Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Remarque nghĩ gì?

15-09-2018 08:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Xin nhắc lại một kỷ niệm thời Kháng chiến chống Pháp. Từ 1946 đến 1950, tôi làm chủ bút tờ báo Địch vận khu 3 tiếng Pháp l’Etincelle (Tia sáng), đồng thời dạy tiếng Anh ở Trường trung học Nguyễn Khuyến (Nam Định).

Trong thời gian ấy, ta và Pháp ở thế giằng co, nhiều vùng địch ta lẫn lộn. Pháp đóng trong thành phố Nam Định và một số thị trấn, ta chiếm nông thôn bao vây. Trường tôi dạy phải luôn sơ tán, chuyển sang Ninh Bình (Yên Mô) rồi Thanh Hóa (Hậu Hiền).

Đến 1950, ta chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công. Tôi không thể quên được không khí hào hứng của cả trường khi lệnh tổng động binh được thông báo. Các em học sinh cuối cấp 3 nhảy nhót vui mừng xung phong đi bộ đội, khiến có lớp chỉ còn dăm bảy em nữ và nam không đủ sức khỏe. Cảnh ấy khiến tôi nhớ đến một cảnh trong bộ phim Mỹ Phía Tây không có gì mới (All quiet on the Western Front, tiếng Pháp là A l’ouest rien de nouveau). Tôi xem phim này thời Pháp thuộc, có lẽ vào tuổi 14 hay 15. Ở tuổi đó, dĩ nhiên không hiểu nội dung phim, chỉ nhớ những cảnh bom đạn và nhất là cảnh các học sinh ở trong lớp cũng tưng bừng ném hết sách vở để hăng hái đầu quân.

Nhà văn Đức Erich Maria Kramer Remarque.

Nhà văn Đức Erich Maria Kramer Remarque.

Mãi về sau tôi mới có dịp tìm hiểu Phía Tây không có gì mới (1929) dựa trên cốt truyện của nhà văn Đức EM. Remarque (Rơ-mar-kơ, 1898-1970). Cuốn tiểu thuyết này đã bán được hai triệu rưỡi bản và dịch sang 25 ngôn ngữ, quay thành phim năm 1930. Câu chuyện kể về một nhóm binh lính Đức trẻ trong Chiến tranh thế giới lần I, nêu lên sự hy sinh vô ích của một thế hệ thanh niên trong một cuộc chiến tranh không có gì là anh dũng, chỉ phục vụ quyền lợi của bọn đế quốc. Vào đúng thời điểm phim ra đời, bọn Quốc xã Đức bắt đầu chiếm quyền. Vì vậy, chúng la ó là phim ấy sỉ nhục dân tộc Đức và đòi cấm lưu hành phim.

Về giá trị nhân đạo, tác phẩm của Remarque không sâu sắc bằng cuốn Chiến tranh của nhà văn Pháp L.Renn. Remarque còn nổi tiếng về các tác phẩm Cổng chào chiến thắng, viết về những người Đức lưu vong ở Paris trước Chiến tranh thế giới thứ II; Một thời để sống và một thời để chết cũng thể hiện lập trường chống Phát xít và quân phiệt.

Erich Maria Kramer Remarque là nhà viết tiểu thuyết Đức (nhập quốc tịch Mỹ năm 1947). Ông là con một người thợ đóng sách. Ông đã đi lính trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, làm giáo viên, kinh doanh, nhà báo, viết văn. Khi Quốc xã Đức nắm chính quyền, ông lưu vong sang Mỹ. Ông chủ trương chủ nghĩa hòa bình, chống phát-xít và quân phiệt.

Sau đây là một số suy nghĩ của Remarque:

Người ta chỉ thực sự tự do khi người ta không còn mục đích gì trong cuộc sống.

Khi ta đành lòng cúi đầu thì ta có thể chấp nhận được những điều kinh khủng, nhưng những điều ấy giết ta khi ta suy nghĩ.

Lòng khoan dung là con của sự nghi ngờ.

Không phải bao giờ người ta cũng làm cái nên làm, mà người ta lại chọn cái sai lầm mặc dầu biết là không đúng, mà như vậy không phải là không thú vị.

Biết cách quên là bí quyết sống luôn luôn trẻ, chúng ta già đi vì ký ức.

Chỉ nhờ những ngẫu nhiên mà người lính ra trận được sống sót. Và người lính nào cũng tin vào ngẫu nhiên của họ.

Hãy chú ý nhìn: nếu anh đã dạy một con chó ăn khoai, mà rồi sau đó đưa cho nó một miếng thịt, thì thế nào nó cũng nhảy xổ vào thịt vì điều đó hợp với bản chất của nó. Nếu ta cho con người một ít quyền hành thì sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy, con người sẽ nhảy xổ vào quyền hành. Điều đó là dĩ nhiên, vì con người bản chất lúc đầu chỉ là một con thú.

Tại sao người ta không thường xuyên nói với chúng tôi rằng các anh cũng đáng thương như chúng tôi, mẹ của các anh cũng đau khổ như mẹ của chúng tôi và tất cả chúng ta đều sợ cái chết, đều cùng chết một cách và cùng có những sự đau khổ như nhau? Hãy thứ lỗi cho tôi, hỡi anh bạn đồng chí, chẳng hiểu tại sao anh lại có thể là kẻ thù của tôi? Nếu chúng ta vứt bỏ những vũ khí này và những bộ quân phục này thì anh có thể là người anh em của tôi, như Kat và Albert...


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn