sống một cuộc đời vất vả, vô luân nhưng vui vẻ thoải mái trong một cái lán ở miền Nam California; bản thảo tác phẩm này bị 9 nhà xuất bản từ chối, khi in ra lại được hoan nghênh; Cuộc chiến không phân thắng bại (In Dubious Battle, 1935) kể về vụ đình công của công nhân hái quả theo vụ ở California; Về chuột và người (Of Mice and Men, 1937) miêu tả đời sống bi thảm của công nhân nông nghiệp. Với Phẫn nộ chín muồi (1939), Steinbeck khẳng định chỗ đứng trong trào lưu văn học vô sản Mỹ vào những năm 30; lúc đầu, nói chung ít nhiều ông có cảm tình với Đảng Cộng sản.
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Steinbeck làm phóng viên mặt trận. Năm 1937, ông đi Liên Xô: Nhật ký Nga (Russian Journal, 1948). Sau chiến tranh trong sáng tác, ông thường tìm những khía cạnh giật gân, tâm lý bệnh hoạn. Phía Đông Thiên đường (East of Eden, 1961) kể chuyện dưới ánh sáng phân tâm học một gia đình tan nát, mẹ bỏ đi làm đĩ, con trai gây cái chết của anh (hiện đại hóa chuyện anh em giết nhau trong Kinh thánh). Nói chung, sáng tác của Steinbeck rất thất thường.
Sau đây là một số suy nghĩ của Steinbeck:
Kiếm tiền! Lee nói - nếu đó là mục đích của anh, đó là điều dễ thực hiện. Nhưng trừ một số ít ngoại lệ, không phải tiền bạc mà người ta theo đuổi, chính ra là họ muốn xa hoa, tình yêu và sự khâm phục.
Không phải tôi đã nhìn sự việc này chỉ một lần, mà đến hàng nghìn lần... Một gã nói năng với một gã khác mà rồi cũng chẳng có gì là quan trọng nếu kẻ nghe người nói chẳng hiểu gì nhau. Điều quan trọng đó là nói hay im lặng. Chẳng có gì quan trọng cả.
Một người chết trước đó đã có thể được ngưỡng mộ hay căm ghét; người ấy có thể để lại sau khi chết một sự trống rỗng khủng khiếp. Nhưng ngay sau khi chết, người ấy trở thành một thứ trang trí trung tâm của một trong những sự thể hiện phức tạp nhất của xã hội.
Người ta nói rằng con người không bao giờ hài lòng khi được một cái gì mà lại muốn ước một cái thứ hai.
Thà chịu roi quất nghìn lần còn hơn bị chế giễu.
Câu chuyện hay là chuyện nói nửa chừng cần hoàn tất bởi thể nghiệm của bản thân người nghe.
Ừ thì ta đang sống ở một nước tự do chứ gì, nhưng dù sao, hãy cố mà tìm cái tự do ấy. Như người kia nói, cái tự do của mình là tùy thuộc vào số tiền mình phải trả.
Cần phải có những nhu cầu phải thỏa mãn thì mới thành kẻ bất lương.
Người thật quả là có nghệ thuật nói chuyện là người thúc đẩy những người khác nói.
Căm ghét không thể tồn tại riêng lẻ. Mà phải cặp kè cùng yêu đương, coi như là sức bật và yếu tố thúc đẩy.
Tôi nhận thấy là không có gì bất mãn thậm tệ hơn là sự bất mãn của người giàu có. Hãy cho một người no căng bụng, dát vàng quần áo của hắn, cho hắn vào ở một tòa lâu đài, thì hắn sẽ chết vì chán chường.