Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Platon (*) nghĩ gì?

02-12-2015 01:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vào tuổi 14, 15, tôi vào học trường Bưởi Hà Nội, có lần thầy dạy Pháp văn giải thích từ ngữ Amour Platonique (nghĩa đen là tình yêu theo quan niệm của Platon)...

Vào tuổi 14, 15, tôi vào học trường Bưởi Hà Nội, có lần thầy dạy Pháp văn giải thích từ ngữ Amour Platonique (nghĩa đen là tình yêu theo quan niệm của Platon) là: tình yêu lý tưởng, thuần túy về tinh thần-tình cảm, không vương vấn gì với tình dục, tình yêu xác thịt. Thứ ái tình này thật phù hợp với thế hệ tôi vào những năm 30 của thế kỷ trước, trong không khí lãng mạn Hồn bướm mơ tiên của Tự lực văn đoàn. Khổng giáo còn mạnh, tình dục chưa được dạy như tại trường trung học như ngày nay. Cậu nào chẳng có một Amour Platonique.Về sau, tôi mới biết tính từ Platonique từ danh từ Platon mà ra. Đến khi học Ban tú tài Triết, qua thầy dạy Triết là P.Foulon mới biết ít nhiều về Platon. Hy Lạp cổ đại là đất thánh của triết học phương Tây. Và hai vị thánh của triết học Hy Lạp là Platon-bậc tổ sư của triết học duy tâm và Aristote-bậc tổ sư của triết học duy vật và lại là đồ đệ của Platon.Platon được coi là người mở đầu siêu hình của Triết học phương Tây. Ông xuất thân quý tộc, là môn đồ của Socrates. Ông bỏ chính trị quay sang Triết học. Ông đi chu du nhiều nơi hiến kế trị dân cho nhiều vua chúa nhưng không được nghe. Ông bênh vực quý tộc, cho chế độ nô lệ là tự nhiên.

Platon tạo ra một hệ thống Triết học duy tâm khách quan. Thế giới của ý niệm có trước, sinh ra thế giới những vật thể, mỗi vật thể chẳng qua chỉ là cái bóng của một ý niệm. Thí dụ: cái cây, con ngựa... chỉ là cái bóng của ý niệm cây, ý niệm ngựa. Chúng ta có thể dùng giác quan mà biết vật thể, nhưng hiểu biết bằng cảm giác không chân thật. Muốn có tri thức chân thật phải có sự hồi tưởng của linh hồn nhớ lại thế giới ý niệm. Linh hồn đã quan sát thế giới ý niệm trước khi trú ngụ ở thân thể (thân thể thì chết đi, linh hồn thì bất diệt).Luận điểm này của Platon được minh họa bởi Huyền thuyết “Hang động Platon”: con người như một tù nhân bị trói ở cuối một cái hang, y chỉ nhìn thấy cái bóng của một vật thực (ý niệm) in lên đá thành vật thể. Chỉ khi linh hồn được giải phóng khỏi bị trói bay bổng lên mới nhìn thấy hiện thực (ý niệm) chứ không phải là cái bóng (vật thể).Dưới đây xin trích vài suy nghĩ của Platon:- Không phải chỉ sống theo khoa học mà có thể hạnh phúc được, ngay cả khi gồm tất cả các môn khoa học, nhưng muốn hạnh phúc chỉ cần thấu hiểu một môn duy nhất về thiện và ác.- Khi người ta được nhiều thứ, họ tưởng là bác học, thực ra đa số sẽ chỉ là những kẻ ngu dốt và những hiền tài giả mạo, trong giao lưu xã hội không ai chịu nổi.- Tôi sẽ đối phó với những kẻ đi nói xấu người khác bằng cách tiếp tục sống tốt: đó là cách tốt nhất để đối phó với sự nói xấu.

(*) Platon 427-347 trước CN


Ý kiến của bạn