Vốn là một người yếm thế nhưng bác ái, ông để lại phần lớn của cải của ông - 31 triệu đồng curon Thụy Điển - để đầu tư lấy lãi hàng năm thưởng cho những người đóng góp nhiều nhất cho nhân loại.
Nobel đề ra những giải thưởng này vì ông tin vào tương lai nhân loại: “Truyền bá tri thức là thúc đẩy sự thịnh vượng. Tôi nghĩ đến sự thịnh vượng thực sự, chứ không phải là sự làm giàu của một số cá nhân. Với sự thịnh vượng đó, đa số những đau khổ sẽ tiêu tan, những thành tựu của nghiên cứu khoa học cho chúng ta hy vọng là các vi trùng của tâm hồn cũng như của cơ thể, dần dần sẽ bị diệt trừ, và cuộc chiến tranh duy nhất mà nhân loại phải theo đuổi sẽ là để chống những vi trùng ấy...”.
Ông muốn dành tiền thưởng cho mấy lĩnh vực khoa học mà suốt đời ông quan tâm (vật lý, hóa, sinh lý học, y học), văn học là môn làm phong phú trí tuệ và tình cảm (ông có làm thơ, viết văn, viết thư từ rất hay) và tình huynh đệ giữa các dân tộc, tức là hòa bình thế giới. Chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hòa bình của nhà thơ lãng mạn Anh Shelly (Se-ly) từ khi còn trẻ, ông rất ghét chiến tranh, dĩ chí ghét cả sự cãi lộn giữa những cá nhân. Ông cũng chịu ảnh hưởng của Bertha von Suttner, ông viết cho bà: “Những nhà máy của anh rất có thể chấm dứt chiến tranh nhanh hơn các cuộc hội họp của em”. Ông đề ra một ý kiến bị coi là không tưởng: “... Biện pháp hiện thực duy nhất có thể là một hiệp định giữa tất cả các chính phủ sẽ tự nguyện cùng nhau bảo vệ bất cứ quốc gia nào bị tấn công. Một thỏa thuận như vậy dần dần sẽ dẫn đến sự giải trừ quân bị từng phần”.
Việc thực hiện di chúc của Nobel không phải là thuận buồm xuôi gió, vì văn bản không có sự giúp đỡ của luật gia nên có nhiều sơ hở. Do chỗ ở chính thức của ông có tại rất nhiều nơi, nhiều nước muốn đứng ra nhận phần, cuối cùng, Thụy Điển là quê hương ông được hưởng quyền thực hiện di chúc. Của cải của ông rải rác ở khắp 8 nước châu Âu cũng là vấn đề cần giải quyết. Một số người thừa kế trong gia đình cũng đặt vấn đề tranh chấp. Cuối cùng, một phụ tá dưới 30 tuổi của Nobel được ông ủy quyền, Ragnar Sohlman (Ra-gơ-na Xôn-man) đã dàn xếp ổn thỏa với những người thừa kế và đề ra được những quy tắc thực hiện chúc thư; Tổ chức Nobel (Fondation Nobel) được thành lập. Hồi đó, Thụy Điển và Na Uy cùng là một quốc gia; sau khi tách thành hai nước, những thể chế có liên quan đến các giải Nobel của hai quốc gia cộng tác với nhau rất chặt chẽ, trong tinh thần thông cảm.
Tổ chức Nobel có trách nhiệm quản lý của cải do ông Nobel để lại, áp dụng những biện pháp hành chính về giải thưởng. Nhưng quyền lựa chọn và quyết định người được giải thưởng lại thuộc về những tổ chức khác: Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển quyết định các giải thưởng vật lý, hóa và cả khoa học kinh tế (giải này mới đặt ra từ 1968 do sáng kiến của Ngân hàng Thụy Điển), Hội nghị Nobel của Viện Karolinska Institutet quyết định giải thưởng văn học, Ủy ban Nobel Na Uy quyết định giải thưởng hòa bình.
Nobel- người sáng lập giải thưởng cùng tên và giải Nobel được trao từ 1901 đến nay.
Chúng tôi xin nói riêng về giải thưởng văn học Nobel.
Hàng năm, những người đủ tư cách và có thẩm quyền (theo Điều lệ) phải gửi những đề nghị bằng văn bản đến Ủy ban Nobel Văn học và Ủy ban Giải thưởng văn học trước ngày 1 tháng 2. Các đề nghị xuất phát từ các cá nhân: Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển và những viện hoặc hội tương tự, giáo sư văn học sử hoặc ngôn ngữ, những người đã được giải thưởng Nobel, Chủ tịch các Hội Nhà văn quốc gia.
Giá trị giải Nobel năm 1991 là 6 triệu cu-ron Thụy Điển (khoảng gần 1 triệu đô-la Mỹ).
Theo chúc thư để lại, Nobel muốn tặng giải cho “một tác phẩm xuất sắc có khuynh hướng lý tưởng” (outstanding work of an idealistic tendency).
Nhưng phải hiểu “khuynh hướng lý tưởng” là thế nào? Cách giải thích thay đổi tùy theo các giai đoạn lịch sử.
