Thời Pháp thuộc, vào những năm 30 thế kỷ trước, tôi học ban tú tài trường Bưởi. Cũng như các bạn cùng thời, tôi mê xem phim Mỹ có nhiều hành động hơn là phim Pháp, thường nói cà kê quá nhiều. Đặc biệt bọn tôi không thích xem phim của đạo diễn và diễn viên Sacha Guitry (con của diễn viên sân khấu nổi tiếng Lucien Guitry), vì phim hầu như độc thoại, nói lải nhải vài dòng.
Vậy mà thầy dạy Sử của chúng tôi, lúc ấy là ông Nguyễn Văn Thuyên, Tiến sĩ văn khoa (sau là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) mới du học ở Pháp về, thường nói lên sự ngưỡng mộ của ông đối với Sacha Guitry mà coi là bậc thầy của điện ảnh và sân khấu Pháp thời đó, đại diện cho cái dí dỏm của dân Paris. Chúng tôi lúc ấy còn nhỏ tuổi nên không hiểu được giá trị của Sacha Guitry. Sau lớn lên, qua thể nghiệm cuộc đời, dần dần mới nhận ra được cái độc đáo của Sacha Guitry.
Sacha Guitry (Xa-sa Ghi-tri) là tác giả của 130 vở kịch, 33 phim, nhiều tác phẩm luận văn tự truyện đều được hoan nghênh. Ông phê phán những cái tầm thường của xã hội và con người với một giọng mỉa mai mà buồn buồn, độ lượng, có biệt tài viết đối thoại gây hấp dẫn bất ngờ, tạo những tác phẩm nhẹ nhàng mà thâm thúy.
Những kịch và phim của Guitry đã ảnh hưởng sâu đậm đến một tác giả Việt Nam, là Nguyễn Triệu Luật-nhà viết tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất trước 1995 (theo đánh giá của Nguyễn Tuân). Theo phong cách Guitry, mặc dù tôn trọng sự thật lịch sử, ông cũng tạo ra những nhân vật phụ và hoàn cảnh không có thật để làm cho tiểu thuyết hấp dẫn. Tên cuốn Ngược đường trường thi mô phỏng theo En remontant les Champs-Élysés (Đi ngược đại lộ Champs-Élysés).
Dưới dây xin trích một số ý nghĩ của Sacha Guitry:
u Người Bỉ quả là khôn vặt. Họ lấy của dân Đức tính háo ăn, của người Anh tính nghiêm túc, của người Pháp óc chơi trí tuệ. Với tôi, họ lấy mắt trái tim.
* Nếu những người nói xấu tôi biết rõ tôi nghĩ về tôi thế nào thì họ có thể nói xấu thậm tệ hơn nữa.
* Không bao giờ nhìn một người đang ngủ. Việc đó cũng y như xem trộm thư người khác.
* Về tình yêu, có ba loại đàn bà: loại cưới làm vợ, loại để yêu và loại phải chi tiền. Có khi cả ba chỉ là một. Bắt đầu là chi tiền, rồi yêu và cuối cùng là lấy làm vợ.
* Mọi cử chỉ đều là tốt nếu là tự nhiên. Những cử chỉ học được thường là giả tạo.
* Điều ít ỏi mà tôi biết đấy là nhờ sự ngu dốt của tôi.
* Có những người đàn bà mà ngoại tình là sợi dây duy nhất còn gắn bó họ với chồng.
* (Đối với tác giả hài kịch): Ta hãy làm cho khán giả cười đi: Hãy làm cho tâm hồn buồn chán của họ tiêu tan đi. Nếu mà họ khinh rẻ ta và quên ta ngay sau khi bước ra khỏi rạp. Ồ! kì thực không sao. Người ta bao giờ quên người làm ơn cho mình.
* E ngại sự mỉa mai tức là sợ lý trí.
* Nếu bạn tin tôi thì hãy tránh xa những bộ râu già cỗi và những bộ óc tù mù và hãy yêu mến cuộc sống mặc dù các kẻ độc ác, kẻ đố kị và kẻ ngu đần đều đáng sợ hơn là ruồi bọ.
* Trách y cái gì cơ chứ? Vì tư tưởng chính trị của y ư? Trong khi ta khó mà tin vào ý kiến chính trị của các chính khách.
* Ở Paris, khi chú ý nhìn một phụ nữ gặp ngoài phố thì đó gần như là một sự ngoại tình. Chú ý nhìn một phụ nữ Pháp mà được nhìn lại, có thể đã là phác thảo của một tiểu thuyết ái tình.
* Bạn có ít tài năng, vậy mà người ta sẽ cho bạn là thiên tài. Bạn là thiên tài. Bạn là thiên tài, thực ra người ta không bao giờ công nhận là bạn có tài năng.
Hữu Ngọc