Cảo thơm lần giở: Shakespeare nghĩ gì?

10-10-2014 4:19 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhà thơ Anh Shakespeare (thế kỷ 16-17) được coi là thiên tài sân khấu thế giới. Kịch của Shakespeare hiện nay vẫn được diễn...

Nhà thơ Anh Shakespeare (thế kỷ 16-17) được coi là thiên tài sân khấu thế giới. Kịch của Shakespeare hiện nay vẫn được diễn, quay thành phim, đọc ở các nước, có ảnh hưởng lớn đến sân khấu hiện thực và nhiều khuynh hướng sân khấu.

Quá trình sáng tác của ông có thể chia làm 3 giai đoạn phản ánh hiện thực xã hội Anh:

Giai đoạn thứ nhất trước 1600: những lực lượng tiến bộ thủ tiêu tàn tích phong kiến – kịch của ông lãng mạn, trẻ trung, trữ tình, lạc quan: Giấc mộng đêm hè, Người lái buôn thành Venise…, kịch lịch sử, bi kịch: Romeo và Juliet.

Giai đoạn thứ hai: ông tập trung vào khía cạnh bi thảm của cuộc đời (1600-1608): Phản ánh sự xung đột giữa ý chí và tình cảm cá nhân với những quy tắc đạo đức xã hội khi chủ nghĩa tư bản thắng thế đàn áp quần chúng nghèo khổ: Macbeth, Hamlet, Othello, Vua Lear; bi kịch Antony và Cleopatra.

Giai đoạn cuối (1608-1612): Do tuổi già, tâm hồn trở lại bình thản, kịch của ông tạo một không khí thần thoại nên thơ tuy vẫn phê phán sâu sắc: Cơn bão.

Ông là nhà văn cuối cùng của tư tưởng nhân văn trong trào lưu Văn nghệ Phục hưng châu Âu từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 17, phản ánh sự sụp đổ của phong kiến và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Kịch của ông phản ánh hai mặt đối lập của giai đoạn ấy: Mặt tích cực (tấn công cực quyền tôn giáo, tư tưởng phong kiến, tinh thần dân tộc); mặt tiêu cực (đồng tiền thống trị, thiếu dân chủ). Ông nói lên nguyện vọng, hoài bão của nhân dân, đề cao quyền tự do của con người đòi quyền sống, quyền yêu đương, quyền được hạnh phúc.

Giáo sư Triết học Didier Julia nhận định là từ khi có loài người, nền văn minh phát triển mang lại sự tiến bộ chủ yếu về mặt vật chất nhờ khoa học kỹ thuật, có tiến bộ tương đối về tinh thần tập thể (ý thức tự do, dân chủ, bác ái) nhưng về phương diện thay đổi bản chất con người thì hầu như rất khó: Ngày nay cũng như ngày xưa vẫn có kẻ độc ác, người lành, người dữ, kẻ hèn, người ngu, xã hội nhiễu nhương. Kịch của Shakespeare là tấm gương phản ánh những điều đó, cái phổ biến của con người. Dưới đây, xin trích dịch một số suy nghĩ qua các tác phẩm vẫn đúng cho con người và xã hội ta hôm nay:

- Cuộc đời là một cái bóng đi, một diễn viên tội nghiệp đi đứng điệu bộ, múa may quay cuồng trên sân khấu một tiếng đồng hồ rồi im bặt (Macbeth).

- Không có một nết xấu nhỏ nào mà lại không khoác áo đạo đức (Người lái buôn thành Venise).

- Thời gian giống như ông chủ nhà bậc thượng lưu lạnh lùng bắt tay người bạn từ biệt mình, rồi giang hai tay ra để đón ôm khách mới (Macbeth).

- Người ta có thể luôn nở nụ cười mà thực ra lại là một tên đểu cáng (Hamlet).

- Những lời thề thốt sắt đá tàn rụi như cọng rơm trong ngọn lửa của đam mê (Cơn bão).

- Chính vì ngươi sợ mà ta sợ (Romeo và Juliet).

- Có những người chỉ ôm ấp những cái bóng, họ chỉ có được cái bóng của hạnh phúc (Người lái buôn thành Venise).

- Cái gì ở trong một từ? Cái mà ta gọi tên là “hoa hồng”. Nếu đặt bất cứ tên nào khác vẫn cứ thơm như vậy (Romeo và Juliet).

- Chúa Thượng ơi! Xin người tránh xa sự ghen tuông, nó là quái vật mắt xám chế giễu ngay cả thịt nuôi nó (Othello).

- Những kẻ hèn nhát chết nhiều lần trước khi thực sự chết. Người dũng cảm chỉ hưởng cái chết một lần (Julius Cesar).

- Nhử mồi bằng một sự dối trá thì lại câu được con cá chép của sự thật (Hamlet).

- Danh vọng tựa như một cái vòng trên mặt nước gợn sóng, cứ tỏa ra mãi, cho đến khi tỏa rộng quá thì biến mất (Hamlet).

- Cái hại của uy quyền là khi quyền lực bị tách khỏi lương tâm (Julius Cesar).

- Cái áo không thể tạo thành tu sĩ (Henry VIII).

- Hãy thân mật, nhưng đừng dung tục (Hamlet).

Hữu Ngọc

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH