Rousseau (Ru-xô) (1712-1778) là một nhà văn cổ điển, một triết gia, vẫn còn sức quyến rũ đối với thế giới hiện đại do những ý niệm về những đạo lý chính trị và xã hội, và cả do con người đặc biệt của ông chìm trong mộng mơ và ảo ảnh. Ông là lý luận gia của Cách mạng tư sản - có khuynh hướng tiểu tư sản, ông đi tiên phong trong trào lưu lãng mạn và có ảnh hưởng lớn đến văn học và triết học châu Âu. Ông là con một người thợ đồng hồ ở Thụy Sĩ. Từ năm 16-20 tuổi, ông sống lang bạt ở Pháp, được bà Waren đỡ đầu, sau đó sống 9 năm gần bà, gần gũi thiên nhiên, tự học. Ông đi Paris và gia nhập giới văn nghệ, cộng tác với giới Bách khoa toàn thư. Năm 38 tuổi, ông nổi tiếng với luận văn “Sự tiến bộ của khoa học nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay không?” (Si le rétablissemens des sciences et des arts a contribué à épurer les moeurs, 1750): ông lên án văn minh phá hoại đạo đức con người. Từ đó, ông hệ thống hóa và sống theo khuynh hướng triết học của mình, tự tách rời các nhà triết học Ánh sáng.Vì ý kiến về tôn giáo và chính trị, ông phải chạy trốn sang Thụy Sĩ và Anh; mãi đến năm 58 tuổi, ông mới về Paris. Tám năm cuối đời, ông sống cô đơn, tự cho là bị cả xã hội mưu hại. Tư tưởng của Rousseau là một hệ thống logic: tư tưởng dân chủ tiểu tư sản, sau này ảnh hưởng lớn đến phái Jacobin (Gia-cô-banh) và trong Cách mạng tư sản Pháp 1789. Ông theo tự nhiên thần luận và nhị nguyên luận (vật chất và tinh thần song song tồn tại). Tình yêu thiên nhiên và ghét xã hội của ông xuất phát từ nhận định: con người khi sinh ra vốn có bản chất tốt, bị xã hội văn minh (khoa học, nghệ thuật) làm xấu đi. Luận văn về nguồn gốc và cơ sở của sự không bình đẳng giữa người và người (Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les homes, 1755) nhận định là tư hữu khiến con người mất bình đẳng (phải lấy chế độ tiểu tư hữu thay cho đại tư hữu), nhân dân có quyền làm cách mạng lật đổ bạo chúa phong kiến. Tác phẩm triết học chính trị chủ yếu của ông là Khế ước xã hội (Le contrat social, 1762), phản ánh hoài bão của cách mạng tư sản về tự do bình đẳng và sẽ thấm nhuần trong bản Tuyên ngôn các quyền của con người và công dân (Cách mạng 1789). Ông trình bày học thuyết về Nhà nước xây dựng trên ý muốn tự giác, cơ sở hiệp thương giữa mọi người, thừa nhận nhân dân được nắm chính quyền, bảo vệ dân chủ tư sản. Tiểu thuyết E-mi-lơ hay luận về giáo dục (Emile ou de l’éducation, 1762) phê phán giáo dục phong kiến khắt khe, cho là chỉ cần đào tạo công dân tích cực lao động, tách rời xã hội, là có thể có con người lý tưởng; giáo dục phải theo tự nhiên.
Sau đây là một số tư duy của Rousseau:
Cần biết xấu hổ khi làm điều có lỗi chứ không phải khi sửa lỗi.
Ở khắp mọi nơi, tôi thấy sự phát triển của một nguyên tắc lớn là: thiên nhiên sinh ra con người sung sướng và tốt lành, mà xã hội làm cho con người hư đốn và khốn khổ.
Hãy như tôi dám cả quyết là trạng thái tư duy là trái với thiên nhiên và con người. Suy nghĩ là một con vật hư đốn.
Trật tự xã hội không xuất phát từ tự nhiên mà dựa trên những ước lệ.
Phụ nữ thành phố Paris trang phục đẹp đẽ nhiều hay ít, đến mức nổi tiếng và trở thành gương mẫu về mặt này và về mọi mặt cho cả thế giới.
Đi bộ trên đường vào lúc đẹp trời trong cảnh đất nước đẹp, không có gì phải vội vàng, để đến một nơi, với mục đích thích thú: đó là cách thích hợp nhất với sở thích của tôi trong mọi cách sống.
Tuổi trẻ là thời gian học sự khôn ngoan, tuổi già là thời gian ứng dụng nó.
Người sống nhiều không phải là người sống được nhiều năm, mà là người cảm xúc được cuộc đời.