Cùng nhà văn Anh Joyce, hai nhà văn Pháp được coi là bậc thầy của tiểu thuyết hiện đại Gide và Proust, đã canh tân thể loại tiểu thuyết tâm lý. Thời thanh niên, tôi vốn thích đọc truyện trinh thám và truyện phiêu lưu nên không “khoái” đọc những trang dài của Proust kể về cuộc sống thượng lưu và phân tích tâm lý với những câu dài dằng dặc. Về sau, đứng tuổi, tôi cũng cảm thấy cái mới, cái sâu sắc của Proust, nhưng vẫn “kính như viễn chi”, chỉ dám đọc trích đoạn.
Nhà văn Marcel Proust (1871-1922).
Giới phê bình đánh giá toàn bộ sáng tác của Proust là tư duy về thời gian và ký ức, cảm xúc một vũ trụ nghệ thuật, cảm nghĩ về tình yêu và ghen tuông, về sự trống rỗng của cuộc sống, một tấn tuồng đời với 200 diễn viên có thực, với văn phong đôi khi nhuốm màu diễu cợt hoặc chua cay.
Marcel Proust (Pruxt, 1871-1922) là con một gia đình trí thức tư sản giàu có, cha là một giáo sư y học nổi tiếng, mẹ gốc Do Thái. Ông bị suyễn từ năm 9 tuổi, thích văn nghệ từ khi đi học. Ông học luật một thời gian rồi sống cuộc đời thượng lưu ở các khách thính (salon). Năm 35 tuổi, ông buồn vì mẹ chết và lại bị suyễn nặng nên sống ẩn dật trong buồng bệnh ở nhà, để toàn tâm toàn ý vào sáng tác.
Tác phẩm độc đáo của Proust là bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất (A la recherche du temps perdu). Đó là một tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến văn học phương Tây, đặc biệt về quan niệm tiểu thuyết hiện đại. Khi xuất bản, ít ai để ý đến nó, trừ giới văn học sành sỏi. Nhưng số người thưởng thức không ngừng tăng. Tính đến 1987, khoảng 6 triệu bản tập đầu được phát hành (từ 1913); những năm 1988-1989, toàn bộ được xuất bản dưới hình thức loại sách bỏ túi, là loại sách sản xuất hàng loạt để phát hành đại chúng.
Proust chịu ảnh hưởng của Freud và Bergson (luận điểm “thời gian trực cảm”, durée). Ông tái tạo lại thời gian đã trôi đi, gợi lại kỷ niệm, đi sâu vào tiềm thức. Ông nhớ lại đời mình rất tỉ mỉ, từ bé đến tuổi trung niên nhắc lại nhiều người (200 chân dung), nhiều nơi, nhiều sự việc, dùng nghệ thuật biến dĩ vãng thành hiện thực sống mãi. Nghệ thuật trở thành phương tiện chống lại thời gian xói mòn tất cả, chống lại cái chết tiêu hủy mọi thứ. Tiểu thuyết của Proust không còn chú trọng cốt truyện như tiểu thuyết cổ điển (kiểu Balzac) nữa; chất liệu của nó là sự kiện nội tâm.
Đi tìm thời gian đã mất gồm 7 tập:
Về phía nhà Swann (Xoan) - do liên tưởng, người kể chuyện sống lại một thời thơ ấu. Chàng đi về phía nhà ông Swann, người đã yêu đau khổ và lấy Odette (Ô-đét-tơ) có tính phù phiếm. Mấy năm sau, ở Paris, chàng gặp con gái Swann là Gibente (Gin-ben-tơ), bạn cũ của chàng và là đối tượng yêu đầu tiên; - Dưới bóng những thiếu nữ hoa niên Gibente xa dần người kể, chàng cũng quên cô. Ở bãi biển, chàng làm quen một số thiếu nữ và để ý đến Albertine (An-bơ-ti-nơ). Về phía những người họ Guermantes (Gher-măng-tơ). Ở Paris, chàng ước ao được nữ công tước họ Guermantes tiếp mà không được. Bà nội chết. Chàng quan hệ với Albertine. Chàng giao thiệp với quý tộc họ Guermantes Sodame (Xô-đô-mơ) và Gomorrhe (Gô-mo-rơ) miêu tả một người em của nữ công tước Guermantes, tính nết kỳ quặc, vừa độc ác vừa tốt, thô bạo mà tế nhị, gặp Albertine, ghen và yêu; Nữ tù nhân (La prisonière). Albertine biến mất - Albertine đến ở Paris với người kể. Chàng cố giữ nàng lại, nhưng một buổi sáng nàng ra đi; sau chết vì tai nạn. Chàng đau khổ vì nghĩ lại những lần nàng phụ tình. Thời gian tìm lại được. Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ. Xã hội đổi thay. Chàng tìm ra chân lý: ghi lại dĩ vãng trong tác phẩm là tìm lại được thời gian đã mất.
Sau đây là một số suy nghĩ của Proust:
Đau khổ là một tác nhân chuyển biến hiện thực mạnh mẽ không kém gì say rượu.
Sự ham muốn của mình bao giờ cũng được coi là vô tội, còn ham muốn của người khác bị coi là độc ác.
Ngừng hy vọng có nghĩa là tuyệt vọng.
Những nghịch lý của hôm nay sẽ là những thành kiến của ngày mai.
Có một thể xác - đó là sự đe dọa lớn nhất của tinh thần.
Bản năng đề ra nhiệm vụ, còn trí tuệ thì cung cấp những lý do để gạt bỏ.
Trong đánh giá thời gian đã trôi qua thì bước đầu tiên là khó khăn nhất.
Chúng ta không thể thay đổi sự vật theo ham muốn của chúng ta, nhưng dần dần, sự ham muốn của chúng ta lại thay đổi.
Hy vọng được an ủi mang lại cho ta gan chịu đựng.
Chạy theo tùy hứng là niềm vui cho mọi lứa tuổi.
Bản năng bắt chước và sự thiếu lòng can đảm ngự trị các xã hội cũng như các đám đông.
Tuổi già trước hết khiến ta thiếu khả năng hành sự nhưng không khiến ta mất ham muốn.
Những người đồng tính luyến ái có thể là những người chồng tốt nhất thế giới nếu họ không đóng kịch yêu đương phụ nữ (bản thân Proust cũng là người đồng tính luyến ái - HN).
Luyến tiếc là sự khuếch đại của ham muốn.
Tình yêu gây ra những địa chấn của tư duy.