Từ 1901-1912, người ta chú trọng quá nhiều đến nội dung tác phẩm và hiểu “khuynh hướng lý tưởng” theo chủ nghĩa lý tưởng bảo thủ và thẩm mỹ lý tưởng chủ nghĩa của thế kỷ 19. Do đó, Lev Tolstoi (Lép Tôn-xtoi) bị gạt vì ông “phủ nhận nhà thờ, Nhà nước, quyền sở hữu cá nhân”. Strindberg (Xt’rin-be-ri), nhà văn Thụy Điển lớn nhất, bị gạt vì có những tư tưởng quá cấp tiến, giải thưởng được tặng cho bà Selma Lagerlof (Xen-ma La-gher’-lop) cũng là nhà văn Thụy Điển lớn.
Trong thời kỳ Thế chiến I (1914-1918), quan niệm chọn mở rộng ra ngoài châu Âu nên nhà văn xứ Bengal (Ấn Độ) Tagore (Ta-go-rơ) được giải. Người ta đề cao những nhà văn lên án chiến tranh hoặc thuộc các nước trung lập: Romain Rolland (Rô-manh Rô-lăng), Pháp; Heidenstam (Hai-đơn-xtam), Thụy Điển; Gjelllerup (Gi-e-lê-rup), Đan Mạch; Pontoppidan (Pon-tôp-pi-đan), Đan Mạch.
Những năm 20 (1919-1929), tiêu chuẩn lựa chọn không tuyên bố là chủ nghĩa cổ điển mới; “khuynh hướng lý tưởng” được hiểu là chủ nghĩa nhân đạo rộng mở. Điển hình cho sự lựa chọn này là nhà văn Đức Thomas Mann (Tô-max Man), nhà văn Ai-len B.Shaw (Sô).
Những năm 30 kéo dài đến hết Thế chiến II (1930-1945) nhấn mạnh bản thông điệp nào có tiếng vang rộng rãi nhất đối với nhân loại. Do đó, cả một nền thơ hiện đại tinh vi mà phức tạp nằm ngoài quỹ đạo. Đáp ứng đòi hỏi trên tốt nhất, nên kể nhà viết kịch Ý Pirandello (Pi-ran-đen-lô), nhà viết kịch Mỹ O’Neill (Ou Nin), các nhà viết tiểu thuyết Mỹ Sinclair Lewis (Xin-cơ-le Lu-ít) và Pearl Buck (Pơl-Băck).
Thời kỳ hậu chiến đến những năm 60 (1946-1960) đề cao những tác giả đi tiên phong như: Hesse (He-xơ), Đức; Gide (Gi-đơ), Pháp; Faulkner (Phok’-nơ), Mỹ.
Hai thập kỷ 70 và 80 (1971-1990), Ủy ban Nobel hiểu ý nguyện của Nobel một cách “thực tiễn” hơn, có khuynh hướng quan tâm đến những thành tựu xuất sắc mà chưa được đánh giá đúng mức, địa bàn được mở rộng hơn. Có thể đưa ra một số thí dụ: I. Singer (Xin-gơ), Mỹ - Ba Lan, viết bằng tiếng Yiddish; Soyinka (Xô-in-ca), Nigeria; C.Milosz (Mi-loj), Mỹ - Ba Lan; Mahfouz (Ma-phuz), Ai Cập. Cũng nên nói thêm là một số tác phẩm được giải thưởng Nobel có ý kiến cho là được chọn theo ý đồ phục vụ chính sách “chiến tranh lạnh” như: nhà văn Tây Đức Heinrich Bool (Hain-ric-Bơn); các nhà văn Xô Viết Pasternak (Pat-s-tec-nac), A.Solzhenitsyn (Xon-gie-nit-xin). Viện Hàn lâm Thụy Điển thanh minh là mình đánh giá tác phẩm không theo tiêu chuẩn chính trị mà theo tính chất của nhà văn đứng ra bảo vệ các giá trị con người và nhất là theo tiêu chuẩn giá trị nghệ thuật.
Sau đây là một số suy nghĩ của Nobel:
Hy vọng là mạng che của tự nhiên che giấu sự trần trụi của sự thật.
Tôi là một người yếm thế nhưng lại làm điều thiện, thế nhưng tôi lại là một người siêu lý tưởng tiêu hóa triết học có hiệu quả hơn thức ăn.
Đối với tôi, người ta không thể viết tiểu sử được, trừ khi viết ngắn và gọn, và như vậy, tôi cảm thấy là có sức thuyết phục nhất.
Một người bộc bạch thường là một kẻ nói dối.
Ưu phiền là chất độc hại nhất cho dạ dày.
Nếu tôi có hàng ngàn ý, chỉ cần một ý được thực hiện tốt thì tôi cũng đã thỏa mãn rồi.
Tôi có ý định sai khi tôi chết để lại một quỹ lớn nhằm phát triển ý tưởng hòa bình, nhưng tôi hoài nghi về kết quả. Ý muốn chính xác của tôi là khi trao giải thưởng, không xem xét đến quốc tịch của người được đề cử mà chỉ chọn người xứng đáng lĩnh giải nhất dù là người Bắc Âu hay không.
Một trái tim không thể bị ép buộc yêu đương cũng như không thể ép dạ dày tiêu hóa thức ăn bằng cách thuyết phục.
Dối trá là tội lỗi lớn nhất trong các tội lỗi.
Công lý chỉ có thể tìm được trong các tưởng tượng.
Chỉ những lời chúc tốt đẹp không thôi thì không đảm bảo được hòa bình.
Một người ở ẩn mà không có bút mực và sách thì y như người đã chết khi còn sống.