Bi kịch cổ điển Pháp nổi lên và khẳng định giá trị của mình vào thế kỷ 17 với hai ngôi sao: Corneille thuộc thế hệ đi trước với vở Le Cid (1636) và Racine, hơn 30 năm sau với vở Andromaque (1667). Racine thừa hưởng quan niệm bi kịch cổ Hy Lạp - La Mã: con người là nạn nhân của định mệnh ác nghiệt. Trong cuộc đời, ông xuất phát từ quan niệm tội lỗi bẩm sinh và đạo lý khắc kỷ của công giáo để trở lại quan niệm ấy sau hàng chục năm hoạt động sân khấu.
Racine (Ra-xi-nơ, 1639-1699) xuất thân từ một gia đình viên chức trung lưu, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Bà cô cho ông học trong môi trường Janséniste, một giáo phái công giáo rất khắt khe, đặc biệt ở Port Royal. Ông học tiếng Hy Lạp cổ. Năm 19 tuổi, ông lên Paris học. Giao du với các nhà văn như La Fontaine, Boileau, ăn chơi và bắt đầu viết, đoạn tuyệt với Port Royal. Năm 28 tuổi, ông bắt đầu nổi tiếng về kịch. Năm 1673, ông vào Hàn lâm viện Pháp. Năm 1677, ông thôi viết kịch (mãi sau mới viết thêm 2 kịch tôn giáo), ông làm sử quan của nhà vua. Từ khi đứng tuổi, ông trở lại Port Royal và tôn giáo. Năm 1667-1677: ngoài vở hài kịch Những người sính kiện cáo, ông viết 7 bi kịch đã làm rạng rỡ sân khấu cổ điển Pháp. Qua những nhân vật cổ Hy Lạp - La Mã, Racine phản ánh hiện thực quý tộc Pháp đang suy tàn, ngược với Corneille là người ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, tâm hồn cao thượng, phù hợp với giai đoạn tích cực của chính quyền chuyên chế của nhà vua thống nhất quốc gia. Động cơ bi kịch của Racine là dục vọng, những giằng xé bi đát trong con người bất lực trước định mệnh; kịch tính rất cao do biểu diễn nội tâm, tính chất trữ tình, lời thơ trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh và âm điệu. Tác phẩm chính của ông: Ăng-đ’rô-ma-cơ (Andromaque, 1667), chuyện về người vợ chung thủy, thương con, chống lại kẻ cầm tù mình là Pyrrhus (Py-ruyx’) dâm đãng và ích kỷ; Bri-ta-ni-quix’ (Britannicus, 1669), về bạo chúa La Mã Néron (Nê-rông) khi trẻ, bắt đầu đi vào con đường tội lỗi do mẹ giảo quyệt và thích quyền thế, phá vỡ hạnh phúc kẻ khác; Bê-rê-ni-xơ (Bérénice, 1670), một thiên tình sử đau khổ; I-phi-giê-ni (Iphigénie, 1674), về một công chúa Hy Lạp sẵn sàng hy sinh cho thần minh nhưng cuối cùng thoát chết; Phe-đ’rơ (Phèdre, 1677), hoàng hậu Phe-đ’rơ ngỏ tình với con chồng, không ngờ chồng mình còn sống, ghen. Phe-đ’rơ để cho người mình yêu bị ngờ và chết oan. Phe-đ’rơ nhận tội với chồng trước khi chết; E-xter (Esther, 1689) và A-ta-li (Athalie, 1691), đều là bi kịch tôn giáo lấy đề tài ở Kinh thánh.
Sau đây là một số tư duy của Racine:
Trời ơi! Ta quá yêu chàng nên không thể hận chàng.
Không còn chỉ là ngọn lửa tình ẩn giấu trong tâm hồn ta, mà chính là nữ thần Ái tình (thần Vệ nữ Venus) đang nắm chặt con mồi.
Trời ơi, kẻ nào đặt cả niềm tin vào tương lai là điên rồ: ai cười vào thứ sáu thì đến chủ nhật sẽ khóc.
Nàng đẹp, đẹp không trang điểm, “một tòa thiên nhiên”. Đẹp cái đẹp của mỹ nữ vừa tỉnh giấc.
Thưa Chúa thượng, Người hãy lo sợ là ông trời cay nghiệt sẽ ruồng bỏ Người đến mức thỏa mãn tất cả mong ước của Người.
Này ông thầy cò ơi, vụ này là vụ chó bắt gà, đâu phải là vấn đề triết gia Hy Lạp Aristote và tác phẩm Chính trị luận của ông.
Ánh sáng ban ngày không trong trẻo hơn đáy lòng của ta.
Người ngăn chặn được ngọn sóng dữ dội, cũng có khả năng ngăn chặn những âm mưu của những kẻ hiểm độc.
Và rồi mặc dù tôi không muốn, niềm hy vọng đã len lỏi vào trong tôi.
Nàng bâng khuâng, nàng trù trừ, tóm lại nàng là đàn bà.
Không có tiền, không mượn được lính Thụy Sĩ đánh thuê.
Một tấm lòng mộ đạo không thể hiện bằng hành động, liệu có phải là một sự mộ đạo chân thực không?
Danh dự đã lên tiếng, thế là quá đủ: đó là những lời sấm truyền của chúng ta.
Cái thời sung sướng ấy không còn nữa. Tất cả đều đã đổi thay.
Trong đêm tối của nấm mồ, tôi sẽ chôn chặt nỗi nhục của mình.