Cảo thơm lần giở: Poe nghĩ gì?

12-02-2018 08:02 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tôi biết Edgar Poe (Pâu, 1809-1849) qua truyện Con cánh cam vàng và bài thơ Con quạ từ thời học trung học ở Trường Bưởi. Tôi nhớ mang máng đọc Con cánh cam vàng qua bản dịch tiếng Pháp của Baudelaire (Bô-đơ-le-rơ).

Nhân vật chính trong truyện là Legrand (Lơ-grăng), một nhà côn trùng học yếm thế, sống cô độc cùng một người đầy tớ da đen là Jupiter (Giupito) ở một hòn đảo hoang vắng. Một hôm, ông bắt được một con cánh cam hình thù rất lạ. Tối hôm đó có người bạn lại chơi. Ngồi bên lò sưởi nói chuyện, Legrand vẽ cho bạn xem con cánh cam; không ngờ, bức vẽ con cánh cam lại hóa thành hình một cái đầu lâu. Đó chẳng qua là vì anh vô tình vẽ lên trên một mảnh giấy cổ làm bằng da rất mỏng mà anh nhặt được ở bờ bể, gần chỗ bắt được con cánh cam vàng, hình vẽ đầu lâu vốn dùng một thứ mực hóa học, gần lửa nên đã hiện lên. Legrand hơ thêm gần lửa thì thấy hiện lên thêm một dòng con số và các dấu hiệu bí mật.

Từ đó, Legrand lúc nào cũng trầm ngâm, như người mất hồn. Độ một tháng sau, anh cho Jupiter mời bạn đến. Ba người tổ chức một chuyến đi thám hiểm trong đảo để tìm kho vàng của một tên cướp đã chôn. Legrand suy luận và tìm ra bí mật của mật mã. Họ đến chân một cây cổ thụ xum xuê. Theo lệnh chủ Jupiter trèo lên cây và tìm thấy một chiếc sọ người, từ trên cây, bác theo lệnh chủ thả con cánh cam vàng qua lỗ mắt bên trái sọ người. Từ điểm cánh cam rơi xuống đất, Legrand dựa vào mật mã tính toán và tìm ra được nơi chôn kho vàng.

Truyện Con cánh cam vàng đã khiến cho Edgar Poe được coi là tổ sư truyện trinh thám hiện đại (truyện dựa vào trí thông minh lập luận mà tìm ra thủ phạm các vụ án bí mật). Con cánh cam vàng (Le scarabée d’or) được lấy tên để đặt cho một tùng thư tiểu thuyết trinh thám ra ở Pháp vào sau đại chiến. E.Poe là người tạo ra nhân vật điển hình thám tử tài tử trong văn học; đặc biệt trong truyện Vụ giết người phố Moocgơ (The Murders in the Rue Morgue, 1841), một con đười ươi giết hai mạng người. Ông cũng tạo ra loại truyện rùng rợn như Sự suy sụp của nhà Aso (The fall of the house of Usher, 1839) kể về một tòa lâu đài và những con người, bao trùm trong một bầu không khí huyền ảo. Những truyện này ở trong tập Truyện kỳ dị (Tales of the Grotesque and Arabesque, 1840). Cũng nên kể Những truyện của Atho Gocton Pym (The Narrative of A. Gordon Pym, 1837) viết về những truyện phiêu lưu trên biển của một thiếu niên (thủy thủ nổi loạn, bão, gặp tàu chở thây người, ma quái...).

Con quạ có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất của Edgar Poe. Bài thơ này là bài đầu trong tập thơ cuối cùng của tác giả, xuất bản năm ông 36 tuổi (1845) dưới tên là Con quạ và những bài thơ khác (The Raven and other Poems). Bài thơ tạo ra một không khí ảm đạm chết chóc, thần bí, âm khí nặng nề.

Đó là một đêm tháng Chạp giá lạnh, nhà thơ đau khổ vì người yêu là Leonore (Liono) vừa chết, chàng tìm nguồn yên ủi trong những bộ sách của người xưa. Đã khuya lắm rồi, đống than hồng sắp tắt vẽ những bóng ma lên sàn nhà. Trong khi nửa tỉnh nửa mơ, bỗng chàng nghe có tiếng khẽ gõ cửa, cái rèm đỏ tía sột soạt nghe quái đản như từ cõi âm lay động. Trống ngực đập thình thịch, chàng cố trấn tĩnh ra mở cửa đón người khách lạ nào đó đến vào lúc đêm hôm:

“Tôi mở toang cửa;

Tối om om, không còn gì khác nữa.

Chăm chú nhìn vào đêm tối, tôi đứng đó

Kinh ngạc, sợ hãi

Bâng khuâng, mơ những giấc mơ

Mà người trần thế chưa từng biết tới

Nhưng yên lặng cô liêu, không thấy gì cả

Chỉ thấy thì thào “Leonore”

Tiếng thì thào của tối, và tiếng thì thào vọng lại:

“Leonore!”

Chỉ có vậy thôi, không có gì nữa”

Nhà thơ đóng cửa trở vào thì lại nghe có tiếng gõ. Lần này chàng mở cửa ra. Một con quạ to, đường bệ như từ thuở hoang sơ hiện về, vỗ cánh bay vào đậu trên tượng nữ thần trí tuệ Pallas (Palax) ở trên khung cửa. Chàng ngạc nhiên hỏi nó là ai, tên gì, nó chỉ trả lời mấy tiếng như một lời nguyền: “Nevermore” (Không bao giờ nữa).

Với điệp khúc ngắn ngủi này, con quạ im lìm và trịnh trọng đáp các câu hỏi của chàng:

Những thiên thần có còn mang lại cho chàng lời an ủi của Thượng đế để lòng chàng nhẹ bớt sầu thương chăng? “Không bao giờ nữa!”.

Có bao giờ chàng có thể ái ân với người yêu ở thế giới bên kia không? “Không bao giờ nữa!”.

Tâm hồn nhà thơ không thoát khỏi sự ám ảnh của con chim gở? “Không bao giờ nữa!”.

Mời xem tiếp trên SK&ĐS số 32 ra ngày 25/2/2018


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
Tags: