Vào đầu thời kháng chiến chống Mỹ, sân khấu ở Hà Nội vẫn phát triển, đặc biệt là tuồng và kịch nói. Tôi nhớ có lần đến thăm nhà đạo diễn, nhà viết kịch và tuồng Bửu Tiến ở xóm nghệ sĩ sân khấu, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, anh cho biết vở tuồng Đề Thám của anh chính thức được diễn đến hơn 500 buổi. Còn vở Âm mưu và hậu quả phỏng theo kịch của tác giả Đức Schiller, giấy giới thiệu mua vé của các cơ quan có thể kín hai năm, bị ngưng lại vì nhiều lý do, trong đó có lý do Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc. Như vậy, Schiller đã được biết đến từ thời đó.
Nhà viết kịch và nhà thơ Friedrich Schiller.
Friedrich Schiller là nhà viết kịch và nhà thơ Đức. Ông là con một sĩ quan, học trường quân sự, sau học y, nhưng say mê văn học. Năm 22 tuổi, ông viết vở kịch Những tên cướp (1781) bị cấm diễn. Từ đó, ông hoạt động sân khấu, văn học, sống lang thang. Năm 1792, ông được Cách mạng Tư sản Pháp tặng danh hiệu “Công dân danh dự”. Từ 1794, ông là bạn thân và cộng tác với Goethe. Ông là một nhà viết kịch xuất sắc (tư tưởng sâu sắc, ngôn ngữ tuyệt vời). Theo ông, sân khấu có nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho nhân dân, giải quyết những vấn đề chính trị và xã hội. Vở Những tên cướp điển hình cho phong trào tiền lãng mạn: Bão táp và Hưng phấn (Sturm und Drang) lên án bạo chúa và chế độ phong kiến thối nát (một thanh niên quý tộc cầm đầu một bọn cướp để chống lại bất công xã hội. Bị anh ruột phản bội, định cướp người yêu. Cuộc đời tan vỡ). Vụ âm mưu của Phi-e-xcô ở Giê-nu-a (1783) miêu tả một cuộc đấu tranh của một thành phố Ý (thế kỷ 16) để thành lập chế độ Cộng hòa, chống lại chuyên chế. Âm mưu và tình yêu (1784) là một vở kịch cách mạng: lên án những tiểu Vương quốc Đức thối nát chà đạp trắng trợn lên những giá trị sơ đẳng của con người; Ferdinand, con một vị thượng thư, yêu con gái một nhạc sĩ bình dân. Bố phá cuộc tình duyên ấy. Đôi trai gái uống thuốc độc tự tử. Đôn Car’-lôx’ (1787), kịch thơ, nhấn mạnh về tự do tư tưởng. Bộ kịch lịch sử 3 vở: Va-lơn-stain’ (1798-1799) có tính chất hiện thực và nhân dân, đề cao vai trò quần chúng và đáp ứng đúng lúc nguyện vọng dân tộc Đức đòi độc lập; tướng Wallenstein, chỉ huy một đội quân đánh thuê định lập nghiệp vương, chống lại Đế chế nhưng không thành. Thiếu nữ ở Or’-lê-ăng (1801) đề cao cuộc đấu tranh của Jeanne d’Arc và nhân dân Pháp vì thống nhất và tự do, trong hoàn cảnh dân tộc Đức bị phong kiến chia cắt. Vil’-helm’ Tel’ (Wilhelm Tell, 1804) ca ngợi vị anh hùng dân tộc chống ngoại xâm của Thụy Sĩ là một vở kịch có tính chất dân gian, giản dị, tự nhiên và rất phổ biến. Từ lãng mạn đến cổ điển, lấy cổ Hy Lạp làm khuôn mẫu, Schiller luôn luôn đề cao những lý tưởng tốt đẹp của con người (tự do, bác ái, hy vọng...). Ông còn là một nhà thơ trữ tình xuất sắc. Cùng Goethe, ông nâng thể ca Ballade Đức lên một trình độ nghệ thuật cao.
Sau đây là một số suy nghĩ của Schiller:
Những xiềng xích bằng thép hay bằng lụa cũng đều là xiềng xích.
Những ưu đãi lớn nhất của một người đàn bà không thể đền bù cho sự quỵ lụy nhỏ nhất của nam nhi.
Một viên tướng trẻ cần có một trận thắng, nhiều khi không có lý do cũng đánh những trận đẫm máu. Cái hay của một vị tướng có kinh nghiệm là ông ta không có nhu cầu tác chiến để chứng tỏ với thiên hạ nghệ thuật thắng trận.
Một vị khách mời xấu tính sẽ không có chỗ trong đám cưới.
Trong cơn nguy cấp, người ta cầu cứu một thiên tài. Nhưng khi thiên tài đến thì lại e ngại.
Trên đời không có gì khiến con người khổ sở bằng sự sợ hãi.
Trên mặt đất, có đủ chỗ cho tất cả mọi người.
Để chống lại sự ngu si, ngay cả những vị thần linh cũng bó tay.
Có những lúc ta cần phải quên đi những hi vọng xa xưa và tạo ra những niềm hi vọng mới.
Ngọn đèn của thiên tài tắt chóng hơn ngọn đèn của cuộc đời.
Lời lẽ luôn táo bạo hơn hành động.
Thời gian là thiên thần của con người.