Cảo thơm lần giở: Simenon nghĩ gì?

10-11-2018 07:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời Pháp thuộc, khi học trung học, tôi rất mê đọc tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt khâm phục vị thám tử xuất chúng tài ba như Sherlock Homes của tác giả Anh Conan Doyle và Arsène Lupin của tác giả Pháp Maurice Leblanc.

Sau lớn lên tôi lại thích thú đọc tác giả Bỉ Simenon với thám tử Maigret. Các tác phẩm không lấy khung cảnh trong giới thượng lưu, quyền quý, mà xảy ra trong giới bình dân.

Tiểu thuyết gia Georges Simenon (1903-1989).

Tiểu thuyết gia Georges Simenon (1903-1989).

Georges Simenon (Si-me-nông, 1903-1989) là nhà viết tiểu thuyết người Bỉ (viết tiếng Pháp). Tiểu thuyết trinh thám của ông được phổ biến rất rộng rãi: nhân vật chính là thám tử Maigret (Me-g’rê), người cục mịch, tốt bụng, do có đầu óc nhận xét mà kiên nhẫn khám phá ra các vụ án rắc rối. Tác phẩm của ông độc đáo: miêu tả hiện thực xã hội, phong tục, bối cảnh kinh tế, địa lý, phân tích tâm lý sâu sắc. Nhân vật đa số là những người ốm đau, cô đơn, sống bên lề xã hội, tìm cách thoát ly không được, những người bình thường, tầm thường, bỗng dưng bị đẩy vào một tấn bi kịch. Ông sáng tác trên 300 cuốn sách, trung bình mỗi tháng một cuốn. Tiểu thuyết của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng và quay thành phim, vừa được quần chúng ưa chuộng, vừa được giới văn học đánh giá cao.

Xin tóm tắt sau đây truyện Magrêt và người bị giết của ông (Maigret et son mort) khá điển hình cho phong cách của Simenon: một hôm, Maigret nhận được một cú điện thoại lạ lùng. Có người gọi từ một quán cà phê kêu cứu vì bị kẻ thù theo sát. Người ấy lại gọi lại từ hai quán cà phê khác. Maigret điều tra ở một quán thì biết được người gọi điện thoại bí mật ấy là một người nhỏ nhắn luôn luôn vung chân vung tay, mặc áo mưa màu be và đội mũ xám. Ông lại nhận được điện của một quán cà phê báo cho biết được là người ấy đang cố kéo kẻ thù đến quán cà phê khác. Ông đến nhưng không gặp ai. Sau khi suy diễn và điều tra, ông tìm ra điều bí mật về người chết là: Albert, chủ một quán cà phê, biết được bí mật của một bọn sát nhân nên Albert bị chúng giết ngay trong nhà, sau khi chạy khắp Paris mà không thoát. Hai tên trong bọn sợ lộ đã vứt thây ra quảng trường Concorde. Người biết chuyện đã phải bí mật gọi điện cho ông.

Sau đây là một số suy nghĩ của Simenon:

Thật là khủng khiếp khi nghĩ là tất cả chúng ta đều là người, tất cả đều ít nhiều khom lưng dưới một bầu trời xa lạ, vậy mà không ai chịu cố gắng một chút để hiểu nhau.

Những người nghèo có thói quen kìm hãm biểu lộ nỗi thất vọng, vì cuộc đời luôn chờ đợi họ: công ăn việc làm, những nhu cầu hàng ngày, hàng giờ.

Phải chăng nên dành những âu lo triết học cho một số người khá vững vàng để chịu đựng được chúng, chứ đừng có gieo cái hạt giống nguy hiểm ấy xuống những mảnh đất chưa được bón xới tốt.

Tự do và sức khỏe giống nhau, khi thiếu chúng thì người ta mới biết giá trị của chúng.

Phải tin là con người đã muốn sống trong xã hội, vì đã có xã hội, mà cũng vì từ khi có xã hội, con người đã sử dụng phần lớn nghị lực và mưu trí của mình để chống lại nó.

Ai mà càng kém thông minh thì lại càng có cái may trở thành nhà viết tiểu thuyết. Nếu không thì khi viết tiểu thuyết lại viết thành luận án.

Tôi tìm thấy chất người ở phụ nữ.

Một nhân vật tiểu thuyết, là bất cứ ai ta gặp ngoài phố, nhưng kẻ ấy phải đi đến tận cùng của y.

Chúng ta cũng như những miếng bông mút thấm nhựa đời mà không biết, rồi lại nhả nó ra sau khi biến đổi mà chẳng hay, sự biến diễn thần bí ở ngay trong ta.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn