Truyện viết cho trẻ em, tươi mát mà thâm thúy, chất thơ huyền diệu quyện với những tư tưởng sâu sắc, do đó, người lớn cũng thích đọc. Những biểu tượng nêu lên, theo một số nhà phê bình không thật rõ ý và đó là một điều hay: tác giả đề cao tình yêu, tình người. Giọng kể ấm áp, thân mật, như thủ thỉ với những tâm hồn cô đơn mà rộng mở. Chuyện kể về một phi công do máy bay hỏng phải hạ cánh xuống sa mạc Sahara. Một chú bé lạ lùng xuất hiện: chú đến từ một hành tinh nhỏ xíu có ba ngọn núi lửa.
Nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry (1900 - 1944)
Chú bỏ đi theo đàn chim di trú để khỏi cãi cọ với bông hồng chú yêu. Bông hồng tự hào về sắc đẹp nhưng cảm thấy yếu đuối, muốn làm cao với chú. Chú đi tới 6 hành tinh, gặp một ông vua, một kẻ khoe khoang, một nhà kinh doanh, một người thắp đèn phố, một nhà địa lý, chú ngạc nhiên về hoạt động của họ. Chú thấy ở dải đất có một vườn hoa hồng, chú hơi buồn vì tưởng vũ trụ chỉ có một bông hồng. Chú gặp con cáo. Cáo nài chú thuần hóa nó, để nó trở thành bạn của chú được. Như vậy là bông hồng đã thuần dưỡng chú, chú nhớ hồng và vội về hành tinh của mình. Chú bị rắn độc cắn, ngất đi trong đêm tối. Chú đã là người bạn nhỏ của phi công.
Saint Exupéry là nhà viết tiểu thuyết Pháp. Sinh tại Lyon, mất có thể do máy bay bị hạ gần đảo Corse hoặc ở một địa điểm khác thuộc Địa Trung Hải. Xuất thân quý tộc, là phi công năm 26 tuổi, vào hàng ngũ những phi công hàng không dân dụng đầu tiên (đường Pháp - Phi, Pháp - Nam Mỹ). Năm 1939-1940, ông lái máy bay chiến đấu; 1941-1942 ông ở Mỹ; 1943-1944 ông trở lại không lực chiến đấu.
Cuộc đời và sáng tác của Exupéry mang tư tưởng nhân đạo, bị hạn chế bởi những quan điểm phi lý tính, quý phái, cao kỳ, yếm thế trước sinh hoạt hiện đại bị kỹ thuật hóa, tuy ông vẫn tin vào con người và cuộc sống. Ông chủ trương một triết lý hành động, đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, phát triển cá tính và tìm hạnh phúc không phải bằng tự do và tình yêu, mà bằng những cố gắng tự vượt mình và thực hiện nhiệm vụ được giao, tìm tình bạn vô tư trong những người can đảm cùng làm một nhiệm vụ. Đối với ông, viết và lái máy bay gắn liền nhau; chính trong khi bay, ông đã cảm thấy mình gần bí mật cuộc sống và tìm thấy chất liệu để viết. Tác phẩm của ông phần nhiều có tính chất tự truyện: Chuyến bay phương Nam (Courrier Sud, 1927, đã quay phim), tiểu thuyết đầu tay viết ở một đồn hẻo lánh trong sa mạc châu Phi; Chuyến bay đêm (Vol de nuit, 1931, đã quay phim), tiểu thuyết cũng về đời sống phi công dân dụng, đề cao lương tâm nhà nghề; Đất của con người (Terre des hommes, 1939), tiểu thuyết chứng minh là qua chinh phục bầu trời, phi công hiểu rõ mình hơn, đánh giá được tình đoàn kết tương trợ và vượt lên trên tình cảm cá nhân; Phi công chiến đấu (Pilote de guerre, 1942), tiểu thuyết kể lại những cuộc phiêu lưu và những suy nghĩ về xây dựng lại nước Pháp; Thành trì (Citadelle, 1948, xuất bản sau khi ông chết), tuyển những suy nghĩ triết học và chính trị; Chú bé Hoàng tử.
Sau đây là một số suy nghĩ của Saint Exupéry:
Nếu những sự mất ngủ của một nhạc sĩ khiến người ấy sáng tác được những tác phẩm đẹp, thì quả thực đó là những sự mất ngủ đẹp.
Chỉ duy có huyền bí mà con người ta sợ. Cần không có gì là huyền bí nữa. Cần có những người xuống cái giếng tối tăm ấy, rồi lên và tuyên bố là chẳng thấy gì hết.
Nếu đời sống con người là không có giá trị, chúng ta luôn luôn hành động y như là có cái gì đó vượt quá con người về giá trị... Nhưng đó là cái gì?
Trong cuộc sống, không có giải pháp nào sẵn. Có những lực lượng vận động: cần tạo ra chúng và tự khắc những giải pháp sẽ đến.
Cái mà những người khác thành công, thì người ta bao giờ cũng có thể làm được.
Nếu vợ tôi tin là tôi sống, thì tin là tôi vẫn tiến bước. Những đồng đội của tôi tin là tôi tiến bước. Tất cả họ tin tưởng tôi. Và nếu tôi không tiến bước thì tôi là đồ đểu.
Một khi mắc vào một sự kiện, thì người ta không còn sợ nữa. Người ta chỉ sợ cái người ta không biết. Nhưng ai đã đương đầu với nó, thì nó không còn là cái không biết nữa.
Đã là con người, thì có nghĩa là biết chịu trách nhiệm. Là biết tủi nhục trước khi đối mặt với một sự khốn khổ dường như không do mình gây ra. Là biết tự hào về một chiến thắng mà đồng đội đã mang lại. Là cảm thấy khi đặt viên đá của mình thì mình đã đóng góp xây dựng thế giới.
Máy móc không phải là một mục đích. Phi cơ cũng không phải là một mục đích: đó là một công cụ. Một công cụ như cái cày.
(Ở giữa sa mạc) người ta nghĩ là con người có thể cứ tiến thẳng về phía trước. Người ta nghĩ là con người có tự do. Người ta không thấy dây thừng buộc họ vào giếng nước, buộc nó vào bụng trái đất y như chiếc cuống rốn. Nếu hắn đi thêm một bước nữa thì sẽ mất mạng.