Cảo thơm lần giở: Schopenhauer nghĩ gì?

24-05-2019 07:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Theo Phật giáo, khổ đế là: Đời người có 4 cái khổ: sinh ra, già, bệnh, chết; mong muốn mà không được, ưa mà phải lìa xa, ghét mà phải gần, ngũ uẩn che lấp trí tuệ.

Thuyết khổ đế của đạo Phật có ảnh hưởng đến tư duy của nhà triết học Đức yếm thế bi quan Arthur Schopenhauer (Sô-pen-hau-ơ, 1788-1860). Triết lý của ông chống lại cách mạng, rất có ảnh hưởng vào thời kỳ đế quốc chủ nghĩa (Nietzsche, tư tưởng phát xít Đức). Tác phẩm Thế giới là ý chí và biểu tượng chịu ảnh hưởng triết học Ấn Độ, đặc biệt là đạo Phật. Ông xuất phát từ “ham sống” (dục) - sống và khổ gắn liền với nhau. Ông chủ trương từ bi (tình thương) và diệt dục, khổ hạnh. Ông đề cao “niết bàn” (tức là xóa bỏ “ham sống”); thế giới chịu sự thống trị của một ý chí mù quáng, con người không có khả năng nhận thức khoa học. Ông phủ nhận mọi tiến bộ lịch sử, căm thù cách mạng (ngay cả cải cách tư sản). Ông phản đối nghệ thuật “hiện thực”, đề cao chủ nghĩa duy mĩ, nghệ thuật bàng quan.

Nhà triết học Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860)

Nhà triết học Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860)

Sau đây là một số suy nghĩ của Schopenhauer:

- Con người là một con vật siêu hình.

- Cá nhân chỉ là một phiên bản, một mẫu mã của ý chí sống.

- Không ai đã từng sống trong dĩ vãng, không ai sẽ sống trong tương lai; hiện tại là phương thức thực thể của bất cứ cuộc sống nào.

- Con người là hiện tượng duy nhất có khả năng tự do.

- Đòi hỏi sự bất tử của con người, đó là muốn kéo dài vĩnh viễn một sai lầm.

- Chết là một giấc ngủ, trong đó ý thức cá thể tự quên đi.

- Chỉ khi mất cái gì thì mới biết giá trị của cái đã mất.

- Điều cơ bản cho hạnh phúc của cuộc đời là cái tự mình có.

- Không nên lấn vào tương lai bằng cách đòi hỏi trước thời điểm cái mà chỉ có thể đến được với thời gian.

- Tất cả cho mình, người khác không được gì, đó là phương châm của kẻ ích kỷ.

- Thói che giấu là bản tính của mọi phụ nữ, từ người tế nhị nhất đến người ngu đần nhất.

- Rất ít người biết suy nghĩ, nhưng ai cũng muốn có ý kiến của mình.

- Nếu có một Thượng đế thì tôi không thích được làm vị ấy, vì những khốn khổ của thế giới sẽ làm tôi đau lòng.

- Những tôn giáo y như những con đom đóm: để thắp sáng, đom đóm cần có bóng tối.

- Nếu Thượng đế tạo ra thế giới để có lợi cho quỷ, thì tốt hơn là Thượng đế đừng tạo ra thế giới.

- Nếu muốn người ta có ý kiến tốt về mình, thì giữ im lặng hơn là nói.

- Của cải y như nước biển: càng uống càng khát.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